Chân gồm có 3 phần: bàn chân, cẳng chân và đùi. Bàn chân và cẳng chân là vị trí thường dễ thấy và dễ mắc một số bệnh da hơn là ở đùi. Một đôi chân đẹp và không có bệnh sẽ giúp chúng ta tự tin hơn. Dưới đây là một số bệnh da thường gặp ở bàn chân và cẳng chân.
Mụn cóc lòng bàn chân
Đây là bệnh do virus, có thể lây lan ra thành nhiều cái, thường gặp ở lòng bàn chân, ngón chân. Mụn cóc thường có nhiều cái, ở sâu, ít đau, nhìn kỹ có những gai nhỏ.
Điều trị: Chấm thuốc hủy mụn cóc như: DUOFILM, WARTNER, NI-TƠ lỏng, đốt điện.
Chai lòng bàn chân
Do sự đè ép mạnh và kéo dài, lặp đi lặp lại. Triệu chứng: da dày, màu vàng, sờ cộm, bóp không đau, vị trí thường hay gặp là đầu xương bàn chân.
Điều trị: Tránh cọ sát đè ép trên vùng da dày, ngâm nước ấm 15 phút cho da mềm rồi dùng dao gọt cho da chỗ dày mỏng bớt, không để chảy máu. Hoặc phẫu thuật cắt bỏ.
Nứt gót chân
Do sự cọ sát thường xuyên kéo dài, thường gặp ở người hay mang giày, chạy nhiều như cầu thủ bóng đá, đánh tennis. Triệu chứng: Ở hai gót chân có nhiều đường nứt sâu, da chung quanh dày. Thông thường thì không có triệu chứng gì nhưng khi bị tác động của hóa chất như xà bông, chất bám dính thì có thể bị viêm da tiếp xúc dị ứng.
Điều trị: Bôi thuốc làm giảm nứt gót chân như: SKINCARE U, ELLGY PLUS.
Móng chọc thịt
Đây là bệnh do móng chân cong lại và mọc đâm vào khóe chân. Móng chân bị cong lại thường là một bên khóe móng chân. Chỗ bị đâm bị viêm đỏ lâu ngày mọc lên một u hạt viêm có màu vàng, tiết dịch, đóng vảy, đụng vào đau.
Điều trị: Cần mang giày dép rộng để tránh chèn ép vào móng chân. Bấm móng chân khi móng mới vừa mọc. Đặt bông gòn nhỏ ở dưới góc móng thường xuyên để giúp cho móng mọc lên phía trên và ra bên ngoài. Cắt móng hay đốt bằng laser C02 đối với u hạt viêm.
Da vẩy cá
Đây là bệnh da thường do yếu tố di truyền đôi khi mắc phải. Triệu chứng: Bệnh biểu hiện chủ yếu là ở 2 cẳng chân. Da có nhiều vẩy nhỏ như da cá, da rắn, màu trắng. Vào mùa nắng bệnh giảm, vào mùa đông da khô căng hơn. Bệnh xuất hiện từ nhỏ phát triển nhiều hơn ở tuổi dậy thì, sau đó giảm dần khi trưởng thành và lớn tuổi.
Điều trị: Tắm nước ấm. Tắm xà bông có chất giữ ẩm. Bôi kem có chất UREA. Bôi mỡ Salicylic 5%.
Giãn mao mạch chân
Nguyên nhân là do thành mao mạch bị yếu. Biểu hiện triệu chứng là có những đường nhỏ màu đỏ quanh co, nằm dưới da, ấn mạnh thì mất đi, sau đó trở lại như cũ. Bệnh không ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ, nhất là khi mặc váy.
Điều trị: Đốt bằng laser hoặc bằng I.P.L.( Intense Pulsed Light), đốt vài lần thì mất chỗ mao mạch bị giãn và không để lại sẹo.
Giãn tĩnh mạch chân
Nguyên nhân là do van và thành tĩnh mạch chân bị suy yếu. Thường gặp sau tuổi dậy thì nữ gặp nhiều hơn nam. Ở vùng cẳng chân, bàn chân có nhiều tĩnh mạch màu xanh tím nổi rõ chạy quanh co, sờ thấy mềm, xẹp khi nằm, đứng thì phồng to. Có cảm giác nằng nặng, kiến bò.
Biến chứng: Loét da vùng dưới do ứ trệ, vỡ chỗ giãn tĩnh mạch gây chảy máu. Viêm tắc tĩnh mạch làm tĩnh mạch giãn to, gây đau, sưng đỏ. Thuyên tắc lòng tĩnh mạch do hình thành cục máu đông có thể gây tắc động mạch phổi do cục máu đông di chuyển.
Điều trị: Không đứng ngồi quá lâu. Không để béo phì, tránh táo bón. Lúc nghỉ ngơi, chân để cao hơn ngực. Hoạt động thể dục thể thao vừa phải, đi bộ 15 phút mỗi ngày, đi nhanh. Xoa bóp ngâm chân nước ấm. Băng ép. Điều trị bằng thuốc chích làm xơ tĩnh mạch nhiều lần. Cắt bỏ tĩnh mạch bị giãn.
Nhiều lông chân
Đây là biểu hiện do yếu tố nội tiết hoặc di truyền. Điều trị: Cạo lông; Bôi thuốc làm rụng lông; Wax lông; Đốt bằng laser hoặc I.P.L.
Tuy là bệnh da xảy ra ở chân là thường hay gặp nhưng với tiến bộ của y học ngày nay, nhiều bệnh da xảy ra ở chân đã được chữa trị một cách hiệu quả, đem lại sự tự tin cho nhiều người.
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng |