Bẫy kim cương đa cấp

DIC được giới thiệu thành lập năm 2005 ở Praha (CH Czech). Tại Việt Nam, DIC VN có trụ sở ở Hà Nội, chi nhánh tại số 559-561 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM. Hoạt động của công ty tại VN mới khoảng vài tháng trở lại đây, chủ yếu diễn ra tại TP.HCM. Cách thức hoạt động của công ty này là tổ chức mạng lưới hợp tác viên mua bán kim cương, trang sức… với nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Phí “hợp tác” chóng mặt

“Họ hứa nếu được lên làm quản lý sẽ hưởng lương 300 triệu đồng/tháng, được đi nước ngoài đào tạo miễn phí, đi du lịch, ở khách sạn xịn. Ngoài ra, quản lý nếu làm tốt sẽ được công ty thưởng xe hơi, du thuyền, nhà lầu sang trọng”

    

Bà Y. – một thành viên của DIC

Theo hợp đồng hợp tác mà DIC ký với khách hàng, những người tham gia làm hợp tác viên cho DIC phải đóng 33 triệu đồng “trả cho những lợi ích có được từ quan hệ hợp tác” hoặc phải mua “trang sức hoặc đồng hồ với trị giá tối thiểu 110 triệu đồng” hoặc “mua kim cương với trị giá tối thiểu 333 triệu đồng”.  Khi đã trở thành hội viên của DIC, khách hàng sẽ được hưởng hoa hồng 3 triệu đồng nếu giới thiệu  được hội viên mới, hưởng 8 triệu đồng nếu giới thiệu thành công “một mối quan hệ hợp tác mới, được thiết lập sau một giao dịch mua đồ trang sức hoặc đồng hồ”. Với kim cương, DIC quy định tiền hoa hồng phụ thuộc vào trọng lượng tính bằng carat của từng viên.

Trong vai người muốn trở thành hội viên của DIC, chúng tôi đã được  bà Vũ Thị Hà – phụ trách kinh doanh của DIC – tiếp. Bà Hà nói phần lớn các cán bộ quản lý của DIC VN đều đưa từ Czech qua. Sắp tới chủ tịch của DIC sẽ từ Czech bay sang và trực tiếp tham gia lớp đào tạo hội viên. Hằng tuần công ty đều dành ra hai ngày vào thứ ba và thứ bảy để tổ chức hội thảo do người nước ngoài thuyết trình để giới thiệu, đào tạo và kết nạp hội viên. Mỗi hội viên chỉ được giới thiệu hai người tham gia một hội thảo.

Được sự giúp đỡ của một hội viên DIC, chúng tôi đã vào văn phòng của DIC trên đường Trần Hưng Đạo (TP.HCM) và gặp ông Vũ Trọng Tuấn, Tổng giám đốc DIC. Ông Tuấn tự giới thiệu mình là người Nam Định, sang Czech từ rất lâu. Ông Tuấn thường hay khoe mình có mối quan hệ rất thân quen với các lãnh đạo cao cấp của VN.

 

Chiếc nhẫn kim cương của ông L. mua 88 triệu đồng nhưng nhiều tiệm vàng cho biết chỉ trị giá 8 triệu đồng – Ảnh: T.Hiếu

Những nạn nhân kêu trời…

Ông L., một hội viên của DIC cho biết để được tham gia làm hội viên DIC, ông đã phải mua chiếc nhẫn kim cương giá 115 triệu đồng và được chiết khấu 20%. Ban đầu cũng như bao người khác, ông L. tin tưởng theo giới thiệu của nhân viên công ty rằng đây là chiếc nhẫn rất có giá trị. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, do bố phải cấp cứu ở bệnh viện, ông L. mang chiếc nhẫn đi cầm ở tiệm vàng và tá hỏa khi tiệm vàng định giá… có 8 triệu đồng. “Tôi đi hết các tiệm vàng có tiếng ở Q.1 đều được họ cho biết phần vàng của chiếc nhẫn là vàng 18K, trị giá khoảng 8 triệu đồng (thậm chí một số cửa hàng còn trả thấp hơn). Còn phần kim cương thì họ không mua”, ông L. chua xót kể. Ông đem chiếc nhẫn tới gặp ông Vũ Trọng Tuấn, kể rõ sự tình với hy vọng được trả lại tiền. Tuy nhiên theo ông L. sau khi nghe trình bày, ông Tuấn đã tuyên bố ông bị loại khỏi “cuộc chơi”. Từ đó, ông L. bị các bảo vệ của DIC ngăn cấm, không cho vào công ty nữa.

