Hóng chuyện
– “Hai ngày qua, cộng đồng mạng rộ lên, tán thưởng câu nói của bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận: “Chỉ có bằng giả mới vào được cơ quan nhà nước”. Câu nói của ông (phát đi tại phiên họp ngày 25/2 của hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2015, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì)…” (Xem bài: Lời nói thẳng, nói thật của các bộ trưởng)
– “Google không coi trọng bằng cấp hay điểm tốt nghiệp. Laszlo Bock, phó chủ tịch phụ trách nhân sự ở Google từng nói với tờ New York Times: “Điểm tốt nghiệp là vô giá trị khi xem nó là tiêu chí tuyển dụng, điểm kiểm tra cũng vô giá trị. Chúng tôi thấy điểm không dự báo được điều gì cả. Với mọi công việc, điều số 1 mà chúng tôi tìm kiếm là năng lực nhận thức nói chung. Nó không phải là chỉ số thông minh (IQ). Nó là khả năng học hỏi. Nó là khả năng xử lý tại chỗ. Nó là khả năng sắp xếp lại những mẩu thông tin rời rạc [thành bức tranh chung]”… (Xem bài: Google tuyển dụng như thế nào?)
Chém gió
Này, theo cậu một người thất nghiệp đi học… thạc sĩ, tiến sĩ, thì có hơn một người mua bằng giả để có chỗ làm?
Hỏi han hay nhỉ, dĩ nhiên là tớ ủng hộ “tiến sĩ thất nghiệp” rồi.
Chưa chắc đâu nhé. Có biết là xã hội còn bao nhiêu là tiến sĩ giấy không? Có biết là bao người chỉ là “thợ học” rồi ra chẳng làm được gì cho đời không? Cứ “học, học nữa, học mãi” chưa chắc đã là thượng sách đâu nhé! Nhìn Google tuyển dụng kìa, họ bảo, điểm ít quan trọng nhất mà Google tìm kiếm là “tay nghề chuyên môn”, xếp cuối cùng trong 5 tiêu chí săn đầu người của họ.
Chả phải cứ thấy Tây là khen, nhưng có phải lúc nào Google hay bất cứ công ty dù lớn hay nhỏ nào cũng cần tuyển lãnh đạo, trưởng nhóm, nhà quản lý đâu. Họ cũng tuyển rất nhiều nhân viên bình thường như tớ với cậu. Giả dụ nhé, Google tuyển lập trình viên, lúc ấy, tiêu chí “tay nghề chuyên môn” chẳng đặt lên hàng đầu. Thiếu người có tay nghề cao, tỉ mỉ viết từng đoạn code, dòng lệnh… thì lấy ai hiện thực hoá những ý tưởng và chiến lược cao siêu.
Tớ cũng nghĩ, gì thì gì, đã trải qua học nghề, học kiến thức, học chuyên môn, ở mức mỗi năm một trình độ, thì cũng phải được cái này cái kia. Đó là đòi hỏi đương nhiên. Nhưng một công nhân, nếu không chỉ giỏi nghề còn có kỹ năng làm việc mang lại hiệu suất sao, liên tục có sáng kiến được áp dụng, thì có phải là anh chị ấy càng có nhiều khả năng thăng tiến vù vù hay sao! Nếu không gặp sếp có “mắt xanh”, thì ít nhất, anh chị ấy cũng không thấy công việc mình làm là quá ư cực nhọc.
Vậy là cậu định nói: Từ đó suy ra, “tiến sĩ thất nghiệp” không bằng “công nhân lạc nghiệp” hử?
Cũng có ý đó, nếu trong điều kiện tiến sĩ học chỉ để lấy tấm bằng để… sĩ. Thế thì “tốn sĩ” lắm! Chứ còn nếu chúng ta học cao để hiểu biết hơn, sống hay hơn, đóng góp nhiều hơn, có điều kiện tập trung hơn vào công trình nghiên cứu có giá trị trước mắt hoặc lâu dài thì mừng cho nước mình quá! Tiếc là tớ thấy chẳng thấy gì vui khi số lượng giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam đông nhất nhì khu vực, vậy mà đất nước có trăm thứ tụt hậu. Người ta có bằng sáng chế, bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín ầm ầm; còn mình, học hàm học vị đông như quân Nguyên mà các vị chẳng viết nổi bài báo tiếng Việt nữa là tiếng Anh! Tiến sĩ, thạc sĩ mà “cái gì không biết ta tra Gúc-gồ” thì “cũng đành, xin làm người hát rong, để mong đời không chê trách…”.
