Bằng tại chức: “Nghi ngờ là phải!”

– Dân Quảng Nam nhà bác công nhận là “hay cãi” thật đấy nhỉ!

– Lần này thì là chuyện gì?

Thì đấy! Tiếp sau Đà Nẵng, Quảng Nam nhà bác lại vừa tuyên bố thẳng thừng là không tiếp nhận công chức tốt nghiệp tại chức là gì!

Nhà văn Nguyên Ngọc

– “Cãi” thế là đúng rồi còn gì! Cứ đứng trong môi trường đào tạo mới thấu, hậu trường của việc đào tạo tại chức rất lắm chuyện, nếu không muốn nói là rất lôi thôi. Lôi thôi vô cùng! Học vì kiến thức thì ít, mà vì lên lương, lên chức thì nhiều. Dạy – vì thế – cũng dạy qua loa đại khái, theo kiểu “đập búa lấy dấu”.

Chưa kể có những chuyện ai cũng biết là sinh viên trước, hay sau mỗi kỳ thi còn phải đi “khao” thầy… Thế thì rõ là mua bằng rồi còn gì! Đào tạo thạc sĩ có đâu dễ dãi như mình! Đây, như trường tôi, năm ngoái, cũng từng nhận được một đề nghị liên kết đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tin học từ một trường ĐH được coi là có uy tín ở Hà Nội. Nhưng khi nghe nói cái quy trình đào tạo, tôi từ chối ngay, vì không tin rằng lại có thể kiểm soát được chất lượng đào tạo theo kiểu đấy… Đấy, đến mình là “người trong nhà” mà còn chả dám tin nhau, trách gì người ngoài!

– Nghĩa là, một khi người ta bỏ tiền ra (tức trả lương) mua “hàng” (chất lượng công chức), thì người ta phải được quyền kén chọn?

– Chứ sao! Nhất là khi bao nhiêu cái bằng chính quy (dù sao thì cũng còn đáng tin cậy hơn), anh còn chưa dùng hết! Nói đâu xa như ở trường tôi, có anh tiếng là có bằng thạc sĩ Luật hẳn hoi (dĩ nhiên là bằng tại chức), vậy mà viết một cái văn bản không nên hồn, bọn tôi toàn phải viết lại. Gặp phải những trường hợp như thế, người sử dụng lao động người ta bực, rồi đâm ra nghi ngờ là phải!

– Thế nên, hôm rồi dân tình mới xôn xao trước một lá đơn xin nghỉ học của một cậu học sinh lớp 10 mà chi chít lỗi chính tả…

– Ấy vậy mà khi đọc lá đơn ấy, tôi lại thấy vui hơn là buồn đấy! Tôi vui vì có một người trẻ biết rõ mình yếu ở điểm nào và quan trọng là biết dừng lại khi thấy cần thiết, còn hơn là è lưng mang vác tiếp cái hành trang xộc xệch ấy mà ngông nghênh vào đời. Đã đành là cậu ấy học nhầm lớp, cậu ấy viết sai chính tả, nhưng mừng là cậu đã có một quyết định đúng và chắc chắn là không nhầm, khi nó xuất phát từ sự thành thực và lòng tự trọng – điều mà không ít người học, người dạy ở ta lúc này rất thiếu.

– Và rất có thể, cậu học sinh xin nghỉ học ấy sẽ rời trường bằng cái tặc lưỡi: Giờ người ta xin việc bằng tiếng Anh chứ có ai đi xin việc bằng… tiếng Việt bao giờ!

– Cái tặc lưỡi đấy thậm chí nó có cả ở trường ĐH nữa đấy! Lên đến ĐH vẫn viết sai ngữ pháp như thường! Mới viết xong cái mệnh đề phụ đã thấy chấm câu mà không thấy chướng. Là bởi nỗi anh bị hỏng từ đời nào cái tư duy logic. Thế nên, khi “đặt hàng” các thầy ở trường mình, tôi  thường nói: Chỉ cần các anh dạy sao cho sinh viên của tôi sau 4 năm học ĐH phải… viết đúng tiếng Việt. Đơn giản thế thôi mà chả thấy thầy nào dám hứa, vì nhiều em bị hỏng từ gốc rồi, không chắc đã nắn chỉnh được…

– Từng bị phân biệt đối xử giữa bằng công lập và dân lập (chẳng hạn như  trường ĐH Tư thục Phan Chu Trinh của bác), vậy mà bác vẫn ủng hộ chuyện phân biệt đối xử giữa bằng chính quy và bằng tại chức sao?