Một trường hợp khác là ông Mạnh (Bình Dương) mua một chiếc đồng hồ mạ vàng có đính kim cương với giá 88 triệu đồng. Ông đã thử mang đồng hồ ra các tiệm vàng chào bán và được họ đồng ý mua phần vàng của đồng hồ với giá 39 triệu đồng, còn những hạt kim cương trên đó thì từ chối không mua.

Bà H. – chủ một doanh nghiệp thủy sản ở TP.HCM, đã mua một bộ trang sức (một dây chuyền và hai bông tai) với giá 108 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn đặt cọc 44 triệu đồng để lấy một chiếc nhẫn đính kim cương có giá 88 triệu đồng. Tuy nhiên, bộ trang sức này chỉ được các tiệm vàng  định giá có 18 triệu đồng.

Bà Y. – một thành viên của DIC từ ngày đầu nói: “Họ hứa nếu được lên làm quản lý sẽ hưởng lương 300 triệu đồng/tháng, được đi nước ngoài đào tạo miễn phí, đi du lịch, ở khách sạn xịn. Ngoài ra, quản lý nếu làm tốt sẽ được công ty thưởng xe hơi, du thuyền, nhà lầu sang trọng”. Tin vào những lời hứa này, bà Y. – vốn là một đại lý bảo hiểm có nhiều quan hệ – đã ra sức kêu gọi khách hàng của mình tham gia mạng lưới của DIC. Giờ thì bà đang bị những người bà giới thiệu quay lại trách móc, sỉ vả.

Dù bán sản phẩm với giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng nhưng DIC không xuất hóa đơn. Có người quyết liệt đòi hóa đơn sau đó đã bị bảo vệ cấm cửa không cho vào công ty.

Chiều 27.6, chúng tôi đã đến văn phòng DIC đề nghị gặp lãnh đạo công ty để trao đổi về các vấn đề trên nhưng đã bị nhân viên công ty này từ chối với lý do “chỉ lãnh đạo công ty ở CH Czech mới tiếp báo chí mà thôi”.

Kim cương phẩm cấp thấp

Chiều 28.6, PV đã đưa chiếc nhẫn kim cương mà DIC bán với giá 115 triệu đồng (sau khi chiết khấu còn 88 triệu đồng) sang Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBJ) để tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Sau khi xem xét, ông Nguyễn Văn Hải, Phó tổng giám đốc SBJ, cho hay với những thông số (màu sắc ở mức độ M, độ tinh khiết ở mức độ VS1) ghi trên thẻ có thể khẳng định chất lượng của viên kim cương này không cao. Thậm chí còn thấp hơn nhiều mức chuẩn của loại kim cương đang được các công ty vàng bạc VN bán phổ biến hiện nay.

Chiếu theo giá thế giới, viên kim cương trên nhẫn có giá khoảng 20 triệu đồng.

Có dấu hiệu kinh doanh đa cấp bất hợp pháp

DIC chỉ công bố có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh ở số 559-561 Trần Hưng Đạo, P. Cầu Kho, Q.1, TP.HCM, trên website, kể cả trên hợp đồng ký với khách và các giấy tờ giao dịch khác không hề có địa chỉ trụ sở ở Hà Nội. Tòa nhà nơi DIC thuê đặt chi nhánh ở TP.HCM gồm có 5 tầng và một tầng hầm. Tất cả các phòng đều được gắn camera theo dõi. Khách khi chưa có sự giới thiệu của hội viên sẽ không thể vào được bên trong tòa nhà.

Theo điều 48 luật Cạnh tranh và Nghị định 110/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị cấm không được có hành vi yêu cầu hội viên phải đặt cọc tiền hoặc mua một lượng hàng hóa để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Cho phép hội viên nhận tiền hoa hồng từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng; Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia… Việc bán hàng không xuất hóa đơn của DIC có dấu hiệu trốn thuế.

Ông Nguyễn Trung Luân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu và xúc tiến công thương (Sở Công thương TP.HCM) cho biết theo quy định, doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp bán hàng đa cấp trước khi đi vào hoạt động phải đăng ký và báo cáo với Sở Công thương sở tại. Tuy nhiên đến nay, Sở này vẫn chưa thấy DIC đăng ký và báo cáo.

 

Một buổi hội thảo do DIC tổ chức – Ảnh do một hội viên DIC cung cấp 

Theo Thanh Niên

From the same category