Bao giờ điện ảnh Việt mới có “talent agent” thực thụ?

talent-agent-trong-dien-anh-2

1. Khái niệm “Talent Agent”

Talent agent (T.A) – tạm dịch là “người đại diện tài năng” hay “người đại diện nghệ sĩ” – là một nghề đã có từ lâu đời và rất phổ biến ở những nước có ngành truyền thông giải trí phát triển. T.A mở rộng ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh giải trí và truyền thông, từ diễn viên, tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, người mẫu, MC, nhà sản xuất, vận động viên, nhà văn, cho đến nhà báo…

T.A tham gia bảo vệ, hỗ trợ và làm mọi thứ để thúc đẩy quyền lợi của thân chủ mình. T.A giỏi cũng phải là một chuyên gia tâm lý, thậm chí thân thiết gần gũi với thân chủ còn hơn cả gia đình mình. Họ phải có kiến thức và cực kỳ nhạy bén để biết những loại công việc nào thân chủ họ có thể và không thể làm. Nếu hai bên cảm thấy hợp tác không hiệu quả, tài năng đó có thể thương lượng chấm dứt hoặc hủy hợp đồng để tìm đến một T.A khác.

2. “Trong nhờ, đục chịu”

Mối quan hệ giữa T.A và các tài năng dựa trên thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Trên thế giới đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện “một bước thành sao” hay “sai một ly đi một dặm” của biết bao ngôi sao điện ảnh và T.A. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ.

Đầu thập niên 1980, sự nghiệp điện ảnh của Arnold Schwarzenegger bắt đầu cất cánh với nhân vật anh hùng cơ bắp Conan sau hàng loạt những vai làng nhàng trước đó. Khi đạo diễn James Cameron (lúc đó là một kẻ vô danh) tiếp cận mời Arnold đóng “Kẻ hủy diệt” (The Terminator), T.A của Arnold lúc đó đã từ chối thẳng với lý do sự nghiệp đang lên của Arnold sẽ bị thiêu rụi ngay lập tức nếu anh nhận lời đóng vai một gã người máy giết người hàng loạt trong bộ phim của một đạo diễn vô danh. Tuy nhiên, Arnold lại rất muốn đóng vai này vì cho rằng sau 2 phim làm người hùng, thì anh muốn thử sức ở một vai phản diện để chứng tỏ tài năng của mình không phụ thuộc vào cơ bắp. Thêm nữa, James Cameron cũng khẳng định với Arnold rằng đây là lần đầu tiên ở Hollywood có một phim mà vai chính là một kẻ xấu. Tức giận trước quyết định của Arnold, T.A đã hủy hợp đồng với Arnold. Và như bạn biết, những gì diễn ra sau bộ phim “The Terminator” đã đi vào lịch sử!

Trường hợp T.A và ngôi sao điện ảnh Thư Kỳ cũng là một ca điển hình. Cuối thập niên 1990, Thư Kỳ được đạo diễn Lý An chọn đóng vai chính Ngọc Kiều Long trong “Ngọa hổ tàng long”. Cô đã đo trang phục và lao vào tập luyện võ thuật. Tuy nhiên, trước thời gian bấm máy không lâu, T.A của Thư Kỳ rỉ tai với cô rằng nên kiếm cớ bỏ phim để sang Nhật quay quảng cáo; chỉ có vài ngày, nhưng tiền thù thì lớn gấp nhiều lần vai diễn Ngọc Kiều Long, trong khi quay phim thì phải mất cả nửa năm trời cực khổ. Nghe cũng bùi tai, Thư Kỳ đã viện cớ bỏ vai khiến đoàn phim phải lao đao tìm người thay thế. Sau này, khi chứng kiến Chương Tử Di tung hoành ngang dọc trên màn ảnh, một bước từ vô danh trở thành ngôi sao quốc tế với vai Ngọc Kiều Long mà cô bỏ lại, Thư Kỳ đã điên tiết sa thải T.A của mình.

