Năm 2004, vũ công người Nga Inessa Parker đã đưa Belly dance đến với Sài Gòn. Nhưng ở thời điểm đó, Belly dance vẫn chưa thực sự phát triển và ít người biết đến. Có thể nói, Belly dance ở Sài Gòn phát triển chậm hơn rất nhiều so với ở Hà Nội, tuy nhiên, tính đến thời điểm này, môn nghệ thuật mềm dẻo này đang ngày càng được yêu thích và chú ý, thu hút không ít các học viên theo học.
1. Belly Dance là một môn thể dục?
Hầu hết người dân Sài Gòn khi muốn theo học múa bụng đều tìm đến Belly dance for fitness (Belly Dance for Fitness là giáo trình thu gọn của Belly Dance Perfomance). Và đa số những CLB Belly Dance trong thành phố cũng đều chỉ giảng dạy Belly dance như một môn thể dục chứ không đi sâu vào nghiên cứu và biểu diễn.
Đó là một điểm thuận lợi để bất kỳ ai cũng có thể tìm đến và tham gia vào các câu lạc bộ hay lớp dạy múa bụng, song, nó cũng là một điều khiến không ít vũ công lo lắng, khi khó có thể tìm ra những người thực sự yêu thích, đam mê và muốn phát triển môn nghệ thuật này.
Những động tác khéo léo của các vũ công đã làm không ít người mê đắm, tò mò và tìm đến theo học. Song, sự tò mò và yêu thích chẳng kéo dài được bao lâu. Hầu hết các học viên Belly dance đều bỏ dở giữa chừng hoặc mau chóng chẳng còn đủ tâm huyết và đam mê với loại hình nghệ thuật phức tạp này nữa.
Những vũ công ở Sài Gòn Belly dance Club – một địa chỉ hiếm hoi tại Sài Gòn đào tạo các vũ công chuyên nghiệp, tâm sự: “Các học viên tìm đến với múa bụng đa phần là do được "nghe đồn" rằng tập múa bụng sẽ giảm eo nhanh.
Vậy nên khi mãi mà chẳng thấy giảm eo đâu, động tác thì ngày càng khó, nên chỉ dăm bữa nửa tháng là người học đã chán nản và bỏ dở giữa chừng”. Trong khi tâm huyết và mong mỏi của những vũ công giảng dạy tại câu lạc bộ là lại là hy vọng tìm kiếm và đào tạo những thế hệ sau.
Nói về vấn đề này, cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng chỉ cần mọi người biết và tìm đến Belly dance là đã rất tốt rồi. Bởi đam mê với một thứ gì đó sâu sắc và quyết theo đuổi nó đến cùng thì ở bất cứ lĩnh vực nào thì cũng không phải là đều dễ dàng, hoặc muốn là được.
Nhưng cũng không ít vũ công cảm thấy thất vọng và… "nản" vì cố gắng học hỏi, tự bỏ tiền ra nước ngoài chăm chỉ học chuyên sâu để rồi trở về đào tạo hoài đào tạo mãi mà chẳng ra được lớp học viên nào ưng ý… bởi muôn vàn những lý do khiến người học bỏ ngang, bỏ lửng.
2. Thiếu thốn đủ đường
Đó là điều mà các vũ công Belly dance ở Sài Gòn luôn gặp phải khi mọi người còn nhìn múa bụng như một thứ gì đó quá lạ lẫm, xa vời thì một lớp Belly dance mở ra rất khó lòng tìm được học viên. Tìm được học viên đã khó, tìm được một địa điểm để có thể thỏa sức với Belly dance lại càng là một bài toán khó hơn.
Khác với những môn nghệ thuật như múa, Dance sport hay những môn thể thao, võ thuật… những vũ công Belly dance không hề có một bằng cấp hay được cấp bất cứ một chứng chỉ chuyên môn nào khi "ra nghề". Có chăng chỉ là chứng nhận của người thầy đi trước về trình độ của học trò mình.
Điều ấy đã gây không ít khó khăn cho những vũ công múa bụng muốn phát triển và có tham vọng đưa chúng thành một bộ môn giảng dạy ở những câu lạc bộ thể thao hay nhà văn hóa… Lý do bởi những đơn vị nhà nước này luôn yêu cầu một vũ sư cần có bằng cấp và chứng chỉ nhất định khi muốn truyền bá bất cứ loại hình nghệ thuật nào tại địa điểm của họ.
Vì vậy, dù đã phổ biến nhiều hơn trước rất nhiều, nhưng hầu hết các địa điểm dậy Belly dance đều là địa điểm thuê của tư nhân khá đắt đỏ, đất diễn thì nghèo nàn và hiếm hoi. Có chăng chỉ thưa thớt một vài cái tên quán xá có biểu diễn múa bụng như Byblos hay Casbar ở quận 1, hoặc một vài party nho nhỏ của những người cùng sở thích đam mê Belly dance tự biểu diễn, giao lưu với nhau hoặc một vài sự kiện nhỏ.
Các vũ công Sài Gòn đều có chung tâm sự, họ đến với múa bụng vì đam mê vì sở thích chứ nếu vì tiền thì không thể sống với nghề. Sài Gòn là đất biểu diễn, là nơi nghệ thuật biểu diễn thực sự lên ngôi nhưng liệu với Belly dance thì sao? Môn nghệ thuật này có nằm ngoài quy luật đó?
Xét cho cùng, để đưa Belly dance thành một môn nghệ thuật đại chúng chứ không chỉ là những bài tập thể dục giảm eo, để đưa chúng lên sàn diễn cho khán giả và các vũ công giao lưu hòa mình vào âm nhạc và những động tác thân thể mềm dẻo đến từ Ai Cập và Trung Đông này, xem ra… vẫn còn là một quãng đường dài… xa… rất xa…
Ảnh: Đinh Hùng Sơn – Trần Đoàn Linh