Nếu coi câu chuyện tốc độ gia tăng giá cả tiêu dùng năm nay là “bão giá”, thì những gì diễn ra trong các năm trước mới ở tầm “áp thấp nhiệt đới”. Cơn “bão” này khiến cho nhiều người nghèo đi, ăn ít hơn, chi tiêu dè sẻn hơn, và vô tình “xô đẩy” không ít người trở lại với cái văn hóa và nếp sống tưởng chừng đã bị lịch sử bỏ lại mấy mươi năm qua.
“Bão” tới văn phòng
Mấy tháng nay, Hằng và các chị em trong văn phòng một công ty trên phố Kim Mã (Hà Nội) không còn giữ thói quen gọi cơm hộp và đi ăn ở ngoài trong bữa trưa. Nhóm của Hằng góp tiền mua một chiếc nồi cơm điện, và thực hiện đúng theo nghĩa đen của câu thành ngữ “góp gạo thổi cơm chung”; thức ăn thì ai nấy tự túc.
“Mỗi người một khẩu vị nên cũng hơi khó nấu chung đồ ăn, trừ cơm; với lại, văn phòng thì nhỏ, không có bếp riêng, nên có xào nấu gì cũng hơi bất tiện, bọn em mang đồ ăn chuẩn bị sẵn ở nhà”, Hằng cho biết. Sở dĩ Hằng và các bạn không ăn cơm hàng, cơm hộp nữa vì cả hai lý do: cơm đắt hơn, và dở hơn – có lẽ vẫn do chữ “giá”.
Nhiều nhân viên văn phòng (đại đa số là nữ) chọn cách tương tự của Hằng và nhóm bạn để lo cho những bữa trưa chớp nhoáng khi không có điều kiện về nhà. “Giá cả leo thang vùn vụt, mà tiền lương của chúng em một năm mới được nâng lên một lần, mỗi lần chỉ độ 10-20%.
Phụ cấp ăn trưa thì cả năm nay vẫn không thay đổi: 10.000đ/ngày, làm sao đủ khi mà cơm hộp “bèo” nhất cũng đã 12.000đ/suất, còn cơm văn phòng ở tiệm thì gấp đôi gấp ba số đó là chuyện thường”, Hương than thở. Vậy là hành trang công sở của những cô nàng như Hương, ngoài tài liệu, túi xách, nay có thêm chiếc cặp lồng đựng cơm và thức ăn được nấu sẵn từ sáng sớm tại nhà. “Không ngon bằng vừa mới nấu, nhưng còn đỡ xót ruột hơn là ăn bữa cơm tốn gấp ba lần phụ cấp ăn trưa”, Hương nói về thói quen mới của cô.
Chủ đề bữa ăn cũng đi vào câu chuyện tán gẫu của dân văn phòng, và vô tình, cái khó khăn chung đẩy người ta lại gần nhau hơn. Văn phòng công ty nơi Hạnh làm là một tòa nhà lớn, và ông sếp người Nhật không cho phép nhân viên ăn uống trong văn phòng, nên ý tưởng “cặp lồng” lập tức bị xóa bỏ.
Các chị em bàn nhau tìm được quán cơm bình dân gần công ty nhất, gọi đồ ăn chung và chia đều tiền trả. Hạnh hân hoan về “phát kiến” mới của nhóm: “Tính ra thì mỗi người chỉ phải mất độ 12.000 – 15.000đ/bữa, rẻ hơn hẳn cơm văn phòng cạnh cơ quan”. Nhưng tất cả sẽ phải chào thua “phát kiến” và lòng dũng cảm của Hà, đồng nghiệp cùng cơ quan với Hạnh: đem bánh giò (có hôm thì là bún đậu, bánh mì) vào WC để ăn sáng!
Ngoài chuyện liên quan tới việc công dân văn phòng phải giải quyết nghĩa vụ với dạ dày, thì cơn bão giá cũng cuốn mất nhiều thói quen tốn kém, như “shopping” hoặc sinh hoạt tập thể. Bên cạnh câu chuyện tìm địa chỉ mua hàng đẹp, mốt, sành điệu; nay có thêm một ràng buộc dễ hiểu: rẻ. Có cầu thì lại có cung, và những “shop” chui tận ngõ ngách, hoặc tầng (áp) chót khu tập thể có điều kiện ra đời, phục vụ khách hàng đại đa số là dân văn phòng và sinh viên.
Những gương mặt ngơ ngác kiếm tìm, những khoảng không nhỏ hẹp được tận dụng… đều gợi lại một thời buôn vụng bán trộm hẳn nhiều người còn nhớ.
“Bão” về tận nhà
Giá lương thực, thực phẩm là những chỉ tiêu đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng giá tiêu dùng, nên hầu như nói đến “bão giá” là người ta nghĩ ngay tới chuyện ăn uống. Những tưởng thời của muối vừng – muối lạc, ruốc thịt đã đi vào dĩ vãng hoặc chỉ dành cho số ít người còn giữ thói quen, thì nay, chúng lại trở thành một “vũ khí” được tận dụng để chống lại cơn “bão giá” đang hoành hành.
Từ ngày quán phở đầu ngõ tăng giá từ 10.000đ lên 15.000đ/tô, và hàng bún mọc dọc mùng cũng hưởng ứng bằng cách đẩy giá lên 17.000đ/tô thì Dương bỏ hẳn thói quen ăn sáng phở – bún bấy lâu, và quay về với muối vừng, ruốc thịt ăn với cơm cho… chắc dạ.
Tôi không phải đi chợ, nhưng tôi hiểu được cái khó của những bà nội trợ khi phải lo bữa cơm gia đình với một ngân sách cho sẵn (không đổi) trong khi giá cả biến động theo ngày. “Hôm nay ăn gì?” là một câu hỏi không dễ giải đáp. Người Việt vẫn dành từ 30-60% thu nhập cho ăn uống (lương thực thực phẩm), cho nên chỉ cần nhìn vào bàn/mâm cơm, là biết được thu nhập thực tế (có tính tới mức độ trượt giá đồng tiền) đang biến động như thế nào.
Những gia đình có mức thu nhập tốt đương nhiên sẽ không dễ chấp nhận một thay đổi đáng kể nào trong chất lượng bữa ăn, nhưng rõ ràng là câu chuyện chi tiêu cho ăn uống khó có thể làm cho họ vui vẻ khi đề cập đến.
Cơn “bão giá” còn cuốn theo những ảnh hưởng theo kiểu dư chấn sau động đất. Nếu vợ chồng trẻ phải thuê nhà, thì khoản tiền thuê rất dễ sẽ bị đội lên. Chi phí cho đi lại (xăng dầu), chi phí cho con trẻ (sữa, thuốc, học phí, sinh hoạt ngoại khóa…) cũng là phép tính đau đầu. Cưới xin có thể vừa là niềm vui, vừa là “cơn ác mộng” với người được mời, vì cái thời đi ăn cưới với phong bì mừng 100.000đ đã xa lắm rồi.
“Bão giá” không đơn giản chỉ cuốn mất giá trị đồng tiền trong túi mỗi người, mà nó còn khiến con người phải chạy theo nó, điều chỉnh cuộc sống theo nó, và dĩ nhiên là rất vất vả.
Tránh đâu?
Tôi đem câu chuyện tiền lương và phụ cấp ăn trưa của nhân viên công ty nọ để trò chuyện với chính giám đốc của công ty đó, anh giám đốc này phân trần: “Tôi biết tình cảnh khó khăn của nhân viên lắm chứ, nhưng không chỉ có họ gặp khó, bản thân doanh nghiệp cũng đâu thoát.
Thời buổi làm ăn khó khăn, các đơn vị đều tiết kiệm tối đa, nên doanh thu của công ty không được khả quan như trước, nhưng tôi không thể giảm lương của nhân viên được. Vậy nên rất khó để nói chuyện tăng lương, tăng phụ cấp lúc này. Tôi biết nhiều công ty mới năm ngoái thôi còn làm ăn phát đạt, năm nay đã sa thải hàng loạt nhân sự”.
Trong điều kiện đó, những người làm công ăn lương sẽ phải phát huy khả năng “tự bảo vệ” mình trước cơn “bão giá”, nhất là khi nó đang có cơ “giật” với cấp cao hơn vào thời điểm gần cuối năm. Tìm cách gia tăng thu nhập và kiểm soát chi tiêu là biện pháp có thể áp dụng cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân. Đã tới thời điểm mà nhiều người trong chúng ta có cơ hội học được cách nói “Không!” với nhiều thói quen tiêu dùng vốn không thể trả lời thỏa đáng cho câu hỏi “Để làm gì?” – tức là có cần thiết hay không.
Nếu thấy khó khăn để tìm lời giải đáp, bạn có thể học cách làm của kế toán: vạch một đường kẻ dọc chia trang giấy làm hai phần, một bên ghi cái được, một bên ghi cái mất cho một quyết định chi tiêu, cân đối hai cột được – mất sẽ cho ra gợi ý tốt nhất.