Bệnh không ăn được... bánh mỳ - Tạp chí Đẹp

Bệnh không ăn được… bánh mỳ

Sức Khỏe

Ăn bánh mì là tiêu chảy

Chị Nguyễn Thu Nguyệt, ở 211 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội rất thích bánh mì, bánh quy nhưng hễ ăn vào là chị lại “đi nhanh về chậm”. Chị thường đổ tại bánh mì kém vệ sinh, nhiễm khuẩn khiến chị bị ngộ độc. Nhưng đôi khi mọi người cùng ăn mà không có dấu hiệu gì, thì chị đổ tại “bụng mình xấu”. Nhiều khi chị tự làm bánh ở nhà, ăn xong, chị cũng thấy dấu hiệu khó tiêu, đầy bụng. Chính vì thế, chị kiêng ăn bánh mì dù rất thèm. Một lần vì nể lời mời của bạn, chị ăn nửa cái bánh, ăn xong là trướng bụng đầy hơi, đi phân nhầy nhầy có mỡ. Lúc này chị mới đi khám. Khi nghe chị than thở về việc ăn bánh mì thì bác sỹ bảo: “Có lẽ không phải ngộ độc thực phẩm vì kém vệ sinh đâu, có khi chị bị bệnh coeliac, ăn bánh mì vào là tiêu chảy”.

Giải thích về việc này, ThS.BS Nguyễn Bạch Đằng, chuyên môn tiêu hóa, Học viện Quân y, Hà Đông, Hà Nội cho hay: Bệnh coeliac (nhiều người viết là celiac) hay còn gọi bệnh đại tiện phân mỡ. Đây là bệnh do ruột non teo các vi nhung mao dẫn tới không dung nạp được gluten gây nên việc đi phân mỡ. Gluten lại có mặt ở nhiều loại thực phẩm và nhiều nhất trong lúa mì (chiếm khoảng 80% thành phần lúa mì), lúa mạch, yến mạch. Gluten là một loại protein nên thực chất nó chính là thành phần dinh dưỡng của các sản phẩm lúa mì, lúa mạch. Mặt khác với đặc tính kết dẻo nên gluten rất quan trọng trong việc sản xuất bánh mì (có nhiệm vụ hình thành cấu trúc bánh mì, tăng độ mềm mại, hút và giữ nước tốt hơn cho bánh). Thế nên với những sản phẩm thông thường, người sản xuất không tách chiết gluten mà còn có thể cho thêm gluten vào bánh. Bởi vậy những người mắc bệnh coeliac thì không thể dung nạp được các chế phẩm từ bột mì.

Y khoa vẫn chưa có thông tin đầy đủ về nguyên nhân gây ra bệnh coeliac. Nhưng có nhiều trường hợp bị bệnh khi gia đình có người thân bị bệnh này. Một số người bị bệnh tiểu đường, viêm ruột già, bệnh tuyến giáp trạng cũng dễ gặp phải hiện tượng dị ứng gluten này.

Cẩn thận ung thư

Không dung nạp được gluten, người bệnh sẽ không ăn được các sản phẩm từ lúa mì, lúa mạch như bánh mì, bánh quy, mì tôm, thịt chay… hoặc ăn vào là có hiện tượng tiêu chảy, khó tiêu, đầy bụng… Tuy nhiên, trên thực tế còn rất ít người biết về bệnh này, và rất nhiều thức ăn có gluten. Bởi thế nhiều người vẫn dùng các sản phẩm từ mì.

Khi họ vẫn dùng các sản phẩm có gluten, lớp nhung mao ở ruột sẽ bị tổn thương. Lớp nhung mao này lại có nhiệm vụ hấp thu dinh dưỡng. Thực phẩm có gluten sẽ khiến người bệnh coeliac khó hấp thu được các dưỡng chất dẫn tới suy dinh dưỡng, thiếu máu. Việc thiếu máu gây nguy hại cho não bộ, nên những người  bị bệnh coeliac dài ngày có thể bị suy kiệt, rối loạn tâm thần kinh; việc thiếu dinh dưỡng khiến họ nhanh chóng loãng xương, răng, tóc và da trở nên khô và xấu.

Việc không nạp được gluten cũng gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống bởi nhiều loại thực phẩm và cả thuốc đều chứa thành phần này.

Nguy hiểm hơn, bác sỹ Đằng nhấn mạnh: Nếu không được điều trị kịp thời, những tổn thương này có thể là nguyên nhân gây ung thư, thường gặp nhất là ung thư biểu mô thực quản và ruột non, hoặc cũng có nguy cơ biến thành u lympho (lymphoma) hoặc biến chứng viêm lan tỏa tá tràng – hồi tràng.

Điều trị chỉ bằng ăn kiêng

Nếu loại bỏ gluten trong thức ăn thì chức năng của ruột non trở lại bình thường, tuy nhiên nếu sử dụng thức ăn có chứa gluten trở lại thì bệnh tiếp tục tái phát. Để tránh tuyệt đối bệnh, người mắc coeliac phải tránh hoàn toàn sản phẩm có gluten. Để phục hồi hoàn toàn nhung mao của ruột, bạn cần mất khoảng vài tháng hoặc một năm. Lưu ý trong quá trình điều trị, bạn nên dùng thêm nhiều vitamin, thành phần vi khoáng. Trong khi điều trị, người bệnh cũng không nên uống sữa vì thiếu disaccharidase thứ phát.

Để thay thế các thực phẩm có gluten, bạn nên chọn gạo, ngô, khoai tây, đậu nành thay vì pho mát, bánh mì, bánh quy và các chế phẩm có nguồn gốc từ lúa mì, lúa mạch. Các loại rau quả cũng hầu như không có gluten. Nếu thèm ăn các chế phẩm từ mì, mạch, bạn có thể chọn mua các loại có ghi ngoài nhãn mác là “gluten free”.

 

Nhận biết sớm chứng bệnh coeliac

Ở trẻ em: Bệnh xuất hiện sớm trong khoảng 6-24 tháng. Trẻ có biểu hiện: Phân nhiều, thường có màu xám sẫm và mỡ đôi khi lỏng, có thể có táo bón.

Trẻ suy kiệt, xanh xao, chậm lên cân. Triệu chứng phân mỡ nhiều hơn khi ăn các chế phẩm từ lúa mì, lúa mạch.

Ở người lớn: Bệnh thường xảy ra ở tuổi trung niên với biểu hiện: Da khô, niêm mạc miệng nhượt nhạt, móng tay khô. Rối loạn tâm thần kinh, loãng xương sớm. Tiêu chảy triền miên; dễ mất sức. Suy dinh dưỡng kể cả khi ăn đầy đủ chất.

Theo Sức khỏe Gia đình

Thực hiện: depweb

31/01/2013, 11:55