Beatboxer Bảo Trung: Không muốn bỏ lỡ cơ hội nào từ nước Mỹ

Trong 7 năm du học tại Mỹ, điều quan trọng nhất đối với chàng trai 22 tuổi vẫn luôn là làm thế nào để hoàn thành hết những gạch đầu dòng mà anh hào hứng ghi ra giấy mỗi ngày.


Cuộc sống của anh hẳn có nhiều thay đổi sau khi chiến thắng giải World Beatbox Camp 2017?

Đầu tiên phải nói đến vị trí của beatbox Việt Nam trên bản đồ thế giới, bởi người mà tôi đánh bại là beatboxer Pash đến từ Nga – một trong những đối thủ mạnh nhất của World Beatbox Camp 2017. Thay đổi tiếp theo dĩ nhiên là bản thân tôi. Nhờ vô địch giải đấu này, tôi được biết đến nhiều hơn, có cơ hội lên truyền hình phổ biến bộ môn beatbox đến đại chúng. Hè 2018, tôi đã tổ chức giải beatbox toàn quốc đầu tiên tại Việt Nam và đưa nhà vô địch tới Berlin (Đức) để tham dự giải beatbox thế giới cùng với mình.

Dành nhiều thời gian cho beatbox như thế, anh có chắc đó sẽ là lựa chọn lâu dài của mình trong tương lai?

Trước đây, beatbox chỉ được coi như một thú vui, thứ tài lẻ để người ta khoe với bạn bè. Nhưng giờ đây, người ta bắt đầu nhận ra beatbox còn có thể dùng để biểu diễn những bản nhạc. Các beatboxer không đơn thuần chỉ tạo ra âm thanh bằng miệng, mà còn phải biết hát, rap, sáng tác, hòa âm phối khí, hay nói cách khác, là một nghệ sĩ đích thực. Do vậy, không có lý do gì để tôi không thể theo đuổi con đường beatbox chuyên nghiệp. Tôi đang lên kế hoạch chuyển sang châu Âu để tham gia một số dự án về âm nhạc cũng như mở rộng mối quan hệ.

Ba mẹ anh nói gì khi con trai dường như chuyên tâm vào beatbox hơn cả ngành học chính là thiết kế đồ hoạ?

Dĩ nhiên ba mẹ muốn tôi có một công việc ổn định sau này, nhưng họ cũng không ngăn cản tôi thử sức trên con đường beatbox chuyên nghiệp. Một cách tình cờ, ngành đồ họa mà tôi đang theo học lại bổ trợ rất tốt cho beatbox. Hai bộ môn này tạo thành một dòng chảy sáng tạo hài hoà, thậm chí giúp tôi cân bằng giữa đam mê và cuộc sống của mình. Chẳng hạn, nếu tôi đang nghỉ giải lao một thứ, tôi sẽ quay sang làm cái còn lại. Nhờ vậy mà tôi chưa bao giờ cảm thấy nặng nề hay bế tắc trong sáng tạo.

Sống ở nước Mỹ – thiên đường dành cho người trẻ, anh có những cơ hội gì?

Nước Mỹ mang đến cho tôi nhiều mối quan hệ từ mọi lĩnh vực. Nhờ vậy tôi được mở rộng quan điểm sống và có cái nhìn mới mẻ về công việc sáng tạo. Sau khi giành giải nhì beatbox toàn nước Mỹ năm 2016, cuộc sống của tôi bước sang trang mới rất tuyệt. Tháng 11/2018, tôi vừa được mời tới New York làm ban giám khảo cho giải beatbox toàn quốc. Trong tương lai, tôi chắc chắn sẽ quay lại đây để phát triển các dự án âm nhạc.

NGUYỄN BẢO TRUNG (TRUNG BẢO)
– Sinh năm 1997
– Sinh viên ngành Thiết kế đồ hoạ, Đại học Pacific Northwest College of Art (Mỹ)
– Vô địch giải đấu solo World Beatbox Camp 2017

Có khó khăn nào đằng sau vỏ bọc du học sinh mà chỉ người trong cuộc mới trải qua?

