Ngày 6/5 vừa qua, lễ đăng quang của Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla đã diễn ra tại Tu viện Westminster (London), đánh dấu sự khởi đầu mang tính biểu tượng của một kỷ nguyên hoàng gia mới ở Anh. Buổi lễ thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng trăm triệu người trên khắp thế với với hàng loạt khoảnh khắc hoành tráng, ấn tượng.
So với lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953, quy mô và thời gian cử hành lễ đăng quang lần này được giản lược rất nhiều để giảm bớt chi phí trong tình trạng khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại Anh. Buổi lễ vẫn bao hàm nhiều nghi thức truyền thống được xen lẫn với các yếu tố hiện đại.
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth qua đời tháng 9/2022, Thái tử Charles lập tức lên ngôi và chính thức được tuyên bố là Quốc vương của Vương quốc Anh ngay sau đó. Được biết, buổi lễ này là sự xác nhận chính thức hơn về vai trò của ông với tư cách là nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính thức của Giáo hội Anh và nhằm thể hiện quyền lực của nhà vua bắt nguồn từ Chúa. Phu nhân của ông, bà Camilla, cũng lên ngôi hoàng hậu.
Vua Charles III và hoàng hậu ngồi Cỗ xe Gold State Coach – cỗ xe 260 tuổi đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang của quân vương Anh kể từ William IV năm 1831 để tham gia lễ diễu hành hay được gọi là “Lễ rước Đăng quang”.
Sau khi Vua Charles III có lời tuyên thệ trước luật pháp cũng như Giáo hội Anh, Đức vua được Giám mục trưởng Justin Welby xức dầu và trao những bảo vật trong lễ đăng quang, trong đó bao gồm quả cầu và vương trượng – và được đội Vương miện Thánh Edwards lần đầu tiên lên đầu.
Hoàng hậu Camilla dự lễ đăng quang trong trang phục được thiết kế tỉ mỉ với tông chủ đạo là màu ngà, bạc và vàng. Bên cạnh đó, bà mang đôi giày được làm từ lụa tương tự như chất liệu may áo, được đóng bởi nhà thiết kế Anh Elliot Zed.
Khoảnh khắc Hoàng tử út Louis hồn nhiên “ngáp ngắn ngáp dài” gây sốt mạng xã hội vì quá đáng yêu. Bên cạnh đó, công chúa Charlotte cũng khiến cư dân mạng thích thú khi diện vương miện bạc đính hoa pha lê từ Alexander McQueen và Jess Collet, tựa như bản sao thu nhỏ của mẹ.
Lễ đăng quang có sự tham dự của hơn 2.200 khách mời, là các thành viên Hoàng gia Anh và nước ngoài, đại diện của gần 130 quốc gia trên khắp thế giới, các chính khách Anh và các tình nguyện viên trên khắp nước Anh. Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng là một trong khoảng 100 nguyên thủ quốc gia tới dự Lễ đăng quang theo lời mời của Hoàng gia Anh.
Hàng chục nghìn người tập trung tại the Mall và dọc theo tuyến đường diễu hành từ Cung điện Buckingham đến Tu viện. Nhiều người cắm trại qua đêm để có tầm nhìn tốt về cuộc diễu hành có sự tham gia của 7.000 binh sĩ và 19 ban nhạc quân đội.
Thời tiết khi diễn ra buổi lễ đăng quang không được thuận lợi khi thường xuyên có mưa. Mặc dù đám đông khán giả vẫn hào hứng nhưng kế hoạch trình diễn của Không quân Hoàng gia Anh đã có sự thay đổi. Thay vì kéo dài 6 phút, màn trình diễn rút ngắn còn 2 phút rưỡi và chỉ có các trực thăng và đội bay trình diễn Red Arrows.
Lễ đăng quang không chỉ là cơ hội để Tân vương tìm kiếm và thể hiện sự đón nhận của dân chúng mà còn là dịp để người Anh thể hiện sự ủng hộ của họ đối với thể chế quốc gia. Bên cạnh sự hào nhoáng bên trong, ngoài đường phố cũng đầy hoành tráng bởi sự lấp đầy của khán giả với cờ hoa trong trang phục đỏ, trắng và xanh lam – màu cờ của Vương quốc Anh.
Tác giả: Thu Thủy