Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Quang Trung vừa có báo cáo lên Bộ Y tế kết quả đợt thanh kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2012.
Hậu thanh kiểm tra, Cục này cho rằng, việc xử lý vi phạm tại nhiều địa phương chưa kiên quyết, số cơ sở vi phạm không bị xử lý chiếm tới 76,23 % tổng số vi phạm được phát hiện và tập trung chủ yếu ở tuyến xã, tuyến huyện. Chẳng hạn, tại Hải Dương, Yên Bái, Đà Nẵng phát hiện tổng số hơn 1.600 cơ sở vi phạm nhưng chỉ cảnh cáo, không phạt tiền cơ sở nào.
Phát hiện nhiều bánh xốp Trung Quốc chứa kim loại nặng dịp Trung thu. Ảnh Internet.
Tỉnh Thanh Hóa đã tiêu hủy 487 kg bánh xốp nguồn gốc Trung Quốc có chứa hàm lượng kim loại nặng vượt quá mức cho phép; 247 kg bánh rán nguồn gốc Trung Quốc có độ ôi khét vượt ngưỡng; 70 kg kẹo gắn đồ chơi có phẩm màu kiềm không được phép sử dụng; 500 chai rượu không rõ nguồn gốc; 9.600 quả trứng gà chưa qua kiểm dịch; 240 kg cá nóc khô; tịch thu xử lý 530 kg măng xé khô; hơn 25.300 tấn măng tươi và 160 kg lưu huỳnh dùng để bảo quản măng.
Tại thị trường tiêu thụ rộng lớn Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện 4.200 con gà, 9kg mỡ lợn dùng để sản xuất bánh trung thu nhưng không có chứng nhận kiểm dịch. Hàng loạt các loại bánh trung thu, kẹo, ô mai, phụ gia thực phẩm, bim bim, mứt bí, bột khảo, bia hết “date” cũng bị tịch thu tiêu hủy với số lượng lớn…
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, có hơn 16.500 mẫu thực phẩm được phâm tích các chỉ tiêu vi sinh, hóa lý, test nhanh. Các chỉ tiêu về hóa lý không đạt hay gặp như độ ẩm cao hơn mức giới hạn, dụng cụ chứa đựng thực phẩm chưa đảm bảo độ sạch về mặt tinh bột, sử dụng hàn the, phẩm mầu, hoặc sử dụng chất phụ gia trong danh mục nhưng vượt quá giới hạn cho phép. Các chỉ tiêu về vi sinh không đạt thường gặp là tổng số bào tử nấm men mốc, Coliforms, E.coli, tổng số vi khuẩn hiếu khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Tuy nhiên, rất nhiều địa phương lại không tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm nên chưa thể đánh giá đầy đủ thực trạng chất lượng thực phẩm đang lưu hành. Do đó, rất có thể, nhiều loại thực phẩm “bẩn” khác đã vào bụng người tiêu dùng mà không biết chất lượng ra sao.
Theo GDVN