Trở thành xu hướng bùng nổ và được lan truyền nhanh chóng trên TikTok với hơn 130 triệu lượt xem, “bed rotting” được gen Z ưa chuộng vì mang lại cảm giác chữa lành. Thế nhưng, trào lưu này cũng có thể gây lo ngại nếu không biết áp dụng đúng cách.
“Bed rotting” (tạm dịch: nằm “chây lười” trên giường) ý chỉ hành vi nằm trên giường trong một khoảng thời gian dài, không phải để ngủ mà để thực hiện các hoạt động thụ động như lướt điện thoại, xem phim, ăn vặt,… mà không quan tâm đến những việc xung quanh.
Xu hướng này phổ biến nhất ở gen Z, những bạn trẻ dễ rơi vào tình trạng kiệt sức vì công việc, học tập, gia đình hoặc các hoạt động xã hội. Mặc dù “bed rotting” có thể mang đến một số lợi ích ngắn hạn nhưng nếu tình trạng “mọc rễ” trên giường này kéo dài hơn một hoặc hai ngày cũng sẽ dễ dàng mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Phản bác lại ý kiến cho rằng “bed rotting” là hành động của sự lười biếng, giới trẻ đưa ra quan điểm: đây là một cách tuyệt vời để lấy lại sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần sau một ngày học tập và làm việc bận rộn, là khoảng thời gian có thể “lắng nghe cơ thể” của mình.
Điều này không hoàn toàn sai. Cuộc sống hiện đại luôn mang đến nhiều vấn đề buộc chúng ta phải đối mặt mỗi ngày, ‘bed rotting’ sẽ là khoảng không gian và thời gian để bản thân tách biệt với xã hội, giúp làm dịu cơ thể, giảm kiệt sức và lấy lại năng lượng hiệu quả.
Simon A. Rego, nhà tâm lý học kiêm giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Y khoa Albert Einstein (Mỹ) cho biết, thực hiện “bed rotting” có thể cung cấp một số lợi ích ngắn hạn cho sức khỏe tinh thần, tuy nhiên việc dành quá nhiều thời gian trên giường có thể sẽ làm phản tác dụng, gây ra nhiều xáo trộn về mặt cảm xúc và gia tăng căng thẳng.
Sanam Hafeez, tiến sĩ về tâm lý học phát triển thần kinh tại Bệnh viện Coney Island cho biết: “Dành quá nhiều thời gian trên giường mà không có những hoạt động chăm sóc hay vận động thích hợp sẽ gây ra một số tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần”. Theo ông, “bed rotting” sẽ mang đến một số rủi ro bao gồm:
1/ Mất kết nối xã hội: Nếu lặp đi lặp lại tình trạng nằm dài trên giường lướt điện thoại trong vô thức sẽ khiến khả năng giao tiếp bị hạn chế và tăng nguy cơ mất kết nối với xã hội. Đồng thời việc giảm tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên có thể góp phần gây ra cảm giác cô đơn, trầm cảm và lo lắng.
2/ Rối loạn giấc ngủ: Giường là nơi để ngủ nên nếu bạn thực hiện các hoạt động khác sẽ khiến cho giấc ngủ bị rối loạn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và dễ gây mất ngủ.
3/ Hạn chế sự phát triển của cơ: Việc nằm lì trên giường sẽ khiến bạn thiếu đi các hoạt động thể chất, từ đó dẫn đến nguy cơ tăng cân cao. Việc thiếu vận động cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, sự phát triển cơ bắp và các vấn đề sức khỏe liên quan khác như tiểu đường hay đột quỵ.
4/ Các vấn đề về lưu thông máu: Nằm trên giường trong thời gian dài có thể cản trở lưu thông máu, dẫn đến sưng tấy và tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, “bed rotting” có thể gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm việc thúc đẩy các giai đoạn trầm cảm, khiến các triệu chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Catherine Del Toro, cố vấn sức khỏe tâm thần được cấp phép tại Florida của Grow Therapy cho biết: “Là một chuyên gia sức khỏe tâm thần, tôi nghĩ xu hướng này dễ gây hiểu lầm, đáng lo ngại và không lành mạnh. Việc nằm trên giường và không làm gì cả ngày ngoài xem điện thoại, ăn, ngủ là những đặc điểm điển hình của một người đang trầm cảm”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chia sẻ thêm: “Những người bị trầm cảm lâm sàng hoặc trải qua cảm giác lo lắng dễ bị thu hút bởi hoạt động ‘bed rotting’. Lý do là vì họ sở hữu nguồn năng lượng thấp, đồng thời không có những sở thích đặc biệt và thiếu hứng thú với mọi thứ xung quanh”. Tiến sĩ/ nhà tâm lý học Nicole Hollingshead cho biết: “‘Bed rotting’ ban đầu có thể là một hình thức tự chăm sóc bản thân để nghỉ ngơi nhưng sẽ nhanh chóng trở thành hoạt động không lành mạnh. Việc dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn tăng nguy cơ mất kết nối xã hội, thúc đẩy trầm cảm”.
Mọi người đều có thể “bed rotting” khi thật sự cần một khoảng không gian và thời gian riêng tư để tái tạo năng lượng, miễn là có ý thức về hành động của mình, hiểu được lý do thực hiện và không quên đặt giới hạn thời gian để ngăn việc “nằm lì” quá lâu.
Một số lựa chọn chăm sóc bản thân lành mạnh thay thế ‘bed rotting’ được các chuyên gia khuyến khích thực hiện bao gồm:
1/ Cố gắng rời khỏi giường buổi sáng mà không sử dụng điện thoại.
2/ Giao tiếp và kết nối với những người xung quanh, tâm sự chân thành với người mình tin tưởng.
3/ Tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, trang trí cây xanh trong nhà.
4/ Giữ cho cơ thể đủ nước, tập thể dục ít nhất 3 lần/ tuần.
5/ Nếu không muốn ra khỏi nhà, bạn có thể thực hiện một số hoạt động để thư giãn như đọc sách, viết nhật ký, chăm sóc cây xanh, yoga nhẹ nhàng hay chăm chút cho bữa ăn của mình.
Bài: Thu Thủy
Tham khảo: health.com; healthline.com