Cảm giác bỡ ngỡ và nhớ nhà rất khó tránh khỏi, nhưng đó chỉ là vấn đề rất nhỏ thôi. Quan trọng nhất theo tôi chính là việc sắp xếp và quản lý thời gian, bởi tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào tại nơi này. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường soạn danh sách các công việc mình cần ưu tiên làm trong ngày hôm sau, sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao. Định nghĩa một ngày bình thường của tôi bao gồm 5 gạch đầu dòng: tập beatbox ít nhất 1 tiếng, làm bài tập về nhà, làm thêm, luyện tập thể chất và nấu ăn. Hoàn thành đủ, thời gian còn lại tôi mày mò học phần mềm hoặc nghe nhạc, chơi game.

Tôi cho rằng không chỉ người Việt mà ngay cả người Mỹ sống ở đây đều không dễ kiếm được việc làm tốt do mức cạnh tranh cao. Đặc biệt là những người không có quốc tịch Mỹ, muốn kiếm việc làm ở đây, trình độ của họ phải cao hơn mức tốt, bởi không có lý do gì các công ty phải tạo việc làm cho mình trong khi mình chỉ ngang bằng những người Mỹ khác.

Việc đi du học Mỹ có khiến anh trở thành một người hoàn toàn khác? Sau 7 năm, anh đã cảm thấy mình giống một người Mỹ thật sự chưa?

Việc đi du học giúp tôi tiếp cận những nền văn hoá mới, thoát khỏi vùng an toàn, nhưng bên cạnh đó, nó cũng khiến tôi có cái nhìn khách quan, trân trọng hơn về cuộc sống và văn hoá Việt Nam.

Không chỉ tôi thấy mình khác, mà ba mẹ cũng nhìn nhận tôi khác. Trước đây gia đình tôi thường bàn luận về điểm số, trường học; còn bây giờ, các chủ đề đã được mở rộng hơn, từ nghệ thuật, góc nhìn cuộc sống cho đến hướng đi sự nghiệp. Tôi có cảm giác ba mẹ bắt đầu thoải mái hơn trong việc để tôi tự quyết định tương lai của mình.

Anh nhớ điều gì nhất khi nghĩ về Việt Nam?

Ngoài gia đình thì là đồ ăn.

BORN IN VIETNAM

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra kết quả rằng: trong tất cả những cuộc di cư của mọi dân tộc, Việt Nam là dân tộc duy nhất thành công ngay từ thế hệ đầu tiên, vượt lên trên cả một dân tộc hùng mạnh khác là người Hoa – khi phải đến thế hệ thứ ba, thành công của họ mới được gây dựng.

Với những ưu điểm bẩm sinh như thông minh, nhanh nhạy, tình cảm và đặc biệt là đức tính chăm chỉ, khả năng chịu khó, người Việt dễ dàng gặt hái thành quả ở bất kỳ môi trường nào. Danh sách những người Việt ghi danh trên bản đồ thế giới ngày một kéo dài, nhưng trong chuyên đề nhỏ nhắn này của mình, chúng tôi muốn giới thiệu 6 gương mặt người Việt đã tỏa sáng trên “sân khấu” riêng của họ, từ thương trường, sàn diễn, căn bếp đến studio chụp ảnh lấp lánh ánh đèn. Điểm chung của tất cả là dù ăn cơm Tây, hít thở và trưởng thành trong một bầu không khí khác, họ vẫn luôn giữ sợi dây kết nối linh thiêng với quê nhà.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy

Đọc thêm
– Giáo Sư Phan Văn Trường: Công dân toàn cầu ăn cơm nước nào cũng thấy ngon
– Diễn viên múa Lê Ngọc Văn: Tỏa sáng trong nhà hát của những ngôi sao
– Beatboxer Bảo Trung: Không muốn bỏ lỡ cơ hội nào từ nước Mỹ
– Nghệ nhân thiết kế hoa Doan Ly: Đóa hoa lạ giữa lòng New York
– Đầu bếp Nguyễn Bá Phước: Người nêm nước mắm vào món ăn Nhật Bản
– Nhiếp ảnh gia An Lê: Hollywood chẳng xa vời

Bài: Duy Vũ – Ảnh: NVCC


From the same category