“Báu vật nhân văn sống” Hà Thị Cầu qua đời

“Tôi được anh Lới, con rể cụ Hà Thị Cầu báo tin bu đã qua đời trưa nay mà hụt hẫng vô cùng. Dù biết tình trạng ốm nặng kéo dài hơn một tháng, không nói được của bu nhưng tôi vẫn không tin được giọng hát dân gian độc đáo, thiên tài của nước nhà đã ra đi mãi mãi”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa – học trò của cụ Hà Thị Cầu nghẹn ngào.

 
Báu vật nhân văn sống Hà Thị Cầu qua đời

“Báu vật nhân văn sống” Hà Thị Cầu qua đời

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết, cụ Hà Thị Cầu ra đi vào 12 giờ 30 trưa ngày 3/3, hưởng thọ 97 tuổi. Lễ khâm liệm diễn ra sáng 4/3 và lễ an táng cụ Hà Thị Cầu tiến hành lúc 9 giờ 30 sáng 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần, xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ, vì tin dữ đến quá bất ngờ, chị đang đi lễ chùa nên phải đến ngày mai chị mới kịp đến tiễn biệt cụ. Chị cho biết, trước Tết chị và nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Quang Long… cũng về Ninh Bình thăm cụ. “Thấy sức khỏe của bu héo mòn, kiệt quệ mà buồn vô hạn. Mấy người bảo nhau đàn hát bên cạnh giường bu mới thấy sắc mặt bu tươi tỉnh hơn. Trước, mỗi lần gặp mặt bu đều cấu véo, mắng yêu giờ thì không nói nổi nên lời”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa thở dài.
 
Báu vật nhân văn sống Hà Thị Cầu qua đời

Từ trái qua: Nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đến thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu dịp trước Tết

Học trò nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu cũng khẳng định sẽ tiếp bước nghệ thuật hát xẩm. Chị nói, trước khi cụ Hà Thị Cầu mất, các học trò của cụ đã bảo nhau quyết tâm gìn giữ nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của cụ, theo cách mà ở vùng Yên Mô, Ninh Bình), sinh năm 1917, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, Hà Thị Cầu cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Khi lên 8 tuổi, cụ đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Định cư sống tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con cụ nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình. Sau đó cụ Hà Thị Cầu trở thành người vợ thứ của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu).

Khi nghệ nhân hát xẩm gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho người vợ 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa. Hiện tại cụ Hà Thị Cầu sống cùng vợ chồng người con gái.

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu từng tham dự nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoạt nhiều huy chương vàng, giải thưởng đặc biệt. Cụ từng nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt “Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình” trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.

Cụ Hà Thị Cầu đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào ngày 25/12/2004 và đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Cụ cũng được nhân dân thương mến coi là “báu vật nhân văn sống” của môn nghệ thuật hát xẩm.

Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Theo Dân trí


From the same category