Bé chậm nói – chưa hẳn là bệnh

Theo Thạc sĩ Tâm lý Kiều Thanh Hà, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, có rất nhiều bậc phụ huynh không phân biệt được đâu là trẻ chậm nói do bệnh lý gây nên hay chậm nói đơn thuần do yếu tố môi trường. Nên khi trẻ 2, 3 tuổi mà không thấy nói đã vội đưa đi khám và khẳng định con mình mắc bệnh gì đó dù bác sĩ có giải thích kỹ. Trung bình 10 ca đến khám thì chỉ phát hiện 3 trẻ chậm nói do bệnh lý.

Bi bô như trẻ lên ba


Giống như quy luật “3 tháng biết lẫy, 6 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” thì khả năng nói và phát triển ngôn ngữ của một đứa trẻ cũng phải trải qua những cột mốc tương tự như vậy.

Thông thường, 3 tuổi là giai đoạn bé bùng nổ về ngôn ngữ. Lúc này, bé đã có rất nhiều vốn từ vựng từ việc nghe và bắt chước người lớn. Bé có thể nói những câu hoàn chỉnh như: “Con đói bụng”, “con nhớ mẹ”, “mẹ dẫn con đi chơi”… để biểu lộ nhu cầu của mình khi giao tiếp.

Trước đó, khi mới sinh ra đến 12 tháng tuổi, trẻ chưa có ngôn ngữ bằng lời. Bé sẽ thể hiện cảm xúc bằng cử chỉ như cười, khóc, quẫy đạp, mút tay, nhìn. Từ 12-18 tháng, bé bắt đầu bắt chước hành động của người lớn như vỗ tay, nhún nhảy, vẫy chào và tập nói những từ đơn đầu tiên như ba, mẹ, bà, đi chơi… với khoảng 20 từ vựng. Nếu bé thường xuyên nghe người lớn trò chuyện, hỏi han sẽ bắt chước được nhiều từ hơn. Ở giai đoạn này, trẻ cũng đã có thể nghe hiểu được mệnh lệnh. Để tạo sự tương tác, bố mẹ có thể nói chuyện đồng thời kèm theo các cử chỉ, như khi bảo bé lấy đồ chơi, bạn nên chỉ và ngoắc bé lại.

Từ 18-24 tháng, bé bắt đầu nói được những từ đôi như “đi chơi”, “ăn cơm”, hiểu được một lúc hai mệnh lệnh. Ví dụ khi nói “Con lại đây mẹ bế đi chơi”, bé sẽ hiểu là “đi lại đây” và được “mẹ bế đi chơi”.

Quan sát hành vi, phản xạ

Bé chưa biết nói nhưng vẫn phát triển tâm sinh lý bình thường thì bạn đừng quá lo lắng

Theo Thạc sĩ Thanh Hà, với trẻ dưới 3 tuổi, điều quan trọng không phải là bé có nói hay không mà bé có thể hiểu được những mệnh lệnh khi giao tiếp với người khác. Ví dụ, dù bé chưa phát âm thành lời nhưng khi bạn nói lấy cái này, cái kia bé vẫn phân biệt được, nói đi ngủ, không nghịch nữa, chúng nghe và làm theo.

Để nhận biết dấu hiệu cho thấy trẻ chậm nói bình thường hay bất thường, bạn chú ý đến sự phát triển về tâm vận động của trẻ theo độ tuổi. Trẻ 12-15 tháng đã bắt đầu đi được một mình do tiểu não dần hần hoàn thiện chức năng, trẻ biết tranh giành đồ chơi, nghe và làm theo các chỉ dẫn hoặc động tác đơn giản.  

Trẻ 18 tháng biết chạy vững, bò được lên cầu thang, tiêu tiểu biết gọi, tự múc thức ăn. Trẻ 21 tháng biết lên cầu thang, biết rửa tay. Trẻ 24 tháng biết bước xuống cầu thang, tự mặc quần áo, phân biệt được không gian, thời gian, con vật, phân biệt được màu sắc, phương tiện giao thông, nghề nghiệp của mọi người trong nhà.

Về tâm thần: nhận thức của trẻ bắt đầu phong phú và hình tượng hóa. Trẻ nhận biết được đàn ông, đàn bà, ba, mẹ, cô, bà, người lạ, người quen, biết vẫy tay tạm biệt, bỏ rác vào thùng, cất đồ chơi đúng chỗ…

Khi trẻ biểu hiện đầy đủ những yếu tố trên nhưng vẫn chưa biết nói thì bạn đừng lo lắng. Đa số trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ bình thường khi trẻ lớn hơn và đi học.

Nếu trẻ không hội tụ đủ những tiêu chuẩn trên, phản ứng chậm với âm thanh, ít vận động, không có những biểu hiện qua cử chỉ thì nên đưa trẻ đi khám về tai (có thể trẻ bị điếc), răng hàm mặt (kiểm tra thanh quản có tổn thương không) hoặc đi khám để biết có phải bé bị bệnh tự kỷ, chậm phát triển không. Hoặc trẻ nói được nhưng câu chữ lộn xộn, bạn nên đưa bé đi khám tâm lý để kiểm tra rối loạn ngôn ngữ.

Tùy theo mức độ chậm nói và tuổi của trẻ, bác sĩ sẽ có hình thức can thiệp khác nhau như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ huấn luyện ngôn ngữ cho bé tại nhà. Hoặc kết hợp với chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý để can thiệp, thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ.

Hãy trò chuyện với con

Hãy cùng bé đọc sách, vui chơi để thúc đẩy quá trình học nói của bé

Bố mẹ cần thường xuyên nói chuyện, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ tập trung vào đồ vật mà bạn nói đến. Nên nói vật có trước mặt, điều đang xảy ra. Không ép trẻ nói, đưa ra lời khen khi trẻ tập nói.

Chú ý lắng nghe, cho trẻ cơ hội được nói, thường xuyên đưa ra lời động viên: “Con nói giỏi lắm”, giúp trẻ manh dạn nói. Dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Tập cho trẻ nghe các âm thanh khác nhau hay tập giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt.

Theo Sức khỏe

From the same category