Tổng thống Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đã có màn tranh luận gay gắt, xoáy vào những vấn đề chính về cuộc sống của người dân và thể hiện lập trường trái ngược trong một số sự kiện thế giới.
Ngày 20/4, hai ứng cử viên Tổng thống Pháp là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện đảng Tập hợp quốc gia Marine Le Pen đã có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.
Hai chính khách đã có màn tranh luận gay gắt, xoáy vào những vấn đề chính về cuộc sống của người dân và thể hiện lập trường trái ngược trong một số sự kiện thế giới.
Đây là cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất trong quá trình tranh cử tổng thống Pháp. Cuộc tranh luận này rất quan trọng, được xem là cơ hội để hai ứng cử viên giành sự ủng hộ của những cử tri còn do dự. Cuộc tranh luận kéo dài gần 3 giờ đồng hồ.
Mở đầu phiên tranh luận, hai ứng cử viên đã chỉ trích lẫn nhau về việc không giải tỏa những quan ngại của người dân trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Bà Le Pen, ứng cử viên tổng thống đảng cực hữu của Pháp, cam kết sẽ có các biện pháp để giảm chi phí sinh hoạt của người dân.
Bà khẳng định sẽ làm tốt hơn so với Tổng thống đương nhiệm Macron trong việc cải thiện cuộc sống, nâng cao giá trị việc làm và thúc đẩy sức mua của người dân. Bà nhấn mạnh một sự lựa chọn khác là điều có thể.
Trong khi đó, Tổng thống Macron cho biết chủ trương cải thiện cuộc sống người dân sẽ được hiện thực hóa thông qua các dự án lớn về giáo dục và y tế. Ông khẳng định các biện pháp mà ông đưa ra sẽ giúp cải thiện thu nhập của các hộ gia đình Pháp hiệu quả hơn so với chính sách của bà Le Pen và nước Pháp sẽ trở thành một cường quốc sinh thái trong thế kỷ 21.
Lãnh đạo này cũng cam kết không tăng thuế và sẽ tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng mỗi năm cho đến năm 65 tuổi vào năm 2031 để tạo sức lao động cho người dân. Ông nhấn mạnh đến thành tựu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua và tạo việc làm cách thức tốt nhất để giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Phản đối quan điểm nay, bà Le Pen bảo vệ chính sách tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.
Hai ứng cử viên tổng thống Pháp cũng cho thấy sự khác biệt lớn trong vấn đề di cư. Cũng như lần tranh cử hồi năm 2017, bà Le Pen nhấn mạnh cần tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc tiếp nhận người di cư và cần phải giải quyết tình trạng di cư mà bà mô tả là “hỗn loạn” này.
Về phần mình, ông Macron cho rằng một cuộc trưng cầu ý dân không thay đổi được điều gì và vấn đề này phụ thuộc sự hợp tác với các nước khác.
Liên quan đến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), bà Le Pen có phần mềm mỏng hơn khi khẳng định vẫn muốn nước Pháp là thành viên, song cần cải tổ EU và Ủy ban châu Âu tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Bà nhấn mạnh nước Pháp là một cường quốc thế giới chứ không chỉ là cường quốc châu Âu. Trong khi đó, ông Macron lại đề cao tinh thần hợp tác trong EU, thể hiện rõ qua việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 trong các nước châu Âu.
Sự tương phản giữa hai ứng cử viên Tổng thống Pháp còn được thể hiện trong vấn đề Nga-Ukraine. Bà Le Pen bày tỏ ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, song bà phản đối việc áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu năng lượng và khí đốt của Nga.
Theo ứng cử viên đảng cực hữu này, ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ không gây ảnh hưởng đến Moskva và chỉ gây tác động nặng nề đối với người dân Pháp. Trong khi đó, Tổng thống Macron lại nhằm vào mối quan hệ cá nhân có yếu tố Nga của bà Le Pen.
Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Pháp diễn ra chỉ 4 ngày trước khi toàn nước Pháp bước vào vòng 2 bầu cử tổng thống vào cuối tuần này.
Một cuộc khảo sát nhanh do kênh BFM TV thực hiện sau cuộc tranh luận cho thấy có tới 59% số người được hỏi nhận định ông Macron có “màn trình diễn” thuyết phục hơn. Trong cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2017, tỷ lệ này là 63%.
Hiện cả ông Macron và bà Le Pen đang tìm cách thu hút cử tri ủng hộ nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon – người đã bị loại sau vòng 1 cuộc bầu cử.
Khu vực bầu cử của ông Jean-Luc Melenchon được đánh giá sẽ là “chìa khóa” để phân định cuộc đua giữa ông Macron và bà Le Pen trong vòng hai cuộc bầu cử – dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tới.