Bảo tàng “khủng” và câu chuyện niềm tin


Mô hình BTLSQG mới.

Chỉ riêng đề xuất chi phí xây dựng BTLSQG mới đã lên tới 500 triệu USD (chưa kể phần trưng bày), trong khi Quai Branly, bảo tàng hiện đại bậc nhất nằm ở trung tâm thủ đô Paris (cách tháp Eiffel chỉ 100m) có tổng chi phí là 230 triệu Euro (khoảng 400 triệu USD). Ngay năm đầu tiên mở cửa (2006), Quai Branly đã thu hút xấp xỉ 1 triệu khách thăm qua, 2 năm sau đó thì có lượng người xem tăng lên gấp rưỡi.

Kinh phí dành cho BT Văn minh cổ Ai Cập (sẽ khánh thành năm 2013) là 550 triệu USD. Trong khi đó BT Tin tức (Mỹ) cũng chỉ ngốn mất 450 triệu USD. Bảo tàng Quốc gia Úc đặt tại thủ đô Canberra với 4,9 triệu khách thăm quan năm 2011 cũng chỉ mất 155,4 triệu USD. Bảo tàng khoa học Miami chuẩn bị mở cửa vào năm sau có kinh phí 220 triệu USD.

Đưa ra một vài con số như vậy để thấy BTLSQG mới của Việt Nam cũng không hề kém cạnh ở góc độ đầu tư. Tuy nhiên con số đề xuất lên tới trên 11.000 tỉ đồng (trên 500 triệu USD) dành cho công trình bảo tàng đầy tham vọng này vẫn chưa phải là con số cuối cùng bởi đó chỉ là khoản kinh phí dành cho cái “vỏ” mà chưa hề có kinh phí cho phần “ruột”.

Cách đây 2 năm, khi Bảo tàng Hà Nội được khánh thành, nhiều người đã choáng váng vì mức độ đầu tư dành cho nó khi chỉ riêng phần tòa nhà đã trên 2200 tỷ (khoảng 100 triệu USD). Tuy nhiên, công trình bảo tàng hoành tráng này đến nay vẫn chưa trưng bày chính thức, hiện vật ít và người tham quan thì thưa thớt. Sau 1 năm rưỡi khánh thành mà Bảo tàng Hà Nội chỉ có chưa đầy 150.000 khách.

Lễ cưới được tổ chức vào trưa ngày 8/4/2012 bên hông trái của Bảo tàng Hà Nội nhìn từ lối vào. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Bảo tàng Hà Nội được coi là bài học đau đớn của việc chỉ lo xây cho được cái vỏ hoành tráng, chỉ tính đến chuyện thiết kế sao cho đẹp mà không tính đến nội dung trong khi nguyên tắc phải là: Xây tòa nhà và xây dựng nội dung trưng bày phải chạy song song với nhau. Trường hợp của Bảo tàng Hà Nội cùng thực trạng thưa khách của rất nhiều bảo tàng chính là điều mà công chúng lo ngại khi dự án BTLSQG được công bố.

Trên Vietnamnet, trong top 10 Phản hồi nhiều nhất trong tuần qua thì có đến 3 bài thuộc lĩnh vực bảo tàng. Phần đông độc giả cho rằng thời điểm này, khi xã hội còn có nhiều vấn đề phải ưu tiên mà xây bảo tàng là không hợp lý. Thêm nữa, số tiền 11.000 tỉ là quá nhiều và ai sẽ đảm bảo rằng với số tiền lớn như thế thì BTLSQG có hút khách hay không? Đã có nhiều kiến nghị rằng việc cần làm bây giờ là hãy tập trung lo cho các bảo tàng đã có hấp dẫn công chúng trước trước khi tính đến việc xây bảo tàng mới.

Bảo tàng Quai Baindly (Paris).

Trong khi đó, 10 năm trước khi khánh thành Bảo tàng Quai Baindly (Paris) người ta đã xây dựng được toàn bộ tiến độ của từng tháng, từng quý, từng năm. Họ có 1 giai đoạn tiền chuẩn bị, xây các quan niệm thiết lập nội dung cho BT này thế nào để từ đó họ có thể nhìn thấy BT tương lai. Hoặc như BT Văn minh cổ Ai Cập, 10 năm trước khi tuyển lựa phương án kiến trúc thì họ đã xong toàn bộ quan niệm để công chúng có thể hình dung chi tiết về tương lai của nó.

Trả lời phỏng vấn VietNamNet, TS Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) kiêm Phó trưởng ban xây dựng nội dung và hình thức trưng bày cho hay nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án và cuối năm nay bắt đầu khởi công thì đến 2016 mới xong phần xây dựng. Sau đó phải mất thêm 2 năm nữa để làm nội dung trưng bày trước khi đưa vào khai thác. Mà thời gian 2 năm dành cho việc trưng bày nội dung mới chỉ là dự kiến và ước chừng bởi thực tế có thể kéo dài hơn.

Vậy là cũng giống như đa phần những bảo tàng trước đó, BTLSQG cũng chỉ đưa ra được phương án kiến trúc và một con số chi phí “khủng” mà chưa chuẩn bị được nội dung, chưa biết sẽ trưng bày gì trong cái vỏ khổng lồ mà riêng tòa nhà chính đã có diện tích lên tới trên 20.000m2.

Chưa có phương án trưng bày, vậy có gì đảm bảo rằng BTLSQG sẽ không tiếp tục là một bảo tàng có vỏ mà không có ruột giống như Bảo tàng Hà Nội? Điều gì đảm bảo BTLSQG mới khi hoàn thành sẽ thu hút đông người xem và không rơi vào tình cảnh vắng như chùa Bà Đanh giống đa số các bảo tàng hiện có khác? Dư luận có cơ sở và quyền để đặt ra những câu hỏi như vậy.

Có một công trình bảo tàng tầm cỡ quốc gia là mong ước của nhiều người và là một yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, làm thế nào để cái bảo tàng hoành tráng đó vận hành hiệu quả, thu hút người xem và xứng với số tiền đã bỏ ra mới là điều quan trọng nhất.

Theo Vietnamnet


From the same category