Steph Geddes, một chuyên gia dinh dưỡng Australia, đã đưa ra lời khuyên về việc bảo quản các thực phẩm hàng ngày như gia vị, các loại hạt, bột mỳ, bơ lạc…
Steph Geddes, một chuyên gia dinh dưỡng Australia, đã đưa ra lời khuyên về việc bảo quản các thực phẩm hàng ngày như gia vị, các loại hạt, bột mỳ, bơ lạc, loại nào nên lưu trữ trong tủ lạnh, loại nào chỉ cần để trong tủ bếp.
Theo Steph Geddes, những loại thực phẩm nhanh héo nên được giữ trong tủ lạnh. Còn những loại khô có thể để bên ngoài, nhưng thời gian có thể sẽ không lâu như bạn tưởng.
Các loại rau lá xanh, súp lơ, dưa chuột, đỗ xanh và cải bắp nên bảo quản trong ngăn rau của tủ lạnh bởi chúng sẽ nhanh chóng trở nên héo và chảy nước.
Ngược lại, các loại củ như khoai lang, khoai tây và bí ngô có thể để trong chạn bếp, hoặc đặt ở những chỗ râm mát khác như gầm giường, gầm ghế, gầm tủ.
Các loại quả mọng và nho nên được bảo quản trong tủ lạnh, trong khi chuối, dưa và các loại cam, quýt có thể sắp xếp vào một chiếc âu đặt trên mặt bàn, vừa tiện cho việc thưởng thức vừa mang lại vẻ đẹp cho phòng bếp của bạn.
Những loại quả như táo, lê và cam có thể để trong tủ lạnh hoặc để bên ngoài. Nhưng nếu cất chúng trong tủ lạnh, bạn phải xếp cho chúng xa các loại rau, bởi hoa quả sản sinh ra ethylene khiến rau củ héo và thối, hỏng nhanh hơn.
Với các loại quả nhanh chín như quả bơ hay lê, hãy bảo quản trong tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng. Với những loại quả đã cắt hay bổ ra, dù là quả gì, bạn cũng phải cất chúng trong tủ lạnh.
Đặc biệt, với những loại quả gia vị như ớt, cà chua thường bảo quản trong tủ lạnh lâu hơn các loại quả bình thường khác, trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản, mọi người cần rửa sạch, loại bỏ những quả tì vết, ấn lõm mềm, không cứng và có dấu hiệu thối hỏng; sau đó, cho vào một túi đóng kín, buộc lại và cho vào ngăn rau củ.
Việc bảo quản các loại hạt tùy thuộc vào tốc độ bạn tiêu thụ chúng.
Nếu bạn sẽ ăn hết chúng trong vòng 1-2 tuần, thì chỉ cần bảo quản chúng trong một hộp kín, để trong phòng. Nhưng nếu lâu hơn, bạn cần cất chúng trong tủ lạnh. Hạt, nhất là những loạt hạt có chứa dầu như hạnh nhân, óc chó, hướng dương, sẽ dễ bị hôi dầu nếu để bên ngoài quá lâu, đặc biệt trong môi trường ẩm ướt.
Điều này đặc biệt cần được áp dụng đối với các loại hạt đã xay thành bột như hạnh nhân, hạt thông, bởi chúng sẽ nhanh chóng oxy hóa hơn các loại hạt khác.
Mù tạt, dầu dấm và sốt cà chua đã mở nắp thì nên được bảo quản trong tủ lạnh để tối đa hóa thời gian sử dụng, trừ phi bạn ăn hết chúng trong vòng 2 tuần.
Các loại đồ gia vị này sẽ duy trì được hương vị tốt nhất trong vòng 2 tuần sau khi mở, sau đó bạn cần phải đặt chúng vào tủ lạnh để tiếp tục đảm bảo chất lượng.
Nhưng nguyên tắc này không áp dụng đối với các loại dầu.
“Dầu ôliu nguyên chất luôn phải đặt ở một nơi tối mà mát mẻ, như phòng đựng thức ăn, và lý tưởng nhất là phải được tiêu thụ trong vòng 4-6 tuần sau khi mở.
Bạn nên mua những chai dầu ôliu nhỏ và thay thế thường xuyên thay vì một chai lớn, để tránh dầu biến chất trước khi được sử dụng hết.
Các loại gia vị nên được lưu trữ tại một nơi mát mẻ như phòng chứa thức ăn, tránh xa hơi nóng của lò bếp. Các loại gia vị nghiền nhỏ như hạt tiêu, ớt bột cần được thay thế 6 tháng một lần.
Các loại thảo mộc thân gỗ như húng tây và hương thảo cần được giữ khô trong tủ lạnh. Các loại rau mùi, mùi tây, hẹ và lá thơm có thể bọc khăn ẩm cất trong tủ lạnh hoặc cắm vào 1 lọ nước thủy tinh để trong tủ lạnh để tươi lâu hơn.
Những người hay tập thể dục cần bổ sung protein có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những thực phẩm có chứa “enzyme tiêu hóa” cần được bảo quản trong tủ lạnh.
Enzyme tiêu hóa sẽ không hoạt động ở nhiệt độ ấm và chúng cần thiết để tiêu hóa các loại protein cô lập trong bột.