Bất động sản kéo khách bằng chiêu lạ

Căn hộ Lê Thành Twin Towers được chào bán có thời hạn 15 năm, dự kiến nhắm vào khách hàng ít tiền – Ảnh: H.Đ.

Một số chuyên gia cho rằng để giải quyết BĐS “tồn kho” hiện nay, ngoài bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp hạ giá bán, chuyển đổi sang căn hộ cho thuê hoặc bán trả chậm 20-30 năm.

Bán căn hộ có thời hạn

Ngày 20-10, Công ty BĐS Lê Thành tung ra thị trường sản phẩm căn hộ cho thuê dài hạn, đó là dự án Lê Thành Twin Towers (Q.Bình Tân, TP.HCM). Theo đó, giá cho thuê được ổn định trong 15 năm với tổng trị giá thuê là 240 triệu đồng/căn 35m2, tương đương 1,3 triệu đồng/m2. Ông Lê Hữu Nghĩa – tổng giám đốc Công ty Lê Thành – cho biết những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay là cơ hội rất tốt để thực hiện ý tưởng về những sản phẩm vừa với túi tiền của các bạn trẻ trong giai đoạn lập nghiệp đã được ông ấp ủ từ lâu.


“Tôi hi vọng mô hình căn hộ cho thuê dài hạn này sẽ được nhiều khách hàng, nhất là nhân viên văn phòng còn độc thân hay vừa mới lập gia đình, đón nhận và quan tâm…” – ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, với số tiền 240 triệu đồng, việc mua nhà tại TP.HCM là chuyện bất khả thi. Hơn nữa, nếu hai vợ chồng trẻ đi thuê nhà để ở sẽ có nhiều bất tiện như thời hạn cho thuê không ổn định, không dám mua sắm các tiện nghi để phục vụ nhu cầu do khả năng bị lấy lại nhà bất kỳ lúc nào… Trong khi đó, với mô hình cho thuê căn hộ có thời hạn 15 năm, các bạn trẻ có cơ hội ổn định chỗ ở, an tâm sắm sửa vật dụng và đặc biệt là có đủ thời gian tích lũy được một khoản vốn kha khá để mua nhà.

“Việc cho thuê đến 15 năm hay nói cách khác là bán căn hộ có thời hạn với số tiền vừa phải không những góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của một bộ phận giới trẻ chưa có tích lũy nhiều, mà cũng là một giải pháp để các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn của thị trường BĐS hiện nay” – ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nói. Ngoài dự án bán căn hộ có thời hạn đầu tiên của Công ty Lê Thành, ông Châu cho biết hiện còn có một số doanh nghiệp BĐS khác đã lên kế hoạch đầu tư căn hộ theo mô hình này, đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Giảm giá “sốc”, cho trả chậm không lãi suất

Sau khi chào bán cho các nhà mua sỉ từ đầu tháng 10-2012, hiện đã tiêu thụ được gần 60% trong hơn 500 căn hộ (khối A và C), Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ bắt đầu bán sản phẩm dự án Hoàng Anh Thanh Bình (quận 7) cho các khách hàng lẻ từ đầu tháng 11-2012. Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL – đã gây sốc cho thị trường khi tuyên bố chào bán căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình với giá thấp hơn 30-50% giá các dự án cùng khu vực, kèm theo chính sách thanh toán linh hoạt.

Cụ thể, khách hàng có thể được ngân hàng cho vay đến 70% của 30% giá trị căn hộ trong đợt nộp tiền đầu tiên. Theo đó, chỉ cần có khoảng 150 triệu đồng, khách hàng có thể mua một căn hộ diện tích 73m2 của dự án này. Trong 30 tháng tiếp theo, khách hàng chỉ phải nộp 40% giá trị căn hộ và 25% còn lại khi nhận nhà. Ông Đoàn Nguyên Đức thừa nhận việc đưa ra một mức giá hợp lý và chính sách hỗ trợ thanh toán nhằm thu hút người có nhu cầu an cư, đồng thời tạo thanh khoản cho dự án để thu hồi vốn.

Nhân cơ hội thị trường đang “xôn xao” về các dự án tại khu vực này, Công ty Novaland – chủ đầu tư dự án Sunrise City – cũng tung ra chính sách trả chậm năm năm không lãi suất để kéo khách. Theo đó, sau khi nộp 30% giá trị căn hộ trong bốn tháng đầu, số tiền còn lại được nộp trong 60 tháng, bình quân mỗi tháng là 1,15% giá trị căn hộ. Bà Nguyễn Thúy Anh – phó tổng giám đốc Novaland – cho biết dù thanh toán trong 64 tháng nhưng đến tháng thứ 26, khách hàng sẽ được nhận nhà để vào ở hoặc cho thuê.

Cũng từ đầu tháng 10-2012 đến nay, hàng loạt chủ đầu tư khác tung ra nhiều chiêu để kéo khách mua căn hộ. Chẳng hạn, Công ty CP đầu tư Nam Long chào bán sản phẩm dự án Ehome 3 với lãi suất ưu đãi 0% và không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng. Một số dự án khác như Lacasa (quận 7), Lucky Apartment (Tân Phú)… cũng giảm mạnh giá bán để tiêu thụ hàng. “Việc giảm giá sốc hay bù lãi suất vừa nhằm chia khó với khách hàng vừa là giải pháp tự cứu mình của chủ đầu tư. Thà lời ít mà thu hồi vốn nhanh hơn là chôn vốn và chịu lãi vay” – ông Hoàng Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty CP Tấc Đất Tấc Vàng, nói.

80% vốn kinh doanh bất động sản là vốn vay

Theo báo cáo được công bố vào cuối tháng 9-2012 của đoàn khảo sát tình hình thực hiện các dự án BĐS trên địa bàn do Sở Xây dựng TP.HCM làm trưởng đoàn, có đến 80% vốn kinh doanh BĐS là vay ngân hàng. Các doanh nghiệp BĐS đang gặp hàng loạt khó khăn như thanh khoản giảm, phải “mua đất” hai lần do tự thương lượng đền bù và sau đó nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường (nghị định 69CP)…

Cũng theo báo cáo, qua khảo sát 34 dự án nhà ở trên địa bàn, có 11 dự án đã hoàn thành với 3.021 căn, số căn hộ đã bán được chiếm 67,1%, số căn hộ tồn chiếm 32,8% (chủ yếu tập trung tại quận 2, Thủ Đức, huyện Bình Chánh). Số còn lại có 16 dự án đang triển khai (10 dự án chậm tiến độ), 4 dự án tạm dừng và 3 dự án chưa triển khai.

Thiếu căn hộ cho thuê giá 2 triệu đồng/tháng

Ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM – cho rằng thị trường BĐS đang thiếu các dòng sản phẩm như căn hộ cho thuê giá hợp lý (trên dưới 2 triệu đồng/tháng), căn hộ thuê mua có thời hạn và căn hộ bán trả góp 20-30 năm. Hầu hết doanh nghiệp không mặn mà với các dòng sản phẩm này do không dám mạo hiểm đầu tư một cục vốn ban đầu rồi đi thu bạc cắc, trong khi giá đầu vào không ổn định (tiền đền bù, tiền sử dụng đất, lãi vay). Theo ông Châu, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư những sản phẩm này, Nhà nước phải có các chính sách như miễn tiền sử dụng đất, miễn hoặc giảm thuế thu nhập từ hoạt động cho thuê nhà ở, hỗ trợ vốn ưu đãi hoặc bù lãi suất cho các dự án đầu tư vào những phân khúc này.

Theo Tuổi trẻ


From the same category