Từ thay đổi khẩu vị
Sự bành trướng không thể kìm hãm của các bộ phim Mỹ phản ánh đúng sự đầu tư của Hollywood. Mức độ hoành tráng và sự cưng chiều thị hiếu người xem đã khiến Hollywood trở thành ông trùm của điện ảnh thế giới, chi phối “gu” thẩm mỹ của cả thế giới. Với khán giả phổ thông, đẹp là da trắng, mũi cao, tóc vàng; đàn ông phải vạm vỡ, phụ nữ quyến rũ bốc lửa.
Đẹp là trên 100% thực tế là những gì không xảy ra trong đời thực. Đẹp là sự hoành tráng của thuốc nổ, của những cuộc đọ súng kinh hoàng, của cả những khán phòng xa hoa lộng lẫy bậc nhất theo tiêu chuẩn phương Tây. Trong khi đó, các bộ phim thế giới thứ 3 (vốn bị điện ảnh Mỹ coi là nhược tiểu) Hongkong, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ… chỉ khiêm tốn làm chủ thị trường nhỏ bé ngay trên mảnh đất quê nhà. Họ cũng có minh tinh màn bạc riêng với tầm ảnh hưởng nhất định lên một lượng khán giả khu vực nhất định…
Tuy thế, tâm lý không thể hay, không thể tốt bằng cánh nhà giàu nên điện ảnh châu Á đã có nhiều lúc muốn rũ bỏ bản ngã và sa vào tâm lý làm cho giống Mỹ, cũng hừng hực khát khao hội nhập. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất chính là văn hóa, phương Đông gần như không thể cho phép mình cởi mở thái quá… Và cuối cùng, châu Á vẫn là châu Á, mỗi quốc gia tự khẳng định bằng cách làm điện ảnh của riêng mình, phục vụ và bảo vệ thị trường điện ảnh bản địa, đánh bật xúc tu của điện ảnh Hoa Kỳ. Châu Á lớn mạnh ngay từ trong đất nước họ, đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn độ, Iran, Nhật Bản, Thái Lan… Điều đó khiến các ông trùm Mỹ bắt đầu phải bóp trán suy tính, điều gì đã khiến họ rớt đài ở khu vực này?
Và họ mời ngay các ngôi sao châu Á, vừa để làm cầu nối đến với thị trường đông dân nhất thế giới, vừa để thêm nét lạ trong nhân vật và bối cảnh của những bộ phim hoành tráng quy mô. Từ ngôi sao đạo diễn như Ngô Vũ Sâm, Lý An cho đến các ngôi sao diễn xuất như Lý Liên Kiệt, Châu Nhuận Phát, Thành Long, Dương Tử Quỳnh… Và đương nhiên, khai thác chất châu Á của họ không gì khác là khai thác những pha biểu diễn tài năng cá nhân, đặc biệt là võ thuật (tiêu biểu là Lý Tiểu Long của những năm 70).
Những màn kungfu bay lượn trên ngọn trúc, những thanh kiếm Nhật đề cao tinh thần Võ sĩ đạo, những màn độc diễn wushu của các cá nhân thượng võ… Họ đang dần thay thế những người hùng kiểu Mỹ, cơ bắp Rambo và lỉnh kỉnh súng ống… Một khẩu vị mới của điện ảnh thể hiện rõ , khí chất Á châu đang ngày càng được trọng dụng. |
Và diễn viên châu Á đã làm thay đổi “gu” thưởng thức của khán giả lâu nay ngay cả đối với dân chuyên nghiệp Mỹ, họ được làm việc với những diễn viên không cần quá nhiều kỹ xảo trong những màn đối kháng. Hơn nữa, họ đã được đến với những phim trường, những bối cảnh mới tại Á châu đầy tiềm năng cũng như sự mới lạ về văn hóa. Tập phim James Bond – Ngày mai không bao giờ chết ngoài việc khán giả được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp châu Á của hoa hậu Dương Tử Quỳnh, còn được xem những màn rượt đuổi ngoạn mục của 007 trên đường phố tràn ngập xe thô sơ và người dân lao động Á châu…
Và cho đến khi Ngô Vũ Sâm vào đến Mỹ, chính các ngôi sao hành động Mỹ cũng được thay đổi hình tượng mới. Face off, Broken Arrow đã tạo cho Nicholas Cage một hình tượng mới qua những màn hành động đặc trưng Ngô Vũ Sâm. Sau này còn có cả Tom Cruise với Nhiệm vụ bất khả thi 2. Một triết lý của châu Á đã được khẳng định, đi cùng với các vai diễn cá nhân anh hùng là thứ vũ khí từ tinh thần vẫn có thể chiến thắng được tất cả.
Có lý thuyết vui: trong điện ảnh Mỹ một người đấu súng với một người dễ bị chết hơn là đối diện với cả một băng nhóm găngxtơ. Còn điện ảnh Mỹ kiểu châu Á, một anh hùng tay không, bao giờ cũng quật ngã được cả một đám cơ bắp đầy súng ống.
Đến sự xâm lấn của văn hóa
Từ những màn đấu đá tay côn của Lý Tiểu Long, cho đến những màn rượt đuổi của 007, hay hình ảnh văn hóa bản xứ thông qua các bộ phim chiến tranh… châu Á vẫn hiện lên rất âm bản. Riêng tại Mỹ, chỉ đến khi Ngọa hổ tàng long của ĐD Lý An xuất hiện, khán giả Mỹ mới bị thuyết phục bởi văn hóa Á châu thuần chất và đậm đặc (mà điều này vốn không hề lạ lẫm với người châu Á).
