Bảo Chấn: Tôi vẫn còn nằm mơ thấy nhạc - Tạp chí Đẹp

Bảo Chấn: Tôi vẫn còn nằm mơ thấy nhạc

Giải Trí

Cà phê thơm và đắng, nụ cười hiền hậu và bao dung, khi đối diện tôi, Bảo Chấn đã xóa tan đi dự cảm lo lắng ban đầu, đến độ tôi phải ngỡ ngàng tự hỏi: “Một người dễ thương như thế này, mà ai nỡ làm đau?”. Và, tình cờ đến thảng thốt khi tiệm cà phê hôm ấy, người ta mở toàn nhạc của… thời Bảo Chấn. Có lẽ bởi cơ duyên ấy mà câu chuyện trở nên cởi mở và thanh thản…

 

“Tôi đã nằm dưới đáy lâu rồi…”

– Hơn 60 tuổi, vẫn ngược xuôi đi tỉnh với những kế hoạch nhạc mà nếu không phải dân trong nghề, sẽ ít biết về nó. Cuộc sống đã ổn định, danh tiếng đã từng, nhạc sĩ Bảo Chấn sao lại còn “đày đọa” mình như vậy?

– Ở tuổi tôi, người ta đã nghỉ ngơi hết rồi. Thế hệ chúng tôi cũng đã trở nên lạc lõng và không bắt kịp thời đại. Bây giờ, tôi thấy mình không còn hiểu được giới trẻ nữa, nhưng đó là quy luật, vậy thôi. Không còn biết viết cho ai, không tìm được tiếng nói chung, thì tôi chuyển sang làm việc khác, như dựng nhạc múa, viết nhạc phim…

Tôi vẫn đang cố gắng làm việc, để biết mình còn tồn tại. Và tôi cũng không bỏ được âm nhạc, bởi nó vẫn ở trong đầu, trong giấc mơ của tôi. Nhiều khi nửa đêm thức giấc, tôi ngồi bần thần suốt mấy tiếng đồng hồ vì một giai điệu nào đó trong giấc mơ. Đến tuổi này, tôi vẫn muốn khám phá xem mình là ai? Trong gia đình tôi, âm nhạc như cứu cánh. Bây giờ con cái lớn rồi, không còn nhiều sự liên thân với nhau, tôi cũng không thể trẻ hơn, nên muốn hiểu con thì chỉ bằng con đường âm nhạc. Hai cô con gái hay chơi nhạc, và gọi ba xuống chơi cho chúng nghe. Nhờ âm nhạc, khoảng cách giữa hai thế hệ được rút ngắn.

– Cho đến bây giờ, nhìn lại quãng đường đã qua trong âm nhạc, ông nghĩ mình được gì và mất gì?

– Sống trong môi trường âm nhạc, thú vị lắm, quan sát được mọi cái bi hài của cuộc sống. Âm nhạc giúp tôi giải quyết cuộc đời theo cách dễ nhất. Âm nhạc cũng đã mang đến cho tôi những người bạn, tri kỷ, những người ở bên cạnh tôi, dù cho khó khăn xảy đến.

– Chạm vào vết thương cũ là điều tàn nhẫn, nhưng tôi tin, trong lòng nhạc sĩ bây giờ đã đủ sự bình thản để nói về sự mất?

– (Im lặng và tư lự khá lâu) Nhiều khi tôi nghĩ, nếu không chọn con đường âm nhạc, thì đời tôi đã rẽ sang một trang khác rồi. Toàn bộ thời gian tuổi trẻ tôi đã dành cho âm nhạc và tôi không có gì phải hối hận.

Sóng gió năm 2002, tôi không xem đó là cái mất, mà là sự xui xẻo. Cái xui xẻo rơi xuống đời tôi, thì tôi phải chấp nhận nó. Tôi nghiệm ra,ở đời, dù mình có cống hiến nhiều cũng ít được nhớ lắm, nhưng khi mình bị “vết” gì đó, người ta sẽ nhớ suốt đời. Khi đó, tôi xác định, mình đang rơi vào một cuộc chơi, đã lỡ nhảy vô thì phải nhảy theo, họ đốn chân thì mình phải chịu, bởi đã là cuộc chơi thì phải chấp nhận.

Tôi có một triết lý: Ở đời, hãy là bức tường, để khi trái banh ném vào, nó sẽ bị dội lại. Còn nếu không thể là bức tường, hãy là bông gòn, để những cú đấm ít gây tổn hại cho mình nhất.

– Thưa nhạc sĩ, ông là bức tường hay bông gòn trong quãng thời gian khó khăn ấy?

– Đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao sự cố lại xảy ra đến với mình? Tôi chủ quan lắm, chưa bao giờ nghĩ mình có kẻ thù, vì từ nhỏ tới lớn, tôi có nói xấu ai đâu? Tôi cũng tự quan sát và thấy chưa bao giờ mình là người xấc xược, khiến ta ghét. Nhưng rồi tôi tự lý giải với mình: Tất cả con người trên đời này đều có mặt tốt và xấu. Nhiều người có thú vui thích gây căng thẳng cho người khác. Đừng để lọt vào trò chơi của người ta. Người ta đã đánh tôi nhiều roi rồi, nên đánh thêm roi nữa, cũng không tăng lên là mấy.

Sau này, có nhiều người tìm ra lý do để chứng minh thế này, thế kia, rồi nhiều nhà báo tìm đến tôi bằng cách này, cách khác, nhưng tôi đều từ chối. Anh đâm người ta một nhát, rồi sau đó anh chứng minh rằng nhát đâm đó là sai, thì có ích gì? Nhục mạ một con người là vấn đề không nhỏ, nhưng sẽ trở thành vô vị khi mình không quan trọng đến nó. Hồi đó, nhiều nhạc sĩ phản ứng bằng cách đòi trải chiếu trước tòa báo, đòi minh oan, chứ không họ sẽ tự tử, và có người không chịu được, đã tự kỷ. Khi ấy, tôi nghĩ, đời tôi đã nằm dưới đáy rồi, không còn cái gì thấp hơn được nữa. Tôi nằm dưới bùn, cũng không sao. Tôi chỉ nghĩ đến các con. Chúng có diện mạo, dòng họ, tội chúng… Khi ấy, ngày nào tôi cũng chơi đàn. Khi dời cây đàn từ tầng 3 xuống tầng 1 là lòng tôi đã thanh thản, vết thương đã lành.

– Xin nhạc sĩ thứ lỗi, nếu câu hỏi này có gì đụng chạm đến ông, nhưng có phải chính vết thương ngày cũ khiến ông có cảm giác có lỗi với gia đình, nên bây giờ ông ra sức làm việc để giữ gìn hình ảnh người cha trong mắt con cái?

– Thật sự là trong gia đình, không ai muốn tôi hoạt động nghệ thuật nữa. Điều đó, cũng chẳng có gì là lạ, bởi dưới góc nhìn của người bình thường, công việc của tôi vừa quá…, vừa không đem lại nhiều tiền. Ở tuổi này, tôi muốn gì thì có con cái lo lắng, nên chúng xót khi thấy tôi làm việc. Mỗi khi tôi tập trung sáng tác thì tầng 3 của tôi không ai lên xuống được. Hoạt động nghệ thuật của tôi cá biệt, khi nào muốn đi thì tôi chui ra khỏi cái ngách của mình, rong chơi. Đến khi chán, lại “chiêu hồi” gia đình (cười). Gia đình chưa bao giờ oán trách gì tôi. Vết thương trong gia đình tôi, giờ cũng đã lành rồi. Tôi ổn thì mọi người cũng ổn theo tôi.

 

“Có hào quang đâu mà níu giữ?”

– Là người góp phần đưa những tên tuổi Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Trần, Bằng Kiều lên bục danh vọng, rồi một ngày bị tước đi mọi thứ. Làm sao để từ bỏ vầng hào quang, dẫu biết nó đã trở thành “một thời đã cũ”?

– Tôi xem những ca sĩ mình dự phần vào kế hoạch âm nhạc của họ là những mầm cây. Nếu mình trồng đúng thì cây sẽ phát triển. Trồng hết đợt này thì trồng đợt khác, chứ ai lại trầm trồ mình bao giờ? Cũng làm gì có hào quang? Mình trồng được thì người khác cũng trồng được thôi.

– Vậy những “cây” ông đã trồng, vẫn ở bên khi nhạc sĩ gặp nạn chứ?

– Dĩ nhiên cũng có người này người kia, nhưng gần như 90% ca sĩ từng làm việc với tôi đều gọi điện thoại lo lắng, hỏi han. Nhưng tôi không nghe máy. Có lẽ, bởi vậy mà có người đồn tôi tự tử,…

Tôi nhớ, khi sự việc xảy ra, anh Trần Tiến rủ tôi ra Đà Nẵng chơi, lo lắng mọi thứ về tiền bạc, tinh thần. Anh nói: “Mày đừng quan trọng việc đó. Cứ như tao đây này, khi người ta nói về tao, tao nói, vâng, em xin rút kinh nghiệm. Vậy là xong”. Một đêm, hai anh em nhậu ở cầu quay Đà Nẵng, anh hỏi tôi: “Này! Thế rốt cuộc việc đó là như thế nào nhỉ?”. Tôi nghe mà chảy nước mắt. Có những người như vậy đó, họ chỉ cần biết mình gặp nạn, là đến ngay bên mình, ở bên cạnh mình. Chẳng cần biết sự việc như thế nào. Cho đến giờ, trong tôi, anh Trần Tiến luôn là người anh vĩ đại.

– Thật tình cờ khi hôm nay quán cà phê chúng ta ngồi lại mở nhạc thời của nhạc sĩ… Ông có thường nghe lại những bản nhạc của mình?

– Lâu rồi, tôi không chủ động nghe lại những bản nhạc của thời tôi. Thỉnh thoảng, chúng cứ vô tình rớt vô tai vậy đó. Khi thì hàng xóm mở, khi thì ngồi trên những chuyến xe đi xa. Khi bài hát cất lên, toàn bộ kỷ niệm của thời đó lại ùa về. Nhiều khi tôi không ngăn được xúc động, phải bốc điện thoại gọi cho người cả chục năm không gọi, khiến họ bất ngờ.

– Bây giờ, dường như nhạc sĩ lạc lõng với chính những người từng thuộc thời của mình?

– Nếu không có việc gì làm, tôi hay nghĩ ngợi về những gì đã qua. Tôi thích sự hồn nhiên, vui vẻ của thời đó. Bây giờ thì hết rồi. Cũng chẳng nên ngạc nhiên hay trách, hay ôm quá khứ làm gì. Mỗi thời một khác, mối bận tâm cũng khác. Làm nghệ sĩ, hãy xem quy luật thời gian là chuyện bình thường.

Bây giờ, khi không làm việc, tôi ở nhà đọc sách, bồi bổ văn hóa hồi xưa mình thiếu. Cuộc đời cũng như cuốn sách, cứ từ từ mà đọc, còn chờ đón xem có gì đang chờ mình nữa chứ…

Cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện. Xin chúc ông sức khỏe và những ngày bình yên!
Bài: Yến Linh – Ảnh: Đại Ngô
Theo f 

 

Thực hiện: depweb

09/08/2012, 14:51