Bệnh ở “đường ra” - Tạp chí Đẹp

Bệnh ở “đường ra”

Sức Khỏe

Điều đầu tiên bạn cần làm là nếu như việc đi đại tiện – nhu cầu tất yếu hàng ngày – luôn đi kèm với sự đau đớn, căng thẳng là tới bệnh viện khám.

Đừng ngần ngại, bởi chỉ tính riêng phân khoa Hậu môn, Trực tràng của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, mỗi ngày cũng có từ 60 -100 bệnh nhân giống bạn gõ cửa. Một con số không hề nhỏ, nhưng vẫn “rất khiêm tốn” so với lượng người mắc bệnh vẫn còn “nghiến răng” chịu đựng chứ chưa nghĩ tới việc đi khám.

Dưới đây là những tóm tắt cơ bản về một số bệnh lý ở “đường ra” thường gặp. Ngoài việc có thể gây đau, chảy máu, chúng đều có đặc điểm chung: Ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt và làm giảm chất lượng sống của người bệnh.

1. Bệnh trĩ

Là bệnh lý hậu môn trực tràng thường gặp nhất. Bệnh nhân thường đi khám, điều trị muộn do trĩ gây phiền phức nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe.

Biến chứng bệnh: gây hẹp, xơ cứng hậu môn, nhiễm trùng gây loét, hoại tử hậu môn và các vùng da lân cận do bôi thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc để điều trị.

Sẽ rất nguy hiểm nếu điều trị sai do chẩn đoán lầm trĩ với polype trực tràng, ung thư trực tràng.

Nguyên nhân:

Chưa xác định rõ nhưng có liên quan tới những nguy cơ gây giãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ. Các nguy cơ cao gây bệnh trĩ:

– Ăn ít chất xơ.

– Ít vận động, ngồi nhiều, đứng nhiều như nhân viên văn phòng, bảo vệ, người làm công việc khuân vác nhiều, mang thai, táo bón kinh niên, hội chứng lỵ, hội chứng ruột kích thích… làm tăng áp lực ổ bụng, cản trở máu tĩnh mách hồi lưu trở về hệ thống tuần hoàn, tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Triệu chứng:

– Chảy máu đỏ tươi khi đi đại tiện. Một số trường hợp không chảy máu nên khó nhận biết.

– Không gây đau trừ khi có tắc mạch, sa nghẹt, tổn thương hậu môn đi kèm hoặc do tình trạng co thắt của các cơ.

– Có thể có triệu chứng ngứa hậu môn do búi trĩ sa ra ngoài, tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn.

Nguy cơ:

– Là bệnh lành tính nhưng đôi khi cũng là cảnh báo cho những bệnh nguy hiểm nặng nề hơn như ung thư đại trực tràng, polype đơn độc, đa polype.

– Gây thiếu máu ở một số bệnh nhân thường bị chảy máu khi đi đại tiện.

– Đau đớn do sa, sưng đau, tắc nghẽn búi trĩ, vòng trĩ, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và tâm lý người bệnh.

Điều trị:

– Khi đã được chẩn đoán, bệnh trĩ nên đi điều trị sớm để có thể có cơ hội lựa chọn các phương pháp điều trị khômg xâm nhập như điều trị nội khóa, ít xâm nhập như điều trị thủ thuật. Điều trị càng trễ càng ít cơ hội chọn phương pháp điều trị.

+ Trĩ độ 1, 2: Điều trị nội khoa hoặc thủ thuật.

+ Trĩ độ 3, 4: Thường phải can thiệp phẫu thuật.

+ Trĩ tắc mạch: Buộc phải cắt bỏ búi trĩ.

– Điều trị các rối loạn đại tiện cho bệnh nhân vì đây chính là những nguy cơ gây trĩ.

– Cải thiện chế độ sinh hoạt, vận động và ăn uống hợp lý.

2. Rò hậu môn


Bệnh lý vùng hậu môn có tỷ lệ mắc cao, chỉ đứng sau trĩ. Bệnh có thể kéo dài liên tục nhiều tháng nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt, cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân:

– Bắt nguồn từ các áp-xe hậu môn trực tràng không được điều trị hoặc điều trị sai kỹ thuật, hậu phẫu không tốt khiến áp-xe vỡ, tạo đường rò…

– Cũng có thể do trực khuẩn lao, bệnh Crohn hay hậu quả của bệnh lý ngoài da ở bệnh nhân HIV.

Triệu chứng:

– Người bệnh trước đó ít lâu hoặc một vài năm có nhọt ở gần lỗ hậu môn bị vỡ hay đã được rạch dẫn lưu mủ nhưng thỉnh thoảng nhọt lại tấy lên, mưng mủ tái đi tái lại nhiều lần.

– Đôi khi xì hơi qua lỗ rò.

– Thăm khám thấy tại chỗ cứng, ấn vào đau, khám hậu môn có thể thấy lỗ rò trong.

Nguy cơ:

 Có khi đường rò đơn giản, nhiều khi lại cực kỳ phức tạp với một lỗ trong mở ra nhiều lỗ ngoài với đường đi vòng vèo, rối rắm.

