1. Nomophobia
Nomophobia là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “No mobile phone phobia” (tạm dịch: Nỗi ám ảnh khi không có điện thoại di động). Triệu chứng là: liên tục kiểm tra điện thoại một cách ám ảnh, không ngừng lo lắng mất điện thoại ngay cả khi đã cất ở nơi an toàn, không bao giờ muốn tắt điện thoại. Theo điều tra của công ty nghiên cứu công nghệ điện thoại di động SecurEnvoy, có 66% số người được khảo sát cho biết họ mắc phải hiện tượng này. Con số này đang ngày càng tăng. Nghiên cứu của SecurEnvoy cũng cho thấy, trung bình mỗi người kiểm tra điện thoại di động 34 lần mỗi ngày. Rất nhiều người không thể rời chiếc điện thoại di động từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, thậm chí mang theo cả khi đi tắm, vào nhà vệ sinh. Những người càng trẻ tuổi càng có khả năng mắc phải Nomophobia, và nguy cơ ở phụ nữ cao hơn đàn ông.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, Nomophobia còn khiến các mối quan hệ ngày càng xa cách vì ai cũng dành thời gian cho điện thoại hơn là trò chuyện với những người xung quanh mình. Chính vì thế, lời khuyên của các chuyên gia y tế là hãy giữ điện thoại bên mình phòng trường hợp khẩn cấp, nhưng khi bạn ở bên cạnh người khác, hãy dành ưu tiên cho họ hơn cả.
2. Phantom Ringing Syndrome
Bạn luôn có cảm giác điện thoại của mình đang rung lên vì có cuộc gọi hoặc tin nhắn gửi đến và kiểm tra liên tục. Điều này tưởng chừng bình thường và rất phổ biến ở nhiều người. Tuy nhiên, đây là một hội chứng cần được can thiệp, khi não của bạn được kích hoạt cảm nhận rung của điện thoại nhưng thực tế, điện thoại không hề rung.
3. Cybersickness
Cách đây không lâu, rộ lên thông tin hệ điều hành iOS 7 mới chính là nguyên nhân khiến nhiều người dùng điện thoại cảm thấy chóng mặt, buồn nôn sau khi sử dụng khoảng 10-20 phút. Tưởng chừng điều này sẽ nhanh chóng qua đi khi mọi người quen dần với giao diện phẳng cũng như tắt bớt các hiệu ứng không cần thiết. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng phức tạp hơn. Các bác sĩ và nhà tâm lý học đã phải vào cuộc và có kết luận: đó là bệnh say giao diện iOS 7 (cybersickness), khá giống với những triệu chứng của bệnh say tàu xe. Việc sử dụng iOS 7 cũng giống như khi bạn cố gắng đọc sách trên xe, gặp các triệu chứng như: chóng mặt, nhức đầu, thậm chí buồn nôn.
Các chuyên gia đã chỉ ra 3 tác nhân chính là thủ phạm gây ra cybersickness trên iOS 7: đó là sự kết hợp của một màn hình có độ phân giải cao, hiệu ứng 3D nổi và hiệu ứng thu phóng khi mở ứng dụng. Những yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống tiền đình của một số người. Nếu rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế, làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo, gây khó chịu thì cybersickness không thuộc nhóm bệnh lý nhưng lại gây ra các triệu chứng tương tự như vậy.
4. Internet Addiction Disorder
Rõ ràng, thời đại Internet đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của chúng ta, cả tích cực lẫn tiêu cực. Chính vì vậy, nó được xem là một con dao hai lưỡi. Nếu lạm dụng Internet một cách thái quá, bạn có thể bị xáo trộn về tâm thần – một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là Internet Addiction Disorder (IAD). Triệu chứng là: lên mạng bất cứ lúc nào, kiểm tra email ở bất cứ đâu, hễ có thời gian rảnh là chơi games, nghe nhạc, lướt Facebook… Đó là chưa kể những hoạt động khác trên mạng như gửi tin nhắn, chat, kết bạn, mua sắm online…
Gần đây, JWT đã có cuộc khảo sát về việc sử dụng Internet và điện thoại di động. Kết quả cho thấy, dân Mỹ đứng đầu thế giới về tình trạng nghiện Internet. Đa số cho biết họ không thể thiếu Internet trong vài ngày và có cảm giác thiếu một cái gì đó rất quan trọng. 28% số người thừa nhận họ dành rất ít thời gian cho những cuộc gặp gỡ trực tiếp vì bận sử dụng Internet hoặc điện thoại. 20% số người được hỏi thú nhận họ dành ít thời gian hơn trước cho những chuyện vợ chồng.
