Bệnh dịch và bệnh… lạ ở trẻ

Cùng tìm hiểu về những căn bệnh này để bớt lung túng nếu chẳng may cục cưng mắc phải, các mẹ nhé! Nên nhớ rằng bên cạnh những bệnh xuất hiện theo mùa, còn có khá nhiều bệnh đến giờ y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Dịch bệnh “đến hẹn lại lên”

Hàng năm, cứ vào giao mùa, các loại dịch bệnh lại được dịp hoành hành. Tại các bệnh viện nhi, đặc biệt là Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi Đồng 2, số trẻ đến khám tăng đáng kể. Trong đó, số trường hợp trẻ bị ho, sốt chiếm phần lớn. Có những trẻ nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, viêm phổi nặng do trước đó bé ho kéo dài mà cha mẹ chủ quan.

Các bác sĩ cho biết, nền nhiệt ngày nắng hanh, trong khi sáng sớm và đêm lại lạnh đã khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản… Những bệnh này nếu không điều trị tốt và kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ, gây nên bệnh mạn tính… Không khí ẩm trong thời gian này còn là môi trường thích hợp để virus rota gây tiêu chảy cấp phát triển. Bệnh này cũng thường gặp ở trẻ nhỏ, khả năng lây nhiễm rất cao, có thể tử vong.

 

Chưa hết, tháng 9, 10, 11 hàng năm cũng là thời điểm bùng phát của các bệnh viêm da do côn trùng đốt. Biểu hiện của bệnh thường là rát bỏng, ban đỏ, phù nề, mụn mủ, tổn thương theo hình dải, nền hơi cộm, dài 1,5cm, rộng 3 – 10 mm, trên đó có mụn nước ở giữa, có vùng hơi lõm hình tròn hoặc bầu dục. Trẻ em mắc phải bệnh này có thể bị sốc phản vệ, tay chân lạnh, mi mắt phù nề, mạch và huyết áp tụt… gây nguy hiểm đến tính mạng. Một ví dụ điển hình trong thời gian gần đây, chính là sự “tấn công” rầm rộ của kiến ba khoang.

Trong cơ thể của loại côn trùng này có chứa độc tố Pederin có độc tính cao gấp 10 – 15 lần nọc rắn hổ. Kể cả khi con vật chết khô thì độc tính vẫn tồn tại đến tận 8 năm. Tuy nhiên, với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài ra nên không đủ gây chết người. Dù vậy, mối đe dọa của nó vẫn khiến nhiều bà mẹ có con nhỏ lo sợ.

Bệnh… bất thình lình

Ngoài những dịch bệnh mà mẹ có thể dễ dàng nhận biết và lường trước để giúp bé phòng tránh, còn có những bệnh bất thình lình xảy đến khiến không ít bố mẹ trở tay không kịp. Chúng không phải dịch bệnh, không phải bệnh nan y, xuất hiện đã lâu nhưng vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người khiến nhiều phụ huynh chủ quan để rồi khi bệnh trở nặng trở tay không kịp. Kawasaki là một bệnh như thế.

Trước đây, rất ít người mắc phải bệnh này. Tuy nhiên, từ cuối năm 2009 đến nay, số lượng bệnh nhân bị căn bệnh này tấn công ngày càng nhiều, đặc biệt là trẻ em. Điều đáng nói là phần lớn các bậc phụ huynh đều thiếu hiểu biết về bệnh Kawasaki, chỉ nghĩ là sốt thông thường nên cho trẻ nhập viện quá trễ. Điều này đã làm cho bệnh biến chứng nặng hơn, đặc biệt là biến chứng lên tim mạch rất dễ gây tử vong.

 

Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn tiếp nhận khá nhiều trẻ bị mắc Kawasaki. Minh Tuấn, 5 tuổi, quê ở Vạn Dã, Khánh Hòa, là một trong những trường hợp như thế. Chị Tuyết, mẹ bé, kể rằng thấy bé bỗng nhiên bị sốt cao, nổi ban đỏ khắp người, chị vội vã đưa con đến bệnh viện gần nhà. Lúc đầu, ai cũng nghĩ bé bị sốt xuất huyết nhưng thử máu thì không phải. Khi thấy bé bị đỏ rộp ở môi, tay chân bị loét, bong da, nhiều người lại nghi rubella. Thấy bệnh con ngày càng diễn biến bất thường, chị Tuyết đưa bé đến gặp một bác sĩ tư thì được chẩn đoán là bé bị bệnh Kawasaki. Lúc đó, dù chưa nghe đến bệnh này bao giờ, không biết mức độ nguy hiểm thế nào nhưng cả nhà đã mau chóng đưa bé lên Nhi Đồng 2, TP.HCM. Hiện giờ, bé đang được các bác sĩ theo dõi để tiến hành tiêm thuốc đặc trí.

Cần cảnh giác cao độ

Cùng chung tâm trạng với chị Tuyết, chị Nguyễn Thị Dung, nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai, mấy hôm nay cũng mất ăn mất ngủ vì con. Bé Nguyễn Minh Hoàng mới được 4 tháng tuổi đã phải nhập viện gấp vì sốt cao đến 40 độ C, kéo dài liên tục. Đến giờ, chị Dung vẫn chưa hết bàng hoàng bởi lúc đầu, thấy tình trạng nguy kịch của bé, cả nhà ai cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. May có người quen ở bệnh viện gần nhà nên chị sớm được làm thủ tục chuyển con lên Nhi Đồng 2 kịp thời.

Không may mắn được như bé Minh Hoàng, bé Đặng Phước Toàn (17 tháng tuổi) hiện đang phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm của bệnh này. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, mẹ bé Phước Toàn mếu máo kể: Khi thấy con sốt cao, khắp người nổi ban đỏ, tôi đưa cháu lên Bệnh viện Bà Rịa. Cháu nằm đó 7 ngày nhưng bác sĩ khi thì chẩn đoán là sốt siêu vi, lúc lại nói là viêm phổi. Trong suốt thời gian nằm viện, con tôi phải truyền thuốc liên tục, một ngày 3 cữ, mỗi cữ cả tiếng đồng hồ… Đến ngày thứ 10 con tôi hạ sốt, bác sĩ cho xuất viện. Được 3 hôm, cháu lại sốt cao đến 40 độ C, cả nhà sợ hãi đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ cho biết rằng con tôi bị… bệnh gì đó của Nhật Bản.

Hiện giờ, chị Thảo đang vô cùng lo lắng. Bởi lẽ, mặc dù con chị không còn sốt nhưng bác sĩ nói bệnh đang tạm thời lặn vào trong, có thể ảnh hưởng đến tim do phát hiện và điều trị trễ. Được biết, chi phí để chữa bệnh lên đến khoảng ba, bốn chục triệu đồng. Chị sụt sùi: “Nhà tôi nghèo, số tiền đó là rất lớn. Giờ thì vợ chồng tôi đang phải xoay xơ vay mượn khắp nơi để chữa trị cho con, chỉ mong con bình phục”.

Theo Mẹ yêu bé


From the same category