Cậu nhìn nhận thế là hơi bị cực đoan đấy nhá. Nhưng tôi, tớ hỏi lại: Giữa “tiến sĩ thất nghiệp” và “tiến sĩ xài… bằng giả” thì “học vị” nào oách hơn?
Thì đương nhiên là các anh xài đồ đều! Đành rằng chất lượng đào tạo ở ta nhiều nơi nhiều chỗ nhiều người khá là “đểu”, nhưng cũng gọi là có đi thi, có làm luận văn, đồ án. Còn xài bằng giả để len lỏi, luồn lách vào các cơ quan công quyền thì không chỉ là “đồ đểu giả” mà còn là “đồ lừa đảo” ấy chứ!
Hic, cậu tưởng đi thi, làm luận văn, đồ án mà chôm chỉa, sao chép, đổi tình, tiền lấy… điểm thì không phải “đồ giả” chắc. Cũng chả khác gì nhau mấy đâu! Rồi có “bằng thật” kiểu ấy xong, người ta vẫn phải “tìm ổ rơm ấm tụng kinh thánh hiền”! Ấy là chưa kể, anh có “bằng thật” sẽ dễ dàng vênh vênh xỉa xói anh “bằng giả” khi anh “bằng giả” bị phát hiện! Lúc ấy, biết đâu anh “bằng giả” lại quay sang bảo: Tao mua bằng, mua chỗ thì cùng lắm tao loè thiên hạ, nhưng ít nhất tao cũng không lừa bản thân mình như tụi mày! Đấy, mệt lắm. Các anh “bằng giả” cũng nhiều “ní nuận”, nhiều chữ lắm cơ…
Hì hì, đau đầu phết đấy. Chẳng biết Bộ trưởng Giáo dục sau khi phát biểu “chỉ có bằng giả mới vào được cơ quan nhà nước” có chóng mặt như tụi mình! Còn thực ra, cái câu của Bộ trưởng được báo chí trích dẫn nguyên văn tớ thấy có phần tối nghĩa; nhưng chắc tớ hay cậu cũng đủ hiểu câu ấy chỉ những kẻ xài bằng giả chui vào được các cơ quan nhà nước, chính phủ thôi; chứ với tư nhân à, đừng có mơ. Chuyện này đúng là xưa nay dân tình chẳng lạ. Chỉ có điều bây giờ nó được thốt ra bởi người đứng đầu ngành giáo dục.
Tớ thì từ lâu đã không còn quan tâm đến việc soi xét, trích dẫn từng câu nói của người khác, nhất là qua gián tiếp. Lý do là mỗi câu nói còn có văn cảnh liên quan và chuyện hậu trường đâu phải ai cũng tường tận. Bởi vậy, tớ nhìn vào việc làm, cách hành động nhiều hơn, nhất là qua một quá trình. Nói thì nói mãi rồi, chẳng biết đâu mà lần. Ngành giáo dục và đất nước muốn có những con người học thật, làm thật, sống thật thì hãy làm đi. Có nói mãi thì giống kẻ có bằng cấp đầy mình mà chẳng làm được gì ra hồn. Kiểu “tiến sĩ thất nghiệp” như tụi mình vừa nói í.
Chẳng thế mà ông tác giả “Thế giới phẳng”, “Chiếc Lexus và cây ô liu”, sau khi có bài viết về cách Google tuyển dụng, đã kết luận: Bây giờ, thế giới chỉ quan tâm và trả tiền để sử dụng điều mà bạn có thể làm được với kiến thức của bạn; còn học ở đâu, học từ đâu thiên hạ cũng chẳng quan tâm.
Ơ, ơ… Thế tớ muốn khoe cái “Harvard của Việt Nam” của mình cũng không được à?
Hehe, cậu cứ khoe. Nhưng mà, khoe… để làm gì?
THÍCH BẤM LIKE