N. T (12 tuổi, Q. 2, TP. HCM) sinh ra trong một gia đình khá giả, ba mẹ đều có học vấn cao và khá nổi tiếng trong lĩnh vực học thuật. Anh trai của N. T cũng học rất giỏi, đạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi. Bản thân N. T không phải là đứa trẻ kém cỏi, ngược lại, cô bé khá thông minh, lanh lợi, ham học và cá tính mạnh. Tuy nhiên, gần đây, gia đình phải đưa bé đến văn phòng tư vấn tâm lý vì theo lời phụ huynh, càng lúc bé càng khó dạy, luôn bắt mọi người đáp ứng các đòi hỏi của mình, đặc biệt, cô bé sẵn sàng xông vào cào, cấu anh mình mỗi khi không vừa ý, mặc dù cậu anh tỏ ta khá hiền lành và cưng chiều em gái.
Sống giữa “rừng sao”
Chuyên viên tư vấn tâm lý gặp N. T đến lần thứ 3 vẫn không thể trò chuyện được với cô bé lầm lì, bất cần. Sau này, khi đã thiết lập quan hệ gần gũi hơn với em và tìm hiểu thêm thông tin từ gia đình, chuyên viên mới phát hiện ra nguyên nhân vấn đề tâm lý trên của N. T, đó là do cô bé sống giữa “một rừng ngôi sao”. Trong gia đình, thành tích em lu mờ, chưa bao giờ nhận được sự khen ngợi từ bố mẹ. Bố mẹ N. T lại hay đem anh trai của cô bé ra làm gương cho em. Do đó, cô bé nảy sinh sự ghen tỵ lẫn thù ghét chính anh mình.
B. T (13 tuổi, Hóc Môn, TP. HCM) lại là một trường hợp khác. Cô bé được gửi đến một trung tâm dạy kỹ năng sống dành cho thanh thiếu niên với lời gửi gắm của bố mẹ cô bé rằng hãy dạy bé biết hiếu thảo, sống hòa thuận với anh chị em trong nhà. Tiếp xúc với B. T, các giáo viên nhận thấy cô bé khá cởi mở với mọi người, mạnh dạn trình bày các ý kiến. Tuy nhiên, mọi người cũng cảm nhận được thái độ tiêu cực của bé mỗi khi nói về gia đình, đặc biệt là các anh chị em. Tìm hiểu tường tận, họ bất ngờ phát hiện, trong số tất cả các anh chị em, trong khi ai nấy đều trắng trẻo, xinh xắn thì chỉ có B. T là đen đúa, xấu xí. Điều này khiến cố bé tủi thân, không vui vẻ với anh chị em cùng nhà.
Ba mẹ chẳng “vô can”
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện về “bệnh” ghen tỵ của trẻ với anh chị em một nhà. Nguyên nhân khiến trẻ ghen tỵ có thể do các yếu tố chủ quan thuộc về trẻ hoặc khách quan do chính bố mẹ và người xung quanh.
Trước hết, việc trẻ cảm thấy mình bị đối xử phân biệt, không được thương yêu nhiều bằng các anh chị em còn lại có thể là do chính trẻ tự thổi phồng cảm nhận của mình và tưởng tượng ra sự bất công trong gia đình. Tuy nhiên, cảm giác này nếu được gia đình can thiệp kịp thời cũng sẽ nhanh chóng được xua tan. Như vậy, người trong gia đình cần xem lại thái độ cư xử của mình với đứa con đang sợ bị cho “ra rìa” kia.
Hãy dạy các con biết hòa thuận, vui chơi với nhau
Xét về yếu tố ngoại cảnh với các em, có thể nói nhiều phụ huynh đã thiếu khéo léo trong ứng xử với con cái. Ví dụ: thường so sánh các con với nhau, ca ngợi quá mức đứa con này và xẵng giọng, lên án, chỉ trích đứa kia. Đôi khi, chính ba mẹ cũng không nhận ra mình đang có định kiến với đứa trẻ này hoặc ưu ái đứa con kia hơn. Trong một số trường hợp, trẻ ghen tỵ do sự vô tư của người lớn xung quanh. Chẳng hạn, khi thấy một đứa trẻ có vẻ xấu xí hơn những anh chị em còn lại, người lớn hay nói đùa: “Chắc cháu là con nuôi của bố mẹ rồi, vì cả nhà đâu có ai đen đúa, xấu xí như cháu”. Sự vô tư “chết người” kia vô tình sẽ khoét sâu hơn mối bất hòa của trẻ với các anh chị em còn lại.
Dù hiện tượng ghen tỵ của trẻ là do chủ quan hay khách quan, không thể chỉ đưa con đến chuyên gia tư vấn tâm lý là đủ bởi gia đình chính là nhân tố tích cực và hiệu quả nhất để “chữa” vấn đề này cho trẻ.