Thông thường, đến tuổi các cụ bảo là “nữ thập tam, nam thập lục” – tuổi dậy thì – bộ não ra lệnh cho tuyến yên, một tuyến nhỏ hình yên ngựa nằm dưới tiểu não bắt đầu khởi động để điều khiển quá trình lớn lên của một con người.
Bình thường thì thế…
Nhận lệnh, tuyến yên phát tín hiệu chỉ huy bằng cách sản xuất ra các hocmon sinh trưởng với liều lượng khác nhau tùy thời kỳ, đánh thức một bộ phận của cơ thể, ngủ yên mười mấy năm ở tuổi thiếu niên là buồng trứng ở con gái và tinh hoàn ở con trai để chúng “làm việc” theo một chương trình đã định sẵn. Các bộ phận này tùy theo các tín hiệu từ tuyến yên đưa xuống, sẽ hoạt động hết công suất để thực hiện 2 nhiệm vụ. Thứ nhất chúng sản sinh ra các hocmon sinh dục gửi vào máu đi đến toàn cơ thể thực hiện hàng loạt chức năng: kéo dãn xương và cơ khiến các chàng trai cô gái cao hẳn lên kèm theo hàng loạt biến đổi khác, để phân biệt nam và nữ một cách rõ ràng. Thứ hai, chúng ra sức tạo ra những tế bào mầm có khả năng kết hợp với tế bào tương tự ở người khác giới, hình thành một “truyền nhân”. Đó là “trứng” ở các cô gái, hàng tháng rụng xuống thể hiện qua các kỳ kinh nguyệt và đàn “nòng nọc” li ti hàng triệu con ở các cậu con trai. Đến khi hết tuổi trưởng thành, đầu xương không còn là sụn để dài thêm nữa, họ đạt được những chiều cao nhất định của những người bình thường.
Nhưng khác thường thì…
Ở một số người nhỏ, tuyến yên bị trục trặc, hỏng hóc nào đó chưa rõ nguyên nhân, khiến nó làm việc không bình thường. Có thể xảy ra 2 trường hợp:
Với những người vào tuổi dậy thì, tuyến yên tiết ra quá nhiều hocmon sinh trưởng, thúc đẩy hệ xương và cơ phát triển quá mức thì người đó cứ cao lên vùn vụt và đến lúc trưởng thành, sẽ lênh khênh như một người khổng lồ. Cũng có trường hợp như anh Trần Thành Phố, thương binh hiện ở Bắc Giang, sinh ra bình thường như mọi người nhưng trong chiến đấu, một vết thương nơi tuyến yên kích thích nó hoạt động trở lại. Hoạt động bất thường ấy đã làm anh trở thành người cao nhất nước ta hiện nay – 2,30cm.
Còn ở những người bị rủi ro kiểu khác, tuyến yên quá tiết kiệm hoặc lười biếng trong việc sản xuất ra hocmon sinh trưởng. Không nhận được lệnh, cơ thể không chịu lớn, các chi và khung xương không phát triển, hậu quả là những người này bị ngắn ngủn, thấp lè tè và nhiều khi các cơ quan sinh dục cũng “án binh bất động”. Ngoài ra, còn có người bị lùn vì những nguyên nhân khác như mắc bệnh sản sạn làm kẻ thiếu may mắn vừa lùn vừa mất cân đối, thân hình bình thường nhưng chân tay lại rất ngắn.
Như vậy, về hình thức, họ không phải là những người được gọi là cao và thấp theo quan niệm thông thường mà là “lênh khênh” và “lè tè”, do một loại bệnh chưa rõ nguyên nhân của tuyến yên. Những người lênh khênh có chiều cao từ 2,20m trở lên và người lè tè không vượt quá m. Tuy chiều cao làm khổ họ, song họ vẫn là những người bình thường như tất cả mọi người, chẳng có gì khác biệt. Có chăng, họ phải chịu những thành kiến của người đời và phải cố gắng hơn mọi người để vượt lên số phận.
Những người “lênh khênh” – hình như về số lượng ít hơn những người “lè tè”- chọn những nghề cần đến chiều cao như bóng chuyền, bóng rổ… Những người “lè tè” thường bị mặc cảm hơn và gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Xưa kia họ thường làm những chú hề, mua vui trong cung đình. Ngày nay, dẫu xã hội có dành cho họ những ưu ái nhất định, song cuộc sống của họ vẫn gặp không ít khó khăn. Họ tìm ra nhiều cách vượt qua những trở ngại, thành lập những câu lạc bộ, hoặc các tổ chức của riêng mình, giúp đỡ lẫn nhau kiếm sống. Không ít những người lùn có tài năng xuất chúng, đã thành đạt trong nghề nghiệp hoặc nổi tiếng trong vai trò các nghệ sĩ, diễn viên./.
Chia sẻ bài viết này