Nhưng thực tế xứ bảo thủ Mỹ là nơi cuối cùng bị văn hóa Phương Đông thuyết phục. Trước đó, châu Âu, nơi duy mĩ hơn nhiều về thẩm mỹ điện ảnh đã bị điện ảnh châu Á xâm lấn. Sự lớn mạnh của điện ảnh và tài năng của các đạo diễn Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc… đều được thẩm định tại đây. Và nét đẹp vừa hoành tráng, vừa lãng mạn vốn rất quen thuộc với khán giả châu Á hiện đang là khẩu vị mới của họ, vừa là ẩn số cần giải mã đối với giới chuyên môn. Những Bá vương biệt cơ, Tâm trạng khi yêu, 2046… với lối diễn biến tâm lý của người châu Á cộng vào những phũ phàng hiện thực của một giai đoạn lịch sử được nhìn nhận bởi chính người châu Á… đang làm cho hình ảnh Văn hóa phương Đông chân thực hơn.
Nhưng có lẽ Hollywood sẽ ghi dấu sự xuất hiện ồ ạt nhất của cuộc chinh phục này bằng doanh thu cao ngất ngưởng mà Người hùng (Hero) của Trương Nghệ Mưu mang lại. Một quy luật không thể chối bỏ đã được nhắc lại: cái gì càng hiếm thì càng quý. Hollywood quá hiếm nhưng bữa tiệc màu sắc mà Người hùng có được. Sự tinh tế đã thắng thế trước thói quen thích cái gì cũng khổng lồ. Giọt nước, tiếng gió… đều đem lại hiệu quả chân thực. Đó là chưa kể cái đẹp của một anh hùng đúng nghĩa: sự hy sinh thượng võ cao cả, triết lý sống đời của người anh hùng. Thêm nữa, sự huyễn hoặc, khó hiểu, mù mờ và có chút rối rắm của phim cũng gây không ít thú vị. Khó có bắt gặp sự nên thơ mà bi hùng như thế trong phim Hollywood.
Thập diện mai phục sau đó có phần dẫm chân lên Người hùng, nhưng cũng một lần nữa, những yếu tố hoàn toàn Á Đông được khai thác triệt để. Màn múa và đánh trống, cuộc rượt đuổi lãng mạn trong rừng trúc, trận đối kháng khốc liệt dưới trời tuyết… Sự thích thú từ yếu tố thị giác đã nhanh chóng giúp người xem tiếp cận nền văn hóa phương Đông phong phú. Nhưng thông qua đó, để thấy đạo diễn họ Trương làm Thập diện mai phục phô trương hơn, dễ hiểu hơn để đến gần khán giả Tây phương hơn. Cái người ngoài cần vẫn là cái lạ đập vào mắt…
Cơ hội thành công ngày càng nhiều
Thời gian qua, điện ảnh Tây phương đang chú ý khai thác chất liệu văn hóa từ phương Đông. Một mặt, đây là giải pháp tình thế làm phong phú hơn nguồn đề tài cho điện ảnh, mặt khác, là bằng chứng cho thấy Văn hóa phương Đông đủ sức quyến rũ khán giả phương Tây. Nhiều phim của Hollywood đã đưa môn võ Judo và Aikido Nhật Bản vào các cảnh quay. Nhưng đến gần đây, khi cả khí phách của người võ sĩ đạo được áp dụng, kiếm đạo mới thâm nhập điện ảnh Mỹ một cách thuyết phục.
Kill Bill với khá nhiều chất liệu của Nhật Bản và Trung Quốc, The last Samurai đã biến Tom Cruise thành một Võ sĩ đạo với tinh thần và lý tưởng của một Samurai: giá trị bất biến của sự tồn tại là sự hy sinh vì cộng đồng. Cái gọi là sức mạnh tinh thần lâu nay vốn là niềm tự hào của xứ Phù Tang, nay được tôn vinh trong một bộ phim hòanh tráng của phương Tây. Sắp tới, Geisha cũng nuôi hy vọng cho một thành công mới của người đẹp Chương Tử Di trên trường điện ảnh thế giới.
Trong cuộc chinh phục dài lâu, châu Á được khai thác triệt để trên phương diện điện ảnh, từ những ngõ ngách mà ngay cả người châu Á cũng chưa chắc đã nắm rõ hết cho đến những di sản vật thể, phi vật thể như: võ thuật, âm nhạc… Khán giả có dịp hiểu thêm về sự huyền bí lung linh đã trở thành niềm tự hào của người châu Á. Người châu Á lại có dịp cởi mở hơn khi nhìn ra thế giới, củng cố niềm tin vào chính thứ tài sản vô giá mà mình đã sở hữu: truyền thống văn hóa.
Tuy nhiên, người ta lo lắng khi “cuộc tình không còn mặn nồng”, khi điện ảnh chính quốc đã no chán hương vị ngoại lai, thì văn hóa Phương Đông sẽ thế nào… Vậy mới đáng nói, Văn hóa phương Đông mạnh chỉ khi những cá nhân đạo diễn, diễn viên Á châu và chính nền điện ảnh phương Đông phải giữ chân cơn vận hội./.