“Tôi cảm thấy mọi thứ đều có vị không khác gì một miếng bìa cứng”. Cô Elizabeth Medina nhớ lại khoảng thời gian sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
“Tôi cảm thấy mọi thứ đều có vị không khác gì một miếng bìa cứng”. Cô Elizabeth Medina nhớ lại khoảng thời gian sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cách đây một năm.
Một năm sau, khứu giác và vị giác của cô vẫn chưa thể phục hồi và người phụ nữ 38 tuổi này lo sợ mình sẽ vĩnh viễn mất đi khứu giác. Để chữa bệnh, cô Medina đã trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và thần kinh, thử nhiều loại thuốc xịt mũi khác nhau.
Hiện cô là một trong số những bệnh nhân đang thử nghiệm phương pháp sử dụng dầu cá. Để cố gắng kích thích các giác quan của mình, Medina đã cho rất nhiều loại gia vị vào mọi thứ mình ăn, thêm các loại thảo mộc thơm vào trà và thường xuyên ngửi vòng tay ngâm tinh dầu.
Tuy nhiên, mọi cố gắng đều vô ích. Medina phàn nàn cô đã mất nhiều thú vui hằng ngày, kể cả ăn uống và nấu nướng. Trong suốt nhiều tháng, hầu như ngày nào cô cũng khóc vì nghĩ đến tình cảnh của mình.
Medina là một số những người mắc chứng mất khứu giác kéo dài – một chứng rối loạn đã trở thành hậu quả vốn bị đánh giá thấp ở bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo nhà tâm lý học Valentina Parma thuộc Đại học Temple ở Philadelphia (Mỹ), hầu hết những người bị mất vị giác hoặc khứu giác sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ hồi phục trong vòng 3 hoặc 4 tuần.
Tuy nhiên, khoảng 10% đến 15% bệnh nhân mắc COVID-19 lại bị mất khứu giác và vị giác trong nhiều tháng.
Bà Parma, cũng là Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCCR), cho biết việc mất đi một hay nhiều giác quan ước tính ảnh hưởng tới hơn 2 triệu người Mỹ và 10 triệu người trên toàn cầu.
Vị giác và khứu giác thường được coi là những giác quan ít quan trọng hơn so với thị giác và thính giác và việc mất đi hai giác quan này thường được coi là ít nghiêm trọng hơn so với các hậu quả khác sau khi mắc COVID-19.
Tuy nhiên, vị giác và khứu giác là “một phần thiết yếu của xã hội hóa” và sự biến mất của các giác quan này thường không chỉ gây ra những vấn đề về dinh dưỡng, mà đó còn là sự lo âu và thậm chí trầm cảm.
Đối với trường hợp của Medina, chuyên gia tâm lý Parma cho biết chưa thể dự đoán được điều gì ở giai đoạn này.
Hiện chưa có phương pháp chữa trị chứng mất khứu giác và phương pháp điều trị duy nhất được khuyến nghị là ngửi 4 mùi hương khác nhau 2 lần/ngày. Theo nhà tâm lý học Parma, phương pháp này có hiệu quả ở 30% trường hợp mất khứu giác, nhưng phải cần tới 3 đến 6 tháng để thực hiện điều này.
Đối mặt với viễn cảnh mờ mịt này, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi những người như bà Chrissi Kelly – sáng lập viên nhóm từ thiện The AbScent, người mất vị giác và khứu giác sau một đợt viêm xoang hồi năm 2012, và bà Katie Boateng, một người Mỹ cũng bị mất vị giác và khứu giác vào năm 2009, đã trở thành những người nổi tiếng.
Họ chia sẻ kinh nghiệm của mình và thúc đẩy giới chuyên gia tăng cường nghiên cứu và nhận ra mức độ nghiêm trọng của việc đánh mất vị giác và khứu giác. Vào năm 2018, bà Boateng đã tạo ra Smell Podcast, một kho thông tin và lời khuyên dành cho những người không may gặp vấn đề tương tự.
Bà Boateng hiện là thành viên của một nhóm giúp đỡ bệnh nhân, vốn hỗ trợ việc nghiên cứu của GCCR. Mặc dù đã từ bỏ hy vọng chữa khỏi bệnh cho chính mình, nhưng bà vẫn hy vọng rằng sự hỗ trợ của nhóm trên có thể mang lại hy vọng chữa trị cho những bệnh nhân mắc bệnh tương tự trong tương lai.
Trong khi chờ đợi một bước đột phá về y học, nhiều người vẫn đang thích nghi với cuộc sống không có khứu giác hay vị giác. Một số người lựa chọn thực hiện các bài tập hít đất hằng ngày, đôi khi với sự trợ giúp của huấn luyện viên, như cô Leah Holzel.
Chuyên gia thực phẩm Holzel, người đã mất khứu giác từ năm 2016 đến năm 2019, đã giúp 6 người khỏi chứng mất khứu giác kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhiều người mắc bệnh tương tự cũng đang hướng đến những thông điệp về sự chữa lành vốn thường xuyên xuất hiện trên các mạng xã hội, cũng như cảm thấy được sẻ chia khi kết bạn được với nhiều người cùng chung hoàn cảnh.
Tương tự những người bị mất khứu giác khác, Medina tìm thấy niềm an ủi và tinh thần tương thân tương ái ở một nhóm hỗ trợ do một bệnh viện gần nhà cô lập nên. Những nhóm như vậy đã nở rộ trên mạng xã hội.
Nhóm The AbScent, được thành lập trên danh nghĩa là một tổ chức từ thiện ở Anh vào năm 2019, đã chứng kiến lượng thành viên trên các nền tảng khác nhau tăng vọt từ 1.500 người đến hơn 45.000 kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.
Trên trang Facebook của AbScent, cô Dominika Uhrakova, một công dân Anh 26 tuổi, chia sẻ: “Gần đúng một năm sau lần đầu tiên tôi mất khứu giác và vị giác, hiện tôi cảm thấy khá ổn. Hãy cố lên, đừng đánh mất hy vọng. Tôi cầu chúc cho tất cả các bạn sẽ gặp may mắn”.