DepPodcast Banner 970x250

Báo động đỏ về tình trạng giết hại động vật hoang dã trên thế giới

Cảnh báo trên được đưa ra trong báo cáo “Hành tinh sống” được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố ngày 30/10.

Theo báo cáo trên, trong giai đoạn 1970-2014, số lượng động vật có xương sống gồm các loài chim, cá, bò sát, động vật lưỡng cư và động vật có vú trên thế giới đã giảm mạnh – khoảng 60%. Trong số này, các loài động vật sống ở môi trường nước ngọt giảm mạnh nhất (80%).

Xét về địa lý, khu vực Trung và Nam Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi với số động vật hoang dã năm 2014 giảm tới 89% so với năm 1970.

Kể từ năm 1950, các loài trên Trái Đất đã “tiêu thụ” 6 tỷ tấn cá, trai sò, mực ống và nhiều sinh vật biển có thể ăn được khác. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã “tiêu diệt” 50% số diện tích rạn san hô ở tầng nước nông trên thế giới, vốn hỗ trợ hơn 25% số sinh vật biển.

ttxvn_3010te_giac
Chú tê giác trắng Sudan tại khu bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya ngày 28/4/2016. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngay cả khi con người có thể kiểm soát và không bước qua “giới hạn đỏ” về biến đổi khí hậu – giữ nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức 1,5 độ C – vẫn có nguy cơ 70-90% số diện tích san hô sẽ chết.

Trong hơn 50 năm qua, rừng đước ven biển, vốn là “lá chắn” cho đất liền trước những cơn bão và sóng biển dâng cao đã giảm tới 50%.

Báo cáo cũng cho thấy tình trạng phá rừng, chủ yếu để trồng trọt, canh tác, tiếp tục gia tăng.

Từ năm 2000-2014, thế giới đã mất đi 920.000km2 diện tích rừng, xấp xỉ tổng diện tích của ba nước Pakistan, Pháp và Đức.

Dữ liệu vệ tinh thể hiện xu hướng diện tích rừng bị chặt phá từ năm 2014-2016 tăng 20% so với 15 năm trước đó. Gần 20% diện tích rừng Amazon lớn nhất thế giới đã bị “xóa sổ” trong 50 năm qua.

Kết quả trên được đưa ra dựa trên Chỉ số Hành tinh sống của WWF theo dõi hơn 4.000 loài thuộc gần 17.000 quần thể sinh sống khắp nơi trên thế giới.

Chỉ số đánh giá nguy cơ tuyệt chủng đối với 5 nhóm chính gồm các loài chim, động vật lưỡng cư, san hô và cây mè cho thấy tốc độ các loài này biến mất gia tăng chóng mặt.

Tùy thuộc vào từng loại, nguy cơ các loài bị tuyệt chủng hiện lớn hơn từ 100-1.000 lần so với chỉ cách đây vài thế kỷ, khi hoạt động của con người bắt đầu làm thay đổi sinh quyển.

Theo định nghĩa, điều này có nghĩa là Trái Đất đã bước vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu trong 500 triệu năm.

Giới chuyên gia đã liệt kê ra các nguyên nhân. Thứ nhất, con người đã phá vỡ hai “vành đai hành tinh,” đó là sự suy giảm các loài và sự mất cân bằng các vòng tuần hoàn tự nhiên của Trái Đất chủ yếu do lạm dụng phân bón hóa học.

Tiếp đến là tình trạng biến đổi khí hậu và thoái hóa đất, đại dương bị axit hóa, ô nhiễm hóa chất, kim loại nặng… Ngoài ra, dân số thế giới quá lớn kéo theo gia tăng mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm, và các vấn đề khác….

Tổng Giám đốc WWF Marco Lambertini cảnh báo nếu con người không nỗ lực, tình hình hiện nay sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận cần thay đổi trong bối cảnh con người đang đối mặt với mức độ ảnh hưởng lớn chưa từng thấy.

Ông Lambertini cho rằng cần một thỏa thuận toàn cầu mới vì thiên nhiên, lưu ý đến hai điểm then chốt trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Một là thừa nhận biến đổi khí hậu là mối nguy đối với kinh tế và xã hội chứ không chỉ ảnh hưởng đến loài gấu Bắc cực.

Loài người cần phải nâng cao nhận thức về những rủi ro, những mối đe dọa tiềm tàng khi thiên nhiên bị tàn phá.

Hai là đặt ra mục tiêu cụ thể – giới hạn mức tăng trung bình nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 ở phạm vi từ 1,5-2 độ C.


From the same category