Nỗi ám ảnh của những danh ca
Ai trong chúng ta đều có những sợ hãi trong lòng nhưng điều bất ngờ nhất là không ít ca sĩ nổi tiếng tiết lộ bản thân sợ đám đông. Với họ, sân khấu không là thiên đường lấp lánh ánh sáng để thăng hoa mà cơn ám ảnh vô hình. Nhưng vì nhiều lí do khác nhau họ vẫn đứng đó, vẫn hát và tìm cách đối diện với cảm xúc bấp bênh của chính mình.
Người đàn bà vui vẻ hát ca và diễn xuất
Barbra sinh ra là để ca hát. Đó là lời khẳng định được công nhận không chỉ bởi giới chuyên môn mà cả thế giới. Ngay từ album đầu tay, Barbra đã giành ngay hai giải Grammy, khi đó bà chỉ mới 21 tuổi. Sự thành công của Barbra được đánh giá là “bất thường” vì ở thời điểm đó, The Bealtes cùng thể loại nhạc rock& roll đang chiếm lĩnh thị trường. Nhưng cơn gió mang tên “Barbra” đã tung hoành trên bầu trời âm nhạc thế giới không chỉ trong chốc lát mà gần cả 6 thập niên sau đấy. Chỉ tính riêng ở Mỹ, đã có hơn 71 triệu đĩa ghi âm của bà được bán. Và Barbra là ca sĩ hiếm hoi luôn dành được các ngôi vị quán quân trên bảng xếp hạng trong 6 thập kỷ liên tiếp (từ 1960 – 2010).
Nữ diva còn bước chân sang điện ảnh, cú rẽ của bà không chỉ giản đơn là thử sức mà còn gặt hái nhiều thành tích đáng nể. Barbra góp mặt trong khoảng 30 bộ phim. Bộ phim “Yentl” (1983) do bà vừa sản xuất, đạo diễn, viết kịch bản và đảm trách một vai cũng đã nhận được 5 đề cử Oscar và được đạo diễn Steven Spielberg đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Bộ phim đã mang về cho bà giải thưởng Quả cầu vàng dành cho đạo diễn xuất sắc nhất năm 1984. Không những thế, bà còn là chủ nhân của 2 giải Oscar, 5 giải Emmy và nhiều giải thưởng truyền hình danh giá khác.
Nổi danh từ những năm 60 của thế kỷ trước, Barbra Streisand đến nay vẫn là tượng đài trong lòng công chúng.
“Tôi không thích biểu diễn”
Trong mắt nhiều người, Barbra là người phụ nữ hài hước và hòa đồng nhưng thực tế, bà phải vật lộn với chứng sợ hãi đám đông. Giọng ca huyền thoại từng thú nhận rất rụt rè mỗi lần xuất hiện trước khán giả, và chính vì thế, mỗi lần biểu diễn, bà đều yêu cầu sân khấu tắt đèn càng tối càng tốt.
Ít ai biết, Barbra Streisand bắt đầu sử dụng máy nhắc thoại từ năm 1976 sau một sự cố quên lời ca khúc khi đang trình diễn tại Central Park. Nữ ca sĩ đã phải dừng biểu diễn trực tiếp trong suốt 3 thập kỷ chỉ vì bị ám ảnh nỗi sợ việc tương tự sẽ lại xảy ra. Barbra từng tâm sự với “bà trùm truyền thông Mỹ” Oprah Winfrey: “Tôi rất xấu hổ. Tôi không thích biểu diễn. Tôi không bao giờ có thể biểu diễn trong một căn phòng có nhiều người. Tôi không làm được… việc nhìn thấy mặt những người khác”. Thậm chí, bà đã phải dùng những liệu pháp chữa trị chứng căng thẳng để chữa căn bệnh sợ sân khấu của mình.
Khi ở tuổi 70, bà mới giải thích lí do không xuất hiện nhiều trước công chúng: “Tôi rất thích ở nhà và làm những công việc khác, như xây sửa và trang trí nhà cửa. Tôi sẽ hát khi cần. Tôi hát trong phòng thu nhưng tôi không thích các màn trình diễn trước công chúng bởi lúc đó tôi phải trang điểm, phải đi giày cao gót… Đó chính là lý do tôi thích làm công việc đạo diễn và thu âm hơn” .
Dù chăm chỉ ra mắt album mới, nhưng sân khấu chưa bao giờ là nơi chốn bà thiết tha. Thật không dễ dàng để đối diện với nỗi sợ hãi của mình. Chính vì vậy mà các buổi biểu diễn của Barbra Streisand được coi là thuộc loại “quý hiếm” và giá luôn ở mức cao ngất ngưởng. Nhưng Barbra từng nhận lời tham gia biểu diễn trong bữa tiệc gây quỹ từ thiện giúp Barack Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2008. Hay những năm gần đây, công chúng có thể gặp mặt bà thường xuyên hơn trong các tour diễn mà lí do bao giờ cũng là để gây quỹ từ thiện. Và chừng ấy năm trôi qua công chúng vẫn say mê “người đàn bà vui vẻ ca hát và diễn xuất” không chỉ vì tài năng mà còn bởi tấm lòng ấm áp của bà.