– Đường rò có thể nằm dưới niêm mạc, rò liên, xuyên cơ thắt thấp, cao hay rò ra ngoài cơ thắt.

Điều trị:

– Cách điều trị duy nhất là làm phẫu thuật. Tùy theo tính chất, mức độ thương tổn mà phẫu thuật có thể rất đơn giản, kết quả tốt hoặc ngược lại.

– Hậu phẫu rất quan trọng.

– Phẫu thuật phải đảm bảo tìm được lỗ rò, lấy hết tổ chức thương tổn xơ mà không làm tổn thương cơ thắt (vì sẽ gây đại tiện không tự chủ).

3. Nứt kẽ hậu môn

Bệnh khá thường gặp, gây đau đớn khi đi đại tiện. Thậm chí một số người không dám ăn nhiều vì ngại đại tiện sẽ gây đau nhiều.

Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Tuổi mắc bệnh nhiều là từ 30 -50.

Nguyên nhân:

– Cơ chế sinh bệnh chưa được rõ.

– Phân rắn đi qua cọ xát mạnh vào hậu môn, viêm xơ cơ thắt hậu môn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

– Yếu tố nguy cơ còn bao gồm những người từng có tiền sử phẫu thuật vùng hậu môn như cắt trĩ, thủ thuật thắt trĩ bằng vòng cao su, chích xơ, quang đông hồng ngoại…

Triệu chứng:

– Thương tổn nứt hậu môn là một vết nứt dài hiện diện ở ống hậu môn giới hạn từ dưới đường lược đến bờ hậu môn.

– Đau khi đi cầu và kéo dài sau đó. Có thể có chảy máu đỏ nhạt, không nhiều.

– Có thể có cục thịt thừa, sờ thấy được ở ví trí nứt kẽ.

– Chảy dịch hậu môn, ngứa hậu môn do kích thích của dịch tiết này.

– Táo bón cũng là triệu chứng thường thấy.

Nguy cơ:

– Nứt hậu môn cấp tính: Sẽ lành sau điều trị nội khoa hoặc không lành hẳn và xuất hiện tổn thương thứ phát, viêm nề, tạo khối da thừa, mảnh da thừa xơ hóa, khối nhú tăng sản.

– Nếu lâu không lành sẽ tạo vết loét sâu đến lớp cơ thắt trong, gây xơ hóa, dễ dẫn tới hậu quả kích thích co thắt cơ thắt trong hậu môn, xơ hóa phần cơ bị kích ứng này.

– Có khả năng gây rò hậu môn do áp-xe quanh hậu môn hay áp-xe giữa hai cơ thắt.

– Có thể gây hẹp hậu môn.

Điều trị:

– Điều trị bằng cách chống táp bón để tránh nguy cơ khối phân rắn , lổn nhổn làm tái nứt kẽ hậu môn.

– Ngâm hậu môn với nước ấm khoảng 15 phút mỗi ngày, giúp giãn cơ thắt.

– Thuốc bôi tê tại chỗ để giảm triệu chứng đau.

– Nong hậu môn dưới gây mê.

– Chích Botulinum Toxin A vào cơ thắt để làm giãn cơ thắt.

– Phẫu thuật: Áp dụng đối với bệnh nứt kẽ hậu môn mãn tính.

4. Hẹp hậu môn

 

Tình trạnh hậu môn không thể mở rộng để tống hết phân ra ngoài do tổn thương ở trong hậu môn trực tràng hay xung quanh hậu môn.

Nguyên nhân:

– Do biến chứng của việc điều trị trĩ bằng các loại thuốc bôi, đắp không rõ nguồn gốc.

– Dị dạng bẩm sinh.

– Sau chấn thương, chiếu xạ, nhiễm trùng gây xơ hóa da xung quanh hậu môn và cơ vòng khiến lòng hậu môn, trực tràng hẹp.

– Các u của thành ruột hay của các tạng xung quanh chèn ép gây hẹp lòng hậu môn.

Triệu chứng:

– Người bệnh có thể than phiền bị táo bón, đại tiện phải rặn nhiều khiến đau tức hậu môn.

– Chảy máu khi đại tiện, đại tiện phân nhỏ, dẹt.

– Bệnh nhân thường phải dùng thuốc xổ.

Nguy cơ:

– Luôn phải chịu những phiền toái do căn bệnh mang lại như đôi khi phải thụt tháo phân, thường phải dùng thuốc xổ, mất nhiều thời gian trong nhà vệ sinh, đau đớn.

– Những tổn thương gây hẹp hậu môn có thể là lành tính, cũng có thể là ác tính nên chúng không chỉ gây bất tiện cho người bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Điều trị:

– Hẹp do bị khối u chèn ép cần phải phẫu thuật cắt bỏ.

– Hẹp lành tính: Nếu nhẹ và nhất thời thì đa số đáp ứng với điều trị nội khoa và xử trí tại chỗ.

– Hẹp nặng do chấn thương hay biến chứng sau điều trị trĩ thường phải phẫu thuật.

