Bạn muốn được tăng lương? Hãy trả lời 5 câu hỏi này trước nhé!

Giai đoạn hậu Covid đã chứng kiến tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt khi hàng loạt mặt hàng tiêu dùng gia tăng chóng mặt. Thực tế đó đã khiến nhiều người phải cân nhắc đến việc yêu cầu được tăng lương tại nơi làm việc. 

Yêu cầu được tăng lương luôn là một vấn đề nhạy cảm và khó nói, tuy nhiên, nó lại rất cần thiết nếu bạn cảm thấy mức lương hiện tại không đủ để chi trả cho nhu cầu sống tối thiểu, hoặc không xứng với công sức bạn bỏ ra. Theo “Khảo sát tiền lương toàn cầu năm 2023” của Robert Walters (thực hiện tại 31 quốc gia trải rộng trên 6 châu lục, bao gồm Việt Nam), việc giá sinh hoạt được dự đoán tăng cao khiến gần 87% số người được khảo sát kỳ vọng tăng lương trong năm 2023. Trước bối cảnh suy thoái kinh tế và tình trạng lạm phát nhiều biến động, 70% nhân sự cho biết tính ổn định nghề nghiệp đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng với họ. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó vẫn coi trọng việc tối đa hóa thu nhập cá nhân vào năm 2023 hơn là duy trì một công việc ổn định.

Có thể thấy, nhu cầu được tăng lương hiện nay là mong muốn chung của nhiều người. Nhất là khi nguồn nhân lực đang ngày càng được nâng cao, trở nên năng động, linh hoạt và có ưu thế rất lớn trong mắt các nhà tuyển dụng. Việc người lao động liên tục “nhảy việc” để tìm kiếm một mức lương phù hợp đã khiến nhiều công ty buộc phải xem xét đến việc tăng lương nhằm “giữ chân” những nhân sự quan trọng. Mặt khác, khi đề xuất tăng lương, bạn cần cân nhắc kỹ về nhu cầu cá nhân cũng như những đóng góp và trