Bằng Kiều: Tôi không phải người vô ơn với cuộc đời

>> Nhạc sĩ Vũ Quang Trung: “Bằng Kiều không thể thay thế”

Trở về – là điều chắc chắn, vấn đề là sớm hay muộn!

 

Xin được hỏi cảm giác trở về của anh – bằng một liveshow hai đầu đất nước, lại còn cháy vé nữa?

– Thật sự là tôi bất ngờ và xúc động với tình cảm của khán giả trong nước dành cho mình. 22 năm ca hát, đây là concert đầu tiên trong sự nghiệp của tôi. Khoảng thời gian này cũng đủ lâu để tôi hồi hộp và đếm từng giây phút đến khoảnh khắc được cất tiếng hát đầu tiên trên sân khấu Lan Anh và Trung tâm Hội nghị Quốc gia. (Ngày tôi còn ở Việt Nam thì chưa có địa điểm biểu diễn đẹp thế này). Cảm xúc của tôi rất lẫn lộn.

Nó có khác cảm giác của những lần trở về trước, khi anh không được hát, dù là ngồi dưới hàng ghế khán giả và ngẫu hứng vài câu khi MC phát hiện ra?

– Cảm xúc lần này sẽ là duy nhất. Như tôi nói, đây là concert đầu tiên – chính thức của tôi. Hát vài câu hay vài bài, thậm chí vài tiếng đồng hồ cũng đều giống nhau. Nhưng đã là concert của riêng mình, tôi muốn nó được lưu lại như một dấu ấn không thể nhầm lẫn, ít nhất là cho bản thân tôi.

Hành trình trở về này thế nào? Có khó khăn không?

– Ngược lại, tôi thấy thoải mái và không bị trở ngại gì. Lời mời trở về đã nhận được rất nhiều trong vòng 5 năm qua, nhưng tôi vẫn cho rằng “cái duyên” là điều quan trọng nhất. Tôi gặp được ê kíp trẻ rất tâm huyết và đạo diễn Phạm Hoàng Nam, những người hiểu tôi và âm nhạc của tôi đến tận chân tơ kẽ tóc. Họ biết vị trí nào là vừa với tôi nhất. tôi vẫn cho rằng, người nghệ sĩ quan trọng và may mắn nhất chính là tìm được đúng vị trí của mình trên sân khấu.

Nhiều người nói anh đang là sao hải ngoại, anh chưa muốn trở về vì sợ mất show?

– Tôi xin nhận danh hiệu “ngôi sao” và chân thành cảm ơn. Nhưng nếu đã là ngôi sao, tôi muốn mình là ngôi sao của tất cả người yêu nhạc Việt Nam. Không còn ranh giới nào trong nghệ thuật và âm nhạc. Tôi đang sống hạnh phúc với gia đình của mình ở Mỹ, nhưng tiếng hát và âm nhạc của tôi sẵn sàng phục vụ tất cả mọi người, dù họ ở nơi đâu. “Mất show” không đáng sợ bằng mất đi những giá trị của sự yêu thương mà tôi đã nhận từ mọi người.

Ở Mỹ, thấy bạn bè của mình như Hà Trần, Thu Phương, Minh Tuyết, Ngọc Anh thi thoảng trở về và rất đình đám, lúc đó anh có mong muốn về không?

– Tôi đã nghĩ sớm hay muộn, tôi cũng sẽ về nước và đứng trên một sân khấu âm nhạc của mình. Nhưng vấn đề là thời điểm nào và khi nào tôi có cảm giác sẵn sàng cho một concert đúng nghĩa của mình. Tôi hy vọng cảm giác của mình lần này là chính xác.

Giờ thì các “tượng đài” Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lệ Thu… cũng đã về Việt Nam cả rồi… anh nghĩ sao?

– Tâm lý “trong – ngoài” của khán giả đã khác đấy chứ? Tâm lý khán giả thì vẫn vậy. Họ vẫn yêu mến và trung thành với những giá trị âm nhạc chất lượng và đẳng cấp thôi. Nghệ sĩ cũng vẫn thế. Họ mong muốn gặp được chính khán giả của riêng mình ở khắp nơi. Vì đời sống ngắn ngủi lắm, nếu cứ vì những định kiến và ràng buộc, có thể ta sẽ mất đi nhiều giá trị quan trọng. Trên hết, âm nhạc để hướng thiện và làm đẹp tâm hồn, nên những người yêu nhau sẽ phải về với nhau thôi…

Điều anh cảm thấy khác biệt nhất về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện giờ?

– Trong concert tôi dành một phần cho thời kỳ vàng son của các bài hát “Làn sóng xanh”. Ngày đó, khán giả yêu thích cực độ những bài hát mới của Việt Nam với tinh thần “live”. Bây giờ thị hiếu của khán giả đã thay đổi nhiều, âm nhạc lại phát triển đa hướng theo nhiều nhánh khác nhau, chi phối đến âm nhạc biểu diễn và giải trí. Tôi nghĩ cũng có cái hay, đó là sự riêng biệt của thế hệ trẻ và tôi ủng hộ những gương mặt trẻ như thế. Nhưng chủ quan, tôi vẫn mong muốn âm nhạc của mình “live” nhiều hơn nữa, vì đó là những thứ duy nhất không bao giờ lặp lại được. Tôi gặp gỡ và đang làm việc với những người trẻ tuổi say mê và quyết tâm theo đuổi hướng đi ấy.

Anh ra đi khi là một ca sĩ trẻ triển vọng, dù là một giọng ca hiếm có, giờ trở về như một “megastar”. Sau sự thành công ấy, như anh nói, có vợ anh phía sau. Cô ấy có bí quyết gì để “lăng xê” Bằng Kiều quá ngoạn mục như thế?

Trizzie là người thông minh và chu đáo. Cô ấy sẵn sàng đứng sau lưng tôi mặc dù trước đây cô ấy cũng là một ngôi sao. Nhưng cô ấy không phải là người lăng xê tôi. Cô ấy chỉ lập ra cách làm việc và xây dựng hình ảnh cho tôi với từng thị trường âm nhạc riêng biệt. Tôi hâm mộ cô ấy nhất ở việc quán xuyến gia đình và 3 đứa con “vàng ngọc” của tôi.

Tôi vẫn ung dung với những gì Trời cho

 

Lúc ở nhà, anh làm nhiều việc hơn: hát và sáng tác, chơi nhạc… Bản ngã âm nhạc anh thể hiện xuất sắc ở album “chuyện lạ”. Nhưng qua Mỹ, anh ẩn đi nhiều quá, giống như một con người khác: lịch lãm và nhẹ nhàng hơn… Hai con người đó, đâu là “nghệ sĩ” Bằng Kiều?

– Cả hai đều là tôi, nhưng là từng giai đoạn khác nhau. Anh không thể bắt âm nhạc và người nghệ sĩ trong tôi vẫn y chang như vậy trong khi cuộc sống của tôi đã thay đổi. Nếu không, hóa ra là tôi ngụy trang giỏi quá. Âm nhạc phải gắn liền với cuộc sống đương thời. Nhìn lại một chút, tôi thấy cuộc sống của mình khá phong phú và đa dạng. Âm nhạc của tôi chắc cũng vậy.

Lợi thế về giọng hát – tôi cho rằng anh đã bộc lộ và tận dụng hết trong suốt những năm tháng qua. Vẫn với lối khai thác nhạc cũ bằng giọng ca độc đáo, chắc chắn anh không có đối thủ từ nay cho đến cuối đời… Con đường an toàn này, anh sẽ ung dung rảo bước chăng?

– Tôi vẫn ung dung với những gì trời cho. Giọng của tôi không thể đào tạo từ trường lớp ra được mà đó là bản năng tự nhiên. Tôi nghĩ cũng không nên đi tìm đối thủ làm gì, vì nghệ sĩ đích thực thì phải khác nhau, mỗi người một màu sắc. Đi tìm Bằng Kiều B, Bằng Kiều C làm gì? Hãy khuyến khích nghệ sĩ trẻ đi tìm con đường riêng cho họ. Và khán giả cứ yêu mến tất cả những người nghệ sĩ dám cống hiến và đóng dấu ấn riêng cho mình.

Có lúc nào anh lại nói câu nói ngày xưa hay nói “làm một cái đĩa thật văn minh!” không?

– Cũng tùy thuộc quan điểm văn minh của từng người và từng nhóm người. Tôi vẫn luôn hướng đến sự văn minh và đặt nó lên hàng đầu trong tiêu chí làm nghề. Anh nghe “Bang Kieu in Concert 2012” thì thấy, nó thể hiện ngay trong bản phối và cách hát, cho dù đó là một bài hát mới hay là rất xưa rồi…

Anh còn tham vọng nào trong âm nhạc mà chưa làm được không?

– Còn nhiều lắm. Tôi đã chia sẻ ở trên, âm nhạc và nghệ sĩ là một chuyện, sân khấu là phần quan trọng nhất. Không có sân khấu văn minh, phù hợp thì lấy gì mà tỏa sáng? Tôi sẽ tiếp tục hợp tác với ê kíp tôi đang làm việc để tìm ra những concept âm nhạc độc đáo.

Anh thấy con đường nào của nghệ sĩ thú vị hơn, “sáng tạo liên tục – biến đổi và thách thức người nghe”, hay “nghệ sĩ của công chúng – liên tục làm hài lòng công chúng”?

– Ai cũng đáng trân trọng cả, vì đó là những nhu cầu và có đối tượng khán giả riêng biệt. Chỉ có điều, chúng ta nên trân trọng và ủng hộ những giá trị âm nhạc tử tế. Có nghĩa là khán giả phải nhận được những gì họ xứng đáng được nhận. Bớt cái linh tinh, mua vui rẻ tiền đi, để người ta không lẫn lộn các giá trị. Ngược lại, cũng đừng đánh giá thấp những khán giả không yêu thích âm nhạc của mình, vì tôi nói rồi đó, âm nhạc liên quan đến chính đời sống thật. Đời sống đã khác thì nhu cầu âm nhạc của mỗi người cũng khác nhau.

Trizzie nói tôi phải mời Mỹ Linh bằng được

Người ta ồn ào lên một chuyện đã rất xưa của anh và Mỹ Linh – theo anh liệu có cần thiết và hợp lý lúc này, khi cả anh và Mỹ Linh đều có sự nghiệp và hạnh phúc mới?

– Không sao. Chúng tôi là những người văn minh. Mỹ Linh và Trizzie thân với nhau. Tôi và Anh Quân thì lại càng không có vấn đề gì. Chúng tôi xác định được ở đâu và lúc nào. Người ta nhắc lại chuyện tình cảm của tôi và Linh là điều tất nhiên, vì nó cũng khá đẹp!

Tôi còn nhớ lần cuối cùng biểu diễn ở Việt Nam, anh và Mỹ Linh song ca “Dòng sông sao”. Lúc đó thấy hai người ngượng ngập vô cùng. Xin được hỏi, cảm giác của anh khi hát song ca trở lại với Mỹ Linh trong show của cô ấy tại Mỹ và tới đây là show của anh tại Việt Nam? (Trizzie có ghen không?)

– Chính Trizzie là người nói tôi phải mời Mỹ Linh bằng được. Âm nhạc thì phải thế, không thể có chuyện vì tình riêng được. Tôi hát là để cống hiến nên những gì hay nhất là phải đem lên sân khấu, còn những thứ chẳng hay ho gì thì không bao giờ được xuất hiện. “Trái tim không ngủ yên” mà, bao nhiêu năm rồi vẫn làm tôi thăng hoa như thế đấy.

 

Minh Tuyết nói anh sợ vợ lắm! Đúng không?

– Tôi chiều vợ, và không muốn tranh cãi căng thẳng làm gì. Cô ấy phải lo lắng và chăm sóc tới 3 ông con rồi… Mình nhịn một chút cũng chẳng sao.

Ngày anh lên xe hoa với Trizzie, nhiều người nói anh… lái máy bay. Nhưng bây giờ, chắc không ai còn nghĩ đó là một quyết định sai lầm đâu nhỉ?

– Chắc người ta nói cho vui và quen miệng, chứ mấy ai để ý đến việc đấy nữa. Tôi còn già hơn Trizzie nhiều lắm, “máy bay” là quá sang và đẳng cấp rồi.

Cuộc sống của anh giờ quá đầy đủ: sự nghiệp, hạnh phúc gia đình và 3 cậu con trai. Anh có còn thiếu điều gì nữa không?

– Tôi cũng chẳng biết mình còn thiếu gì nữa không. Tôi ý thức rất rõ hiện tại là điều quan trọng nhất với tôi – chính là 3 cậu con trai. Tôi tranh thủ nói chuyện nhiều với chúng để lớn lên với các con mỗi ngày.

Anh thường chia sẻ và dạy điều gì nhiều nhất với chúng?

– Việc học tập ở trường, Trizzie là người theo sát chúng nhiều hơn tôi, nhưng tôi cũng muốn tham gia vào việc dạy con vì đó là sự nghiệp trọng đại nhất của vợ chồng tôi. Thời gian rảnh rỗi, tôi rủ chúng đi đá bóng. Tôi muốn các con mình phát triển tự nhiên, quan trọng nhất phải trở thành người tốt và luôn hướng thiện. Tôi như vậy nên cũng muốn con cái mình như vậy.

Tôi bắt đầu già rồi

Nghe Mỹ Linh kể anh chơi cá kiểng và bonsai. Xem ra, cộng với món thuốc lào nữa, thì tính cách anh bắt đầu già rồi nhỉ? Bằng Kiều thời tay chơi và Bằng Kiều thời tĩnh tại gia thế này khác nhau như thế nào?

– Cũng bắt đầu già rồi còn gì nữa. Cuộc sống của tôi hiện tại ở Mỹ là như vậy đấy. Tôi muốn giữ cho tâm hồn mình thanh thản và bình yên trước mọi chuyện, để có thể yên tâm mà hát. Tôi vẫn còn nhiều anh em bè bạn chí cốt để uống trà và buôn chuyện. Thế là đủ rồi…

Anh học hoặc ngẫm được điều gì về nhân tình thế thái khi ngồi ngắm cá kiểng và bonsai?

– Sự bình yên và tĩnh tại là quan trọng nhất. Ai cũng thế, dễ bị cuốn theo hư danh và ảo vọng. Chỉ khi về ngồi một mình mới biết cái gì đáng quý. Tôi tìm cách để mình bình yên nhất có thể, trong mọi quyết định của đời sống.

Có khi nào anh buồn? Và có khi nào anh nghĩ về Hà Nội và Việt Nam khi ở Mỹ?

– Sống mà không có những lúc buồn thì… chết. Nghệ sĩ lại càng quý giá trị của nỗi buồn. Vì ta lớn lên trong những nỗi buồn. Và tôi cũng hát hay hơn khi buồn. Tôi nhớ Hà Nội vì đó là cuộc sống của tôi từ khi mới sinh ra và lớn lên… Trong suốt thời gian ở Việt Nam làm show, lúc nào tôi cũng có cảm giác mình ở rất gần ngôi nhà cũ.

Anh có hài lòng về những gì anh đã đem đến cho gia đình không?

– Điều đặc biệt nhất chính là tôi đã đứng hát trong concert của mình, cho đại gia đình của mình chứng kiến. Tôi cảm thấy vui vì mình có thể trở thành niềm tự hào của đại gia đình tôi. Suốt thời gian ở Việt Nam, bận túi bụi tập luyện, nhưng tôi vui và hạnh phúc vì đã nhìn thấy đầy đủ mọi người thân đến chứng kiến sự kiện lớn của cuộc đời tôi.

Câu hỏi cuối cùng, xin được hỏi một cách trực tiếp nhất. Có bao giờ anh oán trách số phận đã làm cuộc sống của anh trải qua quá nhiều thăng trầm không?

– Tôi biết ơn cuộc sống một cách chân thành. Những khó khăn trở ngại nếu có, chỉ làm cho tôi và âm nhạc của tôi thêm phong phú và đậm đặc hơn thôi. Sao phải oán trách khi bây giờ tôi đang đứng trên quê hương mình và đã được hát trong tình cảm của khán giả mà chính tôi còn không tưởng tượng được. Tôi không phải là một người vô ơn với cuộc đời.

Có thể hiểu liveshow đầu tiên tại Việt Nam của anh là một “happy ending” cho một câu chuyện, hay là một khởi đầu của một tập truyện mới về Bằng Kiều?

– Đây mới là trang giữa cuốn sách về đời tôi. Rõ ràng tôi đang sống ở tuổi 40. Thế thì mới có một nửa thôi bởi thầy bói nói tôi ít nhất phải thọ tầm… 80 tuổi.

Bài: Bạch Vân
Ảnh: Cao Trung Hiếu, Trọng Tùng 

 


From the same category