– Dùng thuốc nhuận tràng.

– Tiến hành bơm dầu nhờn vào trực tràng.

– Thụt tháo phân.

– Nong hậu môn bằng tay hoặc dụng cụ.

5. Polype trực tràng, ống hậu môn

Trực tràng là vị trí dễ có nhiều u lành, nhưng u này có thể đơn độc hay nhiều, và thường xuất hiện sau tuổi 45.

Polype trực tràng là những thương tổn khu trú, nổi gồ trên bề mặt thượng mô trực tràng, có hoặc không có cuống.

Nguyên nhân:

– Polype trực tràng hình thành do sự tăng sản các tuyến tiết chất nhầy của ruột, bệnh nhân mắc bệnh polype gia đình.

– Yếu tố nguy cơ gồm: tuổi tác (tuổi càng cao càng dễ có polype), béo phì, ăn nhiều chất béo, ít hoạt động thể lực, từng mắc bệnh viêm đại trực tràng mãn tính.

Triệu chứng:

– Polype không gây triệu chứng lâm sàng đặc biệt, thỉnh thoảng có chảy máu do bị loét.

– Bệnh nhân có thể gặp tình trạng đau bụng, đại tiện phân lỏng do khối polype bị kích thích, gây chèn ép ruột.

– Bệnh nhân bị polype nhánh thường đi khám vì đại tiện ra chất nhờn. Đôi khi đại tiện không ra phân, chỉ ra chất nhờn.

Nguy  cơ:

– Ở một số ít trường hợp, khối polype gây chảy máu nặng, dẫn tới mất máu nhiều.

– Do những khối polype ở vị trí đặc biệt nên những u này có khả năng là u ác tính cao.

Điều trị:

– Nếu kích thước khối polype nhỏ có thể cắt đốt qua nội soi hậu môn trực tràng. Nếu kích thước to, cần phải làm phẫu thuật hay thực hiện thủ thuật qua nội soi để lấy trọn khối polype và gửi đi làm giải phẫu bệnh.

– Nếu kết quả giải phẫu bệnh bình thường thì không cần điều trị thêm, nếu là ác tính, cần cắt bỏ đoạn ruột có khối poplype để tránh tái phát và lan rộng bệnh.

6. Bệnh lý rối loạn sự thoát phân

Là một trong những bệnh “khó nói” khiến người mắc phải dễ rơi vào căng thẳng bởi những bất tiện chúng gây ra và cả sự “tế nhị” không dễ chia sẻ.

Nguyên nhân:

– Nguyên nhân gây bệnh rối loạn thoát phân được biết đến nhiều nhất là bế tắc đường ra và giảm hoạt động đại tràng.

– Giảm động đại tràng co thể do một đoạn đại tràng không có thần kinh điều khiển vận động nên không thể co bóp để đẩy phân xuống. Điều này cũng làm đoạn đại tràng phía trên (có thần kinh điều khiển) phình to ra gây bệnh phình cự đại tràng.

– Bế tắc đường ra có thể do sa trực tràng kiểu túi, lồng trực tràng ống hậu môn, co thắt cơ mu trực tràng nghịch lý, sa sàn chậu,…

Triệu chứng:

Bệnh nhân có thể bị tình trạng:

– Không có cảm giác mắc cầu do giảm động đại tràng. Đại tràng không co bóp nên không tống phân ra ngoài được.

– Có cảm giác mắc cầu nhưng rặn nhiều mà không ra phân, phải dùng tay trợ giúp hay uống thuốc xổ.

Nguy cơ:

– Giảm động đại tràng có thể khiến bệnh nhân không thể đi cầu trong 3, 4 ngày, thậm chí cả tuần lễ. Buộc phải dùng thuốc xổ hoặc thụt tháo.

– Luôn phải chịu sự căng thẳng mỗi lần đi tiêu. Có khi phải ở trong nhà vệ sinh cả tiếng nhưng không thể đi cầu trong khi bụng căng tức.

– Dễ mặc cảm và có suy nghĩ tiêu cực.

Điều trị:

– Giảm hoạt động đại tràng bằng thuốc kích hoạt thụ cảm 5HT4 ở thành ruột.

– Với bệnh gây bế tắc đường ra thì điều trị tùy nguyên nhân:

+ Phẫu thuật nếu là do sa trực tràng kiểu túi, sa sàn chậu, lồng trực tràng ống hậu môn.

+ Dùng máy kích điện trực tràng nếu mất phản xạ đại tiện.

+ Nếu nguyên nhân là co thắt cơ mu trực tràng nghịch lý, chích Botulinum Toxin A và cơ mu trực tràng, tập phản hồi sinh học.

+ Với nguyên nhân sa sàn chậu, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật khâu bản nâng cho người bệnh.

Tư vấn chuyên môn: ThS. BS. Dương Phước Hưng – Trưởng phân khoa Hậu môn – Trực tràng, BV ĐH Y Dược TP. HCM.

 Theo Sức khỏe


Thực hiện: depweb

18/12/2012, 18:28