– Hai chuyện đó khác nhau. Vì trên thực tế, có không ít những trường công lập yếu kém nhưng cũng có những trường tư thục chất lượng. Nhưng bằng tại chức, so với bằng chính quy thì rõ ràng là khác nhiều đấy, với cung cách đào tạo tại chức kiểu này! Dù rằng, nói thế không có nghĩa là tất cả các tấm bằng chính quy đều đáng tin cậy. Nhưng ít ra thì cũng còn đáng tin cậy hơn tấm bằng tại chức!

– Vậy theo “đơn” của bác thì có nghĩa là “không khuyên dùng”?

– An toàn ra thì đúng là không nên dùng thật, nếu như tiêu chí tuyển dụng đầu tiên phải là bằng cấp! Có điều, nếu khéo ra thì chỉ nên lẳng lặng mà làm thôi, hay nói tránh đi một chút, hơn là, ra hẳn một cái văn bản ở dạng “giấy trắng mực đen” như thế. Bởi anh làm thế là có lý nhưng không có quyền. Vì theo quy định của Bộ GDĐT thì bằng tại chức cũng được công nhận như bằng chính quy cơ mà, đều có giá trị sử dụng như nhau, cớ sao anh lại không tiếp nhận?

– Nhưng như bác nói, và thực tế cũng cho thấy thì chả có tấm bằng nào (chính quy hay tại chức) là đáng tin cậy 100% cả, thế thì có nên lấy bằng cấp làm thước đo cho việc tuyển dụng?

– Các cơ quan nhà nước thì họ vẫn buộc phải làm thế, nhưng các nhà tuyển dụng (tư nhân hay liên doanh với nước ngoài…) thì họ gần như bỏ qua chuyện bằng cấp lâu rồi! Và tôi cũng thấy làm thế là phải. Bằng cấp, theo tôi, có chăng chỉ nên xem là một trong những kênh tham khảo mà tôi! Hơn thua là thực lực của anh kia, là khả năng đáp ứng yêu cầu công việc và thái độ lao động…

Vì thực tế bao giờ nó cũng sinh động hơn các văn bản quy định nhiều! Chẳng phải nước ta từng có một Bộ trưởng Bộ GDĐT rất giỏi là Tạ Quang Bửu mà không thèm lấy bằng tiến sĩ đấy thôi! Sài Gòn xưa cũng từng có những ông thầy nức tiếng thậm chí còn chả có bằng ĐH… Nhưng giờ thì nghe nói từ năm tới, 2013, Bộ GDĐT sẽ làm riết róng hơn cái chuyện nhất thiết phải có bằng thạc sĩ mới được dạy ĐH. Trong khi, đầy anh tốt nghiệp cử nhân còn giỏi hơn khối các anh thạc sĩ, tiến sĩ ở ta. Vì có tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ nào ở ta mà không là bằng giỏi và xuất sắc đâu! Nói thật, cái anh mà giỏi thì nó đã giỏi ngay từ bậc phổ thông, chứ không cần phải đợi đến khi làm tiến sĩ!

Nếu khôn ra thì theo tôi còn nên bỏ cả thi ĐH, như nhiều nước phát triển người ta đã làm, vậy mà nói mãi không nghe! Chứ có cái lý gì thi tốt nghiệp PTTH thì đạt tỷ lệ tới 98%, mà thi ĐH lại rớt tới nửa triệu người – như mùa thi vừa rồi!

– Vậy, tóm lại, cái barie “có lý nhưng không có quyền” nói trên của các bác Quảng Nam, theo bác có giá trị gì?

– Theo tôi thì nó có giá trị của một lời cảnh cáo! Và người có trách nhiệm trả lời câu hỏi đó là Bộ GDĐT chứ không phải là các địa phương hay các nhà tuyển dụng!


From the same category