Mối quan hệ giữa siêu sao Tom Cruise và T.A của anh – Paula Wagner chính là một “happy ending” của làng giải trí thế giới. Trong suốt 15 năm, Paula Wagner đã tận tâm hết lòng để biến một chàng trai ngây ngô không ai biết đến thành một ngôi sao hạng A ở Hollywood. Để trả ơn Paula, giữa thập niên 1990, Tom quyết định thành lập hãng phim riêng và đề nghị Paula đứng tên chung. Tháng 9/1993, hãng phim độc lập Cruise/Wagner Productions ra đời, và đến nay, sau ¼ thế kỷ, Cruise/Wagner Productions vẫn là một trong những hãng phim độc lập thành công nhất thế giới. Những bộ phim họ sản xuất từ đó đến nay đã mang lại doanh thu gần 3 tỷ USD.

paula-wagner-tom-cruise
Tài tử Tom Cruise có được vị trí ngày hôm nay chính nhờ T.A của mình – bà Paula Wagner. Tính đến nay, họ đã đi cùng nhau 15 năm và có chung một hãng phim độc lập mang tên cả hai: Cruise/Wagner Productions

3. “Talent Agent” ở Việt Nam

Ở Việt Nam, T.A mới bắt đầu phát triển từ đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, sau gần 30 năm, khái niệm này chỉ quanh quẩn ở 2 lĩnh vực âm nhạc và thời trang. 10 năm trở lại đây, điện ảnh Việt đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở, lượng rạp mới được xây liên tục, tỷ lệ thuận với nó là số lượng phim nội địa sản xuất hàng năm tăng trưởng đến chóng mặt. Nhưng đội ngũ diễn viên thì lại tỷ lệ nghịch với số lượng phim, quanh đi quẩn lại cũng từng ấy gương mặt đóng từ phim này sang phim khác.

Những gương mặt mới được các hãng phim đua nhau tìm kiếm. Cũng có người cho thấy tiềm năng ngay ở phim đầu tiên, còn lại, rất ít gương mặt đọng lại trong khán giả. Sáng phim trước, tối phim sau rồi mất hút luôn là việc xảy ra thường xuyên nhiều năm gần đây. Lúc ấy mới thấy vai trò của T.A trong điện ảnh quan trọng thế nào.

T.A ở nước ta phần lớn là những cá nhân tự phát, bạn bè người thân trong gia đình, hoặc những tổ chức được thành lập để quản lý các diễn viên. Điều đáng nói là 90% những T.A kiểu này đều thiếu trầm trọng hiểu biết về điện ảnh, độ nhạy cảm với dự án và định hướng nghề nghiệp cho thân chủ.

Điều tệ nhất là họ không hề chủ động nghe ngóng, “đánh hơi” xem thị trường có dự án phim nào mới, có vai diễn nào phù hợp với thân chủ mình không… mà chỉ ngồi một chỗ chờ sung rụng, xem có ai gõ cửa thì “làm trò” đọc kịch bản rồi đưa ra yêu sách.

Điều tệ thứ hai là sự kém nhạy bén với thị trường, khi các T.A ở Việt Nam huyễn hoặc và định giá quá cao thân chủ của mình, “kén cá chọn canh” trong khi trình độ thẩm định kịch bản và vai diễn không có, dẫn đến việc tước mất cơ hội của thân chủ.

Không ít nhà sản xuất và đạo diễn Việt Nam đã lập tức đổi ý khi biết diễn viên mà họ muốn mời có người quản lý. Cũng có người nói thẳng với diễn viên đến casting: “Tôi chỉ muốn làm việc và thỏa thuận trực tiếp chứ không muốn thông qua quản lý”. Không phải những nhà làm phim không muốn làm đúng, vì T.A là xu thế của thế giới xưa nay rồi, nhưng ở Việt Nam, cứ đụng đến T.A, chỉ toàn mang lại sự bực mình.

Thị trường điện ảnh Việt đang nhiều triển vọng, đà phát triển ở mức hàng đầu khu vực, đội ngũ T.A chuyên nghiệp cần được hình thành để bắt kịp trào lưu. Đừng để các tài năng phải chết yểu vì nhận định kém nhạy bén của các T.A nghiệp dư!

 


From the same category