5. Online Gaming Addiction
Thế hệ ngày nay là thế hệ của những người dán mắt vào màn hình, hay thế hệ của các screenagers bị dính chặt vào thế giới ảo. Những người nghiện game online luôn đòi hỏi được chơi nhiều hơn hoặc ít nhất là duy trì hành động được chơi. Nếu không, họ sẽ cảm thấy khó chịu và khổ sở. Sự thôi thúc được chơi game là căn nguyên chính trong bệnh này. Nếu bị cấm, họ sẽ trở nên giận dữ, bạo hành hay trầm cảm; có người chỉ ngồi một chỗ buồn rầu, không ăn, uống, ngủ và không thiết làm gì.
Vì sao những trò chơi ảo lại đầy ma lực như vậy? Bác sĩ tâm thần người Anh Richard Graham chuyên điều trị cho những thanh thiếu niên nghiện game cho biết: “Sự quyến rũ nằm trong các thử thách và những phần thưởng. Có những game cám dỗ các game thủ bằng sự phức tạp và khơi dậy sự sáng tạo. Trò chơi ảo cung ứng sự kích thích nhãn quan, khiến người ta muốn chơi. Thế giới đời thường không có những cấu trúc và màu sắc như trong game, đặc biệt là game dành cho trẻ con. Thế giới thiếu niên là một thế giới có những áp lực dữ dội, và trò chơi ảo cung ứng cho các bạn trẻ một nơi trú ẩn. Những trò chơi online như World of Warcraft mang đến cho người chơi cơ hội có được thành công và uy tín một cách nhanh chóng. Ở đó, người chơi được những người khác cảm phục, biết ơn những giá trị và nỗ lực của họ. Kinh nghiệm có được trong game thật thú vị, nếu đem so sánh sẽ thấy đời sống thường nhật buồn chán biết bao”.
6. Cyberchondria
Chẳng có gì khó khi cần tìm hiểu thông tin liên quan đến bất cứ bệnh gì, bạn chỉ việc lên mạng tìm kiếm là ra cả tỷ trang web. Điều này rất thông dụng, cho dù bạn là cư dân của xứ sở nào. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, những người truy cập quá nhiều vào các trang web y học trên mạng có thể sẽ bị mắc một hội chứng có tên là Cyberchondria. Hội chứng này khiến người bệnh tự chẩn đoán sai về sức khỏe của mình, từ đó tìm kiếm những biện pháp chữa trị không cần thiết. Việc tiếp cận với các website y tế một cách dễ dàng đã vô tình biến nhiều người thành những bác sĩ bất đắc dĩ và gánh chịu những hậu quả khó lường.
7. Google Effect
Một nghiên cứu có tên là Google Effect (Hiệu ứng Google) cho thấy, trí nhớ của con người sẽ kém dần đi nếu họ biết mọi thông tin đều có thể được tìm thấy dễ dàng. Nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Columbia nhận thấy, ngày càng có nhiều người bỏ qua các cuộc thảo luận với bạn bè để sử dụng Internet như một nguồn thông tin chính. Các chuyên gia cho rằng, những công cụ tìm kiếm phổ biến như Google, Bing, Yahoo và các cơ sở dữ liệu như Wikipedia và IMDb.com là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Giáo sư Betsy Sparrow, người đứng đầu cuộc nghiên cứu ở trường Đại học Columbia cho biết, các công cụ máy tính đã khiến người ta không cần động não để tìm ra câu trả lời. Đồng thời, họ cũng sẽ quên thông tin đó một cách nhanh chóng. Chúng ta đang trở nên phụ thuộc vào các công cụ máy tính. Trí nhớ con người đang thích nghi với công nghệ truyền thông mới.
Bài: Hành Hương