Tăng giá để bù hao hụt
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội, sạp thịt tại các chợ vẫn đầy ắp hàng, người mua thưa thớt.
Chị Đặng Thị Hòa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) bức xúc: “Tôi không hiểu Bộ NN-PTNT ra quy định kiểu gì nữa. Hàng hóa ế ẩm bán cả ngày không hết giờ lại bắt bán trong vòng 8 tiếng. Nếu bán không hết tiểu thương biết bỏ đi đâu?” Theo chị Hòa, hằng ngày, chị qua chợ lò mổ lấy hàng từ 4h sáng, về đến chợ và ngồi sơ chế, phân loại đến khoảng 6h sáng mới xong. Nguyên khâu vận chuyển đã mất 2 tiếng, vậy tiểu thương chỉ được bán hàng trong vòng 6 tiếng còn lại (tức khoảng sau 12h trưa số thịt tồn sẽ không được bán), mà mỗi ngày chỉ đi lấy hàng tại lò mỏ một lần.
“Người dân đang chi tiêu chắt bóp từng đồng khiến sức mua ở chợ giảm liên tục, các tiểu thương đã khốn khổ chật vật lắm rồi. Tới đây quy định này được thực hiện, chúng tôi lại è cổ ôm thêm món thịt ế khi hết giờ bán”, chị Hòa than thở.
Còn tại chợ Ngọc Hà, khi nói về quy định thịt sống trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ, các tiểu thương đều than khó và khẳng định nếu thực hiện đúng yêu cầu thì giá thịt chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao lên, bất chấp giá lợn hơi xuất chuồng không tăng.
Tiểu thương dọa sẽ tăng giá để bù vào phần hao hụt do không ế ẩm nếu quy định bán hàng trong vòng 8h sau giết mổ có hiệu lực. |
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, tiểu thương bán thịt tại đây, giải thích: “Nếu làm đúng luật, sau 8 tiếng, số thịt ế đồng nghĩa với hàng tồn, phải đổ đi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể ôm số hàng tồn đó mà chịu lỗ. Chuyện tăng giá bán để bù vào phần hao hụt khi hàng ế là điều không thể tránh khỏi. Mà tăng giá vào thời điểm này chắc hàng sẽ còn ế nhiều hơn”.
Đồng quan điểm, chị Cúc bán thịt tại chợ cóc ở tổ 47 Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng nói: “Ai ở đây cũng vậy, một ngày chỉ chạy xe qua lò mổ lấy hàng được một lần. Thịt được bán cả ngày, từ sáng sớm tới 7-8h tối mới hết. Theo quy định trên, muốn bán cả ngày, tiểu thương buộc phải chạy qua lò mổ 2 lần mỗi ngày để lấy thịt về bán. Làm vậy chi phí vận chuyển sẽ tăng lên, đương nhiên giá thịt cũng sẽ tăng để đảm bảo có sự cân bằng”.
Còn người tiêu dùng thì không khỏi hoài nghi về mức độ khả thi của quy định này. Bác Đinh Thanh Bình, tổ 47 Dịch Vọng, cho biết: “Quy định thì hay và có ý nghĩa trong việc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, song để thực hiện được thì còn phải xem bộ thực hiện như thế nào hay chỉ đề ra cho vui rồi được một thời gian lại chìm xuồng”.
“Và nếu quy định được thực hiện, nhiều loại phí sẽ phát sinh, người dân lại phải bấm bụng chi thêm một khoản bởi giá thịt tại các chợ sẽ tăng nhưng chất lượng chưa chắc khác hơn so với trước”, bác Bình lo lắng chia sẻ.
Lò mổ phải hoạt động cả ngày
Nhiều chủ lò mổ khi nhắc đến quy định bán thịt sống trong vòng 8 giờ được đưa ra cũng lo lắng không kém các tiểu thương tại chợ, bởi hoạt động giết mổ sẽ phải điều chỉ cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Hầu hết các lò mổ nhỏ lẻ, sắp tới muốn cung cấp thịt cho tiểu thương ở chợ trong suốt một ngày mà vẫn đảm bảo đúng theo quy định, lò mổ chắc chắn phải hoạt động cả ngày”, anh Trần Văn Tân, chủ một lò môt tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, ca thán.
Theo anh Tân, hoạt động giết mổ thường thực hiện từ 2-6h sáng là xong, với công suất 10 con lợn mỗi ngày. Sang tháng 9 tới, khi quy định trên có hiệu lực, anh phải chia nhỏ ra mổ sáng và chiều để đảm bảo chất lượng. Theo đó, chi phí giết mổ khi chia ra làm nhiều đợt sẽ tăng bởi chia nhỏ đồng nghĩa với chuyện phải thuê thêm nhân công trong khi công suất giết môt một ngày không thay đổi. Kéo theo đó, giá thành sẽ bị đẩy lên ngay tại lò chứ không riêng ngoài chợ.
Còn ông Nguyễn Đình Thắng, quản lý của Công ty Lò mổ Đại Hồng (Phùng Khoang, Hà Nội) cho biết: “Hiện hoạt động giết mổ của công ty vẫn diễn ra 2 lần/ngày vào sáng sớm và đầu giờ chiều nên không phải tính toán về chuyện hoạt động cả ngày hay một buổi để phù hợp với tình hình như các lò mổ nhỏ lẻ khác”.
Tuy nhiên, điều khiến ông Thắng lo lắng chính là sau khi quy định có hiệu lực, công suất giết mổ tại lò sẽ giảm (hiện khoảng trên 50 con lợn/ngày). Ông lý giải, tiểu thương sẽ lấy ít hàng đi vì sợ ế hàng không bán hết. Theo đó, lò mổ cũng phải cắt giảm số lượng để đảm bảo cân bằng cung – cầu. Rồi chuyện chi phí giết mổ tăng lên do có thêm thủ tục của cơ quan chức năng, giống như kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo VEF