Với tác dụng “kép” vừa tránh thai, vừa phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV/AIDS, mặt hàng bao cao su được khá nhiều người tin tưởng lựa chọn. Tuy vậy, theo số liệu thống kê có tới 85% số bao cao su được cung cấp qua thị trường tự do, trong đó hầu hết chưa được kiểm soát về chất lượng.
Thị trường bao cao su với nhiều loại đa dạng. (Ảnh: TTXVN)
Điều này đặt ra vấn đề cần phải quản lý chặt chẽ chất lượng bao cao su trên thị trường tự do nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Về việc nâng cao quản lý chất lượng bao cao su cũng như học hỏi mô hình quản lý thành công của các nước, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Keith Neroutsos – Giám đốc Bộ phận mua sắm, PATH toàn cầu để có cái nhìn tổng quan về những giải pháp quyết liệt Việt Nam cần tiến hành trong thời gian tới.
– Vâng, chắc chắn. Con số 26% bao cao su trên thị trường tự do ở Việt Nam không đạt chất lượng thực sự là một con số rất đáng báo động.
Nếu so sánh với các nước khác thì tỷ lệ này ở Việt Nam là cao, thậm chí cao gấp đôi so với một số quốc gia khác.
– Là một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng. Xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng bao cao su kém chất lượng “tràn lan” khá phổ biến trên thị trường Việt Nam như vậy?
– Ông Keith Neroutsos: Như chúng ta đã biết, trên thị trường có nhiều phân khúc thị trường và có những loại bao cao su giá rẻ có thể là sản phẩm không đạt chất lượng.
Vì vậy, để giải được bài toán về chất lượng trên, theo tôi, Chính phủ và các ban ngành có liên quan của Việt Nam phải có các biện pháp, cơ chế để đảm bảo những nhóm người sử dụng bao cao su có khả năng tiếp cận bao cao su có chất lượng vừa phải.
Với thị trường Việt Nam, cần tạo điều kiện cho những nhà sản xuất bao cao su trong nước và những nhà phân phối bao cao su có cơ hội tham gia vào việc phân phối và sản xuất bao cao su ở nhiều mức độ khác nhau như giá thấp, giá vừa phải hay giá cao. Đó cũng là cách để chúng ta tạo ra một thị trường bao cao su lành mạnh ở Việt Nam.
– Theo ông, để ngăn chặn, hạn chế sản phẩm bao cao su không đạt chuẩn gia tăng trên thị trường, Việt Nam cần có những giải pháp quyết liệt gì?
– Những giải pháp cần được triển khai đó cũng chính là công việc mà Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và tổ chức PATH thực hiện kéo dài trong 5 năm (từ tháng 4 năm 2014) cần phải thực hiện trong tương lai.
Dự án nhằm cải thiện môi trường để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia và đầu tư, tăng cầu đối với thị trường hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV và tạo cung để cung cấp hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận – nhằm mục đích cuối cùng là tạo một thị trường tăng trưởng vững mạnh cho mặt hàng bao cao su và các hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV khác; tăng sử dụng bao cao su và các hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV khác trong cộng đồng dân cư đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Tại Việt Nam, bao cao su thuộc hàng hóa sản phẩm thuộc nhóm 1 là những hàng triển khai trên tinh thần công bố chất lượng dựa trên tự nguyện của nhà sản xuất. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần xem xét để đưa mặt hàng này được đưa vào diện quản lý của nhóm hàng 2, quy định các nhà sản xuất phải tuân thủ theo quy định về công bố chất lượng đó thì công tác kiểm soát sẽ nghiêm ngặt hơn.
– Trên thế giới, cũng có nhiều nước ở trong tình trạng như Việt Nam mà họ đã khắc phục thành công. Ông có thể chia sẻ mô hình đã được áp dụng thành công ở nước nào về quản lý và nâng cao chất lượng của bao cao su mà Việt Nam có thể học hỏi?
– Như các bạn đã biết, Kenya cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng, tàn phá bởi HIV/AIDS trong giai đoạn từ năm 1999-2000 đã có khoảng 1,5 triệu người dân nước này bị chết vì HIV/AIDS.
Chương trình về phòng chống HIV/AIDS của Kenya do Bộ Y tế chủ trì trong đó có quy định bao cao su là một trong những biện pháp để giúp nước này thoát khỏi sự khủng hoảng, tàn phá của HIV/AIDS.
Họ đã xây dựng chiến lược quốc gia về chất lượng của bao cao su với mục tiêu tất cả các đơn vị có liên quan tại nước này cùng tham gia vào đảm bảo nâng cao khả năng tiếp cận của người dân tới bao cao su có chất lượng.
Thực ra việc xây dựng chiến lược quốc gia về bao cao su chỉ là một công cụ giúp người dân Kenya nâng cao chất lượng của bao cao su mà thôi, trong đó người ta phải làm các bước như: phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng bao cao su, thứ hai là cập nhật các quy định pháp luật của Kenya về chất lượng của bao cao su. Thứ ba là tạo ra được hệ thống thử nghiệm bao cao su cũng như các đơn vị thực thi chính sách quy định có liên quan đến việc đảm bảo chất lượng bao cao su của Kenya.
Vận dụng vào tình hình quản lý bao cao su hiện nay tại Việt Nam, Việt Nam có thể học hỏi các điểm sáng về kinh nghiệm của các nước đã áp dụng thành công trên toàn cầu, trong đó có Kenya và xây dựng một lộ trình quản lý chất lượng bao cao su tốt hơn.
– Với người tiêu dùng Việt Nam, ông có khuyến cáo nào để người dân lựa chọn được những sản phẩm bao cao su chất lượng và an toàn?
– Với người tiêu dùng tôi chỉ có một lời khuyên họ nên là những người tiêu dùng thông thái, biết sản phẩm họ mua là sản phẩm gì, trên sản phẩm còn tem nhãn đảm bảo chất lượng hay không.
Chúng ta nên nhớ rằng những sản phẩm bao cao su rẻ nhất không phải là những sản phẩm bao cao su chất lượng nhất.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Theo: Thùy Giang/Vietnamplus