Choảng bạn, đánh… mẹ
Lần nào chị nhắc, bé Ngọc cũng phớt lờ như không nghe thấy. Lần này, thấy con phản ứng lại bằng lời lẽ gay gắt, chị Hạnh sững sờ. Chị chia sẻ: “Thật tình tôi rất sốc, không dám tin đó là con mình nữa, càng thương con, tôi càng thấy tức, thấy mình bị tổn thương”.
Chị Hạnh kể, dạo gần đây, những lúc đang chơi, hễ nghe chị nhắc di tắm hay học bài là bé Ngọc chạy ù lên lầu hoặc lảng ra sân, đợi mẹ đi thì vào nhà chơi tiếp. Có hôm chị nắm tay con vào nhà tắm thì bé nằm ăn vạ, khóc bù lu bù loa, thậm chí còn nhào vô… đánh mẹ.
Vợ chồng anh Đức Cường (41 tuổi, Q. Thủ Đức, TP. HCM) cũng đau đầu không kém chị Hạnh khi nhà có “nghịch tử nhí”. Anh Cường thường bị cô giáo chủ nhiệm của con trai mời lên “nói chuyện”. Con anh thường chọc phá, thách thức, gây phiền hà cho các bạn trong lớp. Khi cô giáo hỏi, cậu bé luôn tỏ ra lầm lì, không thèm trả lời.
“Hôm trước, nghe tin con choảng nhau chảy máu mũi với bạn mà vợ chồng tôi tái xanh mặt mày. Giờ tôi không biết làm sao nữa, đã mấy lần rầy la con nhưng nó chẳng chịu nghe mà còn cãi lại. Có hôm cháu còn đóng chặt cửa phòng, không chịu ăn uống. Thiệt tình tôi lo quá!”, anh Cường tâm sự.
Theo TS. BS. Nguyễn Thị Mỹ Châu (Giảng viên Khoa Tâm thần kinh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), những trường hợp trên có thể xem là có biểu hiện thường gặp của chứng rối loạn thách thức chống đối ở trẻ em. Đây là tình trạng trẻ có những hành vi không phù hợp như: bùng nổ giận dữ, không tuân thủ các quy tắc, thách thức người khác, gây phiền nhiễu quá mức cho phép… Trẻ mắc chứng rối loạn này sẽ có những biểu hiện hành vi tiêu cực trên thường xuyên hơn với những trẻ cùng trang lứa.
Trời sinh tính?
Nhiều bậc cha mẹ có con sớm có tính ngang ngược, khó bảo, hỗn hào thì cảm thấy bất lực. Vợ chồng chị Thùy Như (45 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) mấy tháng nay không hiểu sao cậu con trai Anh Tuấn 14 tuổi của mình lại thay đổi 180o. Khi lên phòng con, anh chị ngạc nhiên nhìn thấy con dán một tờ giấy trên cửa, ghi: “Không ai được vào phòng khi chưa được phép!”. Đã vậy, khi ở trong phòng, Anh Tuấn luôn khóa trái cửa. Nhiều lần chị Như muốn vào thăm nom, nói chuyện, kiểm tra quần áo, đồ dùng học tập của con nhưng không biết làm sao, bảo con mở cửa thì Anh Tuấn lạnh nhạt bảo: “Con lớn rồi, ba mẹ đừng phiền con nữa!”.
Có lần, tức quá, chị Như mắng con, bảo con hỗn hào, nếu con như vậy chị sẽ đuổi ra khỏi nhà. Thế là Anh Tuấn chẳng nói chẳng rằng, lầm lì… xếp đồ bỏ đi. “Thấy con ôm đồ lao ra đường, vợ chồng tôi hoảng hồn, năn nỉ hết lời cháu mới chịu nghe. “Đúng là ba mẹ sinh con trời sinh tính, đứa con đầu ngoan hiền bao nhiêu thì đứa sau ngỗ nghịch bấy nhiêu”, chị Như nói như muốn khóc.
Lý giải việc trẻ chống đối, lì lợm một cách khó hiểu, TS. BS. Nguyễn Thị Mỹ Châu cho biết, có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn thách thức chống đối ở trẻ: tạm chia làm nhóm bình thường và nhóm bất thường. với nhóm nguyên nhân bình thường, thuận theo sự phát triển của trẻ, có thể lý giải là trẻ muốn thể hiện tính “tự chủ” của mình. Cũng theo BS. Mỹ Châu, khoảng 2-16% trẻ em ở độ tuổi đi học được chuẩn đoán là có biểu hiện rối loạn thách thức chống đối. Rối loạn này phổ biến ở tuổi lên 8, có thể khởi đầu sớm từ lúc 3 tuổi. Trong giai đoạn dậy thì, tỉ lệ nam và nữ có biểu hiện này là bằng nhau. “Nếu những biểu hiện này của trẻ ở mức vừa phải, có thể không đáng ngại. Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên bất thường nếu kéo dài, xảy ra thường xuyên và ở mức độ nặng hơn so với những trẻ cùng trang lứa”, BS. Châu cảnh báo.
Trong khi đó, các nguyên nhân bất thường có thể kể đến là do cha mẹ ít quan tâm, không có cách giáo dục đúng khiến trẻ em trở nên thiếu thốn tình cảm hoặc sợ bị la mắng. Việc cha mẹ áp đặt con cái, ép buộc con tuân theo mà không lắng nghe tâm tư của trẻ cũng dễ dẫn đến việc trẻ có những hành động tiêu cực. Những mâu thuẫn giữa nguyện vọng của trẻ và hành vi cấm đoán của cha mẹ nếu không được giải quyết tốt cũng dễ trở thành nguyên nhân khiến trẻ hung hăng, thách thức.
“Hạ nhiệt” cho con
Muốn thay đổi, các bậc cha mẹ cần thay đổi mình trước, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ) khuyên. Theo chị Minh Huệ, các bậc cha mẹ cần điều chỉnh hành vi của mình nhằm hạn chế sự chống đối của trẻ. Cha mẹ nên tập trung củng cố và khen ngợi một cách có chọn lọc các hành vi tốt, phải tập lờ đi những hành vi chống đối không quá đáng của trẻ. Điều này dần làm giảm xung đột giữa cha mẹ, con cái.
Không ít bậc phụ huynh thường la mắng, đánh đập, chê bai khi thấy trẻ không nghe lời nhưng cách làm này dễ khiến trẻ ấm ức, tự ti và có khuynh hướng chống đối. Thay vì vậy, cha mẹ nên lắng nghe tâm tư của trẻ, hiểu được nguyện vọng, điểm mạnh, điểm yếu của con để tìm hướng phát triển theo cách phù hợp nhất.
Làm bạn với trẻ cũng là chiêu hiệu quả để các bố mẹ “hạ nhiệt” các “nghịch tử”. Cha mẹ cần cố gắng xây dựng mối quan hệ tương tác tích cực với trẻ, nương theo để hiểu con chứ không áp đặt, cắt ngang nhu cầu của bé. Khi cha mẹ muốn trẻ làm việc gì, cần giải thích rõ ràng những yêu cầu để trẻ hiểu và làm theo, tránh ra lệnh một phía. Khi hiểu được mong muốn c ủa cha mẹ qua sự nhẹ nhàng, yêu thương, trẻ sẽ lắng nghe.
Cân bằng con trẻ
Một trong những yếu tố nền tảng cân bằng hành vi cư xử của trẻ là cần để con nhận ra giá trị bản thân, phát triển ý thức làm chủ, có môi trường học hỏi các phản ứng phù hợp trong quan hệ với người khác, trong các tình huống ở gia đình, nhà trường và xã hội.
Các hành vi rối loạn thách thức chống đối ở trẻ có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho cá nhân trẻ lẫn gia đình, xã hội. Điều này chi phối nhiều đến tâm lý, các mối quan hệ lẫn chuyện học tập của trẻ. Trẻ có thể bị cô lập trong các mối quan hệ hoặc học tập kém dù thông minh… Trẻ bị rối loạn thách thức chống đối khi có biểu hiện hay gây hấn, đánh nhau, bắt nạt bạn bè,… sẽ có nhiều khả năng tiến tới rối loạn cư xử. Tệ hơn, rối loạn thách thức chống đối ở trẻ vị thành niên có thể dẫn đến nạn nghiện rượu hoặc ma túy, bạo lực học đường.
“Vì vậy khi thấy con có những biểu hiện chống đối bất thường, vượt mức, cha mẹ nên đưa con đến chuyên gia tâm lý hoặc bệnh viện để có phương pháp điều chỉnh đúng đắn”, chuyên gia tâm lý Minh Huệ nhấn mạnh.
Dấu hiệu nhận biết “nghịch tử” Nếu trẻ có ít nhất 4 trong 8 biểu hiện sau đây và kéo dài ít nhất 6 tháng, cha mẹ cần có sự quan tâm kịp thời: – Trẻ dễ mất bình tĩnh, kích động. – Bé rất hay tranh luận với người lớn về mọi vấn đề. – Thường chủ động chống đối, từ chối thực hiện yêu cầu hoặc các quy định của người lớn. – Trẻ hay cố tình làm phiền mọi người. – Trẻ thường đổ lỗi cho người khác về những sai lầm hoặc hành vi sai trái của mình. – Trẻ nhạy cảm hoặc dễ cảm thấy khó chịu bởi người khác. – Trẻ thường giận dữ, bực bội. – Trẻ thường hằn học hoặc tỏ ra thù hận. |
Theo Thư Nguyễn
Thế giới gia đình