Beauty blogger Liên Anh Nguyễn: Nữ quyền không phải phủ nhận nội trợ mà ở lựa chọn “có hay không”

Chúng tôi ghé thăm gia đình của beauty blogger Liên Anh vào buổi chiều khi chị đang nấu bữa tối cho cô con gái nhỏ 2 tuổi rưỡi. Đó là một căn hộ vuông vắn nằm trong khu chung cư hiện đại, có ban công nhìn xuống đường tàu nơi cứ chừng mười phút là có một chuyến metro chạy qua. Một căn hộ kiểu mẫu của gia đình thế hệ 8X sống ở thành thị. Không gian được thiết kế đơn giản với màu xanh ngọc, kem và nâu, sử dụng nhiều gỗ tạo cảm giác ấm áp. Ở nơi vệt nắng đang rọi xuống sàn nhà, bé Deva ngồi chơi xếp hình, bên cạnh là bà ngoại đang nhìn cô cháu gái bằng ánh mắt trìu mến.

Mẹ và con gái

Tôi hỏi Deva giống ai, Liên Anh đứng trong bếp nói với ra chỗ hai bà cháu đang ngồi: “Deva giống ai ấy mẹ nhỉ?”. Bà ngoại Deva tủm tỉm đáp: “Cháu gái giống bà”. Ngay sau đó, Liên Anh cho chúng tôi xem một bức ảnh chụp hai bà cháu. Nét mặt của cô bé giống bà như tạc. Cả tính cách nhỏ nhẹ, vui vẻ, vô tư cũng giống bà ngoại hơn giống mẹ của em.

Liên Anh chia sẻ rằng có con mệt thật, nhưng rất hạnh phúc. Nhờ con gái mà chị trở nên kiên nhẫn và dịu dàng hơn hẳn ngày xưa. Chị kể có một lần, chị mệt và buồn, liền mở hoạt hình cho Deva xem và ra một góc khuất ngồi khóc. Bình thường bé xem hoạt hình là mê đắm không quan tâm gì xung quanh, nhưng hôm đó, bé cảm nhận được tâm trạng của mẹ nên xem được một lúc thì đi tìm mẹ. Thấy mẹ khóc, bé lúng túng nói: “Deva xin lỗi mẹ Liên Anh, mẹ vui đi”. Chị ngỡ ngàng nói: “Con đâu làm gì sai mà cần xin lỗi mẹ?”. Khoảnh khắc đó, đôi mắt cô bé tràn đầy tình yêu. Chị cảm nhận rất rõ trên đời không gì có thể khiến mình vừa mềm mỏng lại vừa mạnh mẽ hơn sự thấu cảm tinh khiết của một cô bé dành cho mẹ.

Trước đây, chị với mẹ khắc khẩu nên ít chia sẻ. Từ dạo có Deva, Liên Anh tin rằng vũ trụ muốn chị học một cách giao tiếp khác với mẹ mình. Điều đặc biệt nhất có lẽ là chị không nhìn thấy phiên bản nhỏ của mình, thay vào đó, chị như nhìn thấy phiên bản nhỏ của mẹ mình qua cô con gái Deva nên dần hiểu mẹ hơn.

Món ăn nấu bằng tình yêu

Mùi nước dùng của món mì ramen dậy lên thơm phức. Liên Anh vừa bày đĩa thức ăn cho Deva vừa kể rằng trước đây chị không thích nấu ăn, nhưng sinh ra cô con gái cực kỳ kén ăn nên chị chỉ có cách tự mình vào bếp. Chị cũng không ngờ rằng nấu ăn cho con lại vui đến thế. Đó cũng là một cách để thư giãn đầu óc. Ngoài công đoạn chế biến, chị thích việc trang trí món ăn vì đoán chắc cô nhỏ nhìn món ăn đẹp mắt sẽ thấy ngon miệng hơn. Chị chợt nhận ra nữ quyền không phải là phủ nhận nội trợ, mà là có thể lựa chọn “làm hay không” và thấy vui với việc chăm sóc những người mình yêu thương.

Mì ramen thịt lợn

Nguyên liệu
• Nước dùng rau củ
• Đậu phộng
• Cá bào Nhật Bản
• Hành tây
• Hành boa-rô
• Mì ramen
• Dầu mè
• Thịt ba chỉ
• Hành lá
• Hạt vừng

Thực hiện
• Cho nước dùng rau củ vào nồi. Có thể dùng thêm nước luộc gà hoặc hầm xương, hầm đầu tôm làm nước dùng cho bé thêm đậm vị.
• Xay đậu phộng với nước cho nhuyễn, lọc lấy nước mịn, hòa cùng nước dùng, cho thêm một chút dầu mè. Sau đó, thêm cá bào vào đun cho nước thêm đậm đà. Nếu nước bị tanh, có thể đun thêm nửa củ hành tây và chút đầu hành boa-rô cho thơm.
• Trụng chín mì ramen rồi vớt ra để riêng.
• Hấp hoặc nướng thịt ba chỉ trong giấy bạc rồi quét một lớp dầu mè. Khò lớp bên ngoài khúc thịt sao cho cháy xém nhẹ, tạo mùi thơm.
• Cắt thịt thành những miếng nhỏ vừa ăn.
• Cho mì và thịt vào tô, rắc hành lá, hạt mè trắng lên trên. Thêm nước dùng và thưởng thức.

Chan nước dùng vào đĩa mì, Liên Anh nhớ lại hồi dịch Covid, bố Deva (người Bỉ) phải ở Việt Nam suốt 8 tháng trời. Với những nguyên liệu ít ỏi trong thời kỳ giãn cách xã hội, Liên Anh học được cách nấu một món ăn mà bố Deva rất thích, chính là món mì ramen. Sau này, khi nấu cho Deva, chị nghiên cứu công thức giảm muối, thay bằng nước dùng rau củ, cá bào, nước hầm thịt và thay sữa đậu nành bằng dầu mè, đậu phộng nghiền, sữa tươi. Mỗi khi cô bé kén ăn hoặc gia đình ra nước ngoài không đủ nguyên liệu nấu bún, phở Việt Nam, chị lại nấu mì ramen thịt nạc cho Deva và cô bé ăn rất ngon miệng.

Bánh yến mạch phô mai rau củ

Nguyên liệu
• Bột bánh pancake
• Bột yến mạch
• Củ cải hoặc cà rốt
• Trứng gà
• Sữa tươi
• Phô mai tách muối

Thực hiện
• Xay nhuyễn các nguyên liệu sao cho khi múc lên, hỗn hợp bột chảy thành dòng đặc gần nhỏ giọt là vừa đẹp.
• Chọn loại chảo đế phẳng chống dính, không dùng dầu mỡ hay bơ. Để chảo nóng già trong 5 phút rồi giảm về nhiệt nhỏ nhất suốt quá trình rán bánh.
• Múc từng thìa bột đổ thẳng góc 90 độ cho bánh tròn đều, đợi khi mặt bánh hơi lăn tăn các lỗ nhỏ thì lật bánh.
• Mỗi mặt bánh rán chín trong khoảng 1-2 phút.

Đĩa thức ăn theo khẩu phần của cô con gái nhỏ sẽ gồm mì ramen, rau củ hấp, vài chiếc bánh yến mạch phô mai rau củ và nho xanh. Cô bé cực kỳ mê bánh rán nên trước bữa ăn chính đã nhón chiếc bánh mẹ vừa làm xong. Liên Anh chia sẻ món bánh rán này dụ khị trẻ con rất tốt. Lúc nào cô nhỏ lười ăn rau củ, chỉ cần trộn tất cả rau củ vào chiếc máy xay cùng với bột yến mạch, bột mì để hô biến các nguyên liệu thành những chiếc bánh nhỏ xinh là Deva ăn ngon lành. Chị cũng thường làm bánh mang theo khi cả nhà đi du lịch. Deva mê nho nên muốn ăn nhanh các món còn lại để tráng miệng với mấy quả nho. Nghe tiếng em bé bập bẹ “nho xanh, nho xanh”, người mẹ nào lại không thấy tan chảy!

Bữa ăn không phải là cơ hội kết nối duy nhất

Lúc chúng tôi đến, bố Deva chào chúng tôi rồi nhanh chóng vào phòng làm việc vì sắp đến giờ họp với đối tác ở nước ngoài. Được biết, gia đình Liên Anh sinh hoạt lệch giờ nhau vì chồng chị làm việc theo giờ châu Âu.

Tôi tò mò về cách một gia đình hiện đại giữ sự kết nối với nhau, đặc biệt là ở giai đoạn rèn nề nếp cho con gái và giúp cô bé cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương gia đình. Liên Anh chia sẻ: “Khi có con, mình cũng băn khoăn về bữa cơm tối kết nối, nhưng rồi mình và chồng nhận ra rằng sự kết nối giữa bố mẹ, con cái, vợ chồng được xây dựng trong từng khoảng thời gian chất lượng dành cho nhau chứ không chỉ trong bữa cơm tối”.

Ngày bé, Liên Anh khá sợ bữa cơm nhà bởi bố chị hay nhân lúc cơm tối để răn dạy các con. Mãi đến khi lớn lên, chị mới hiểu vì ban ngày bố phải đi làm nên chỉ còn quãng thời gian ít ỏi đó để trò chuyện. Dù sao thì với chị, bữa cơm nhà đã mãi mãi không phải là thời điểm kết nối như trong thơ văn, sách báo hay nói. Chị cũng nhận ra rằng bố chị có cách riêng để kết nối với các con. Chẳng hạn như mỗi sáng chủ nhật, bố thường dậy sớm tập thể dục rồi xuống quét dọn phòng cho con gái, thi thoảng sửa chữa lặt vặt hay lắp thêm đèn đọc sách rồi chở hai chị em đi công viên, mua truyện, ăn kem. Mỗi tối cuối tuần, cả nhà ôm nhau cười đùa. Đó là những ký ức ấm áp và quý giá nhất của chị về gia đình.

Deva thích những hoạt động trước giờ ngủ như chơi xếp hình, chạy đuổi nhau, đọc truyện, massage chân… và lịch trình mỗi sáng của cô bé là ùa vào giường bố mẹ nằm rúc vào chăn, lăn qua lăn lại, hôn bố mẹ rồi mới ăn sáng, đi học. “Có thể sau này khi con lớn hơn, bận hơn thì bữa sáng muộn mỗi ngày chủ nhật sẽ là truyền thống kết nối của gia đình chăng?”. Chị dừng câu chuyện bằng một sự tưởng tượng về viễn cảnh gia đình trong vài năm tới. Còn chúng tôi thì ra về với sự tin tưởng rằng trong đời sống hiện đại ngày nay, thật khó để giữ nếp nhà quanh bàn ăn như ông bà thời xưa, nhưng chắc chắn, tình yêu thương, sự kết nối vẫn diễn ra theo nhiều cách, linh hoạt theo nhịp điệu riêng của mỗi gia đình.

Hình ảnh: Nhà Có Hai Người 


From the same category