Bắt đầu ngày mới của con với niềm vui

Tôi nhận lời đưa thằng cháu trai đến trường vì bố mẹ cháu bận công tác. Đến cổng trường, sau khi dặn dò và chúc cháu đi học thật vui, cháu tự đi bộ vào lớp. Nhìn dáng người đàn ông 4 tuổi vai đeo ba lô chầm chậm lầm lũi bước qua cánh cửa trường mẫu giáo, tôi thấy dường như từng chuyển động của “gã đàn ông” bé nhỏ kia đều toát ra nỗi buồn nào đấy. Tôi vội xuống xe và chạy đến nhấc bổng hắn lên, hôn thật nhiều vào mặt hắn và làm cả trò vò đầu véo tai hắn. Hắn thích thú cười nắc nẻ van xin “Bác Hai buông Kid ra”.

Hắn đã cười thật tươi và quay đầu lại, đưa tay vẫy chào tôi thêm 2 lần nữa trước khi khuất hẳn sau cửa lớp. Tự dưng tôi chợt nghĩ đến con gái nhỏ của tôi, đến những cậu bé cô bé khác đôi khi vẫn thỉnh thoảng bắt đầu một ngày mới không bằng nụ cười và niềm vui trẻ thơ chỉ bởi bố mẹ quá vội cho một lời chào tạm biệt kiểu “con nít”.

tạo niềm vui cho con khi đến trường học

Buổi sáng, biết bao là bận rộn

Không buổi sáng nào tôi lại không càu nhàu con trai lớn 11 tuổi của mình về chuyện cháu vất quần áo lung tung và vì tôi phải nghe câu hỏi quen thuộc “Mẹ ơi, vớ của con đâu?”.  Và thật là hiếm hoi nếu như buổi sáng nào đó mà tôi không phải lắc lư dỗ dành, dọa dẫm để đưa cô con gái nhỏ 6 tuổi ra khỏi giường. Điệp khúc quen thuộc trong gia đình tôi luôn là những trách cứ, càm ràm và có một chút ít dọa sử dụng “bạo lực” để các con thay đổi những thói quen xấu. Có những buổi sáng đưa con đến trường, tôi quên cả hôn con vì mải lo dặn dò những phần việc cháu cần làm tại lớp hay những chuyện cháu cần sửa đổi về hành vi. Có những buổi sáng để kịp cuộc họp khách hàng hẹn sớm, đôi khi tôi đã đưa con đến trường khi sân trường chỉ có mỗi chú bảo vệ. Có những buổi sáng bắt đầu từ chuyện giận nhau mà sự im lặng kéo dài suốt cả con đường. Chia tay trong lặng im dỗi hờn, người lớn hậm hực vì dạy mãi không rèn được thói quen tốt cho con, trẻ nhỏ thì bực bội vì giải thích hoài mẹ cũng không chịu thông cảm cho mình. Và có cả những buổi sáng, mẹ con tôi đã bắt đầu ngày mới đầy vui vẻ trên đường nhưng rồi nụ cười lại tắt biến vì chuyện kén ăn, ăn chậm suýt trễ học khi ngồi ở tiệm phở sáng.

Buổi sáng biết bao là “bận rộn” vì phải giận hờn nhau, vì phải càm ràm nhau, vì không thể dừng đỗ xe lâu trước cổng trường nên tôi cũng đã luôn phải vội vàng trong nắng sớm. Hãy nghĩ đến những buổi sáng bắt đầu ngày mới của con mình, đến cảm xúc buồn bã đang bị mẹ giận của những đứa trẻ. Đã vậy dù buồn bã, chúng vẫn phải bắt đầu một ngày mới bằng “công việc” học hành đầy “cực khổ” và “căng thẳng” đâu kém người lớn.

Nhéo tai, véo mũi cũng là một cách tạm biệt thú vị

Tôi tự hỏi chính mình đã bao giờ tôi xem các con là một người lớn với hình hài nhỏ bé hay tôi đã dành cho con sự thông cảm và tôn trọng nhất định như từng làm với những người lớn khác chưa? Như chuyện tôi tránh trả giá khi đi chợ sớm, tôi tránh nói những câu không vui hay những lời than phiền về dịch vụ đối với những nhà cung cấp vào đầu ngày. Vậy tại sao, cứ vào những buổi sáng sớm, tôi lại luôn “thoải mái” khiến bọn trẻ ở vào trạng thái “người có lỗi” và dồn ép chúng đến tận trường học bởi quá nhiều chỉ thị, mệnh lệnh, dặn dò hay dọa dẫm.

Sao tôi lại không thông cảm với những áp lực nặng nề trong một ngày của con ở trường? Sao tôi lại không hiểu cho việc con trẻ cũng đầy mệt mỏi, bực dọc nếu phải học môn toán mà cháu không thích, hay phải học môn vẽ mà cháu vốn không có năng khiếu? Và nếu tôi cũng luôn bị chồng quở trách mỗi sáng về chuyện mua sắm nhiều, chuyện lười thể dục, chuyện nghiện facebook thì liệu tôi có thể hăm hở bước vào công ty với nhiều năng lượng tích cực làm việc không nhỉ? Trẻ con cũng có nhu cầu được “kiêng kỵ” vào sáng sớm (tôi nghĩ có lẽ chúng ước ao “kiêng kỵ” suốt cả ngày thì đúng hơn). Ba mẹ hãy nói với trẻ lời nhẹ nhàng, hãy trao cho trẻ nụ cười, hãy nói với chúng về tình yêu mà ba mẹ dành cho chúng, hãy ôm chúng như thể ba mẹ cực buồn bã khi chúng phải đi học.

tạo niềm vui cho con khi đến trường học

Một lời chia tay sáng sớm để trẻ cười tươi vào sớm mai không khó. Vì bọn trẻ không yêu cầu ba mẹ vất vả “soạn bài” chia tay quá dài hay quá tình cảm. Đôi khi chỉ cần một cái véo mũi, một cú cốc nhẹ vào đầu đã là kiểu chia tay khiến con trẻ có thể cười khúc khích. Thỉnh thoảng hãy “tra tấn” chúng bằng câu “Mẹ yêu con” lặp đi lặp lại trên suốt con đường đến trường. Hãy khiến bọn trẻ phải đầu hàng mẹ hay ba bằng cái ôm siết thật chặt từ phía sau cùng nụ cười giòn tan với câu năn nỉ: “Thôi mà mẹ, con biết mẹ yêu con rồi. Mẹ nói gì khác đi”.

Cho trẻ một khởi đầu ngày mới cùng nụ cười cũng là một cách giúp con học tốt và vui thích với việc học. Đừng vì bận rộn, đừng vì những bực dọc sáng sớm mà để người bạn yêu thương nhất phải buồn bã… lủi thủi đi học.

Hãy cho con nụ cười sớm mai, mẹ nhé!

Bài: Yên Lam

logo

Những câu chuyện kể và những mẩu chuyện trò trước giờ con ngủ luôn có tác dụng diệu kỳ, không chỉ ở thời thơ ấu mà có khi theo con suốt cả cuộc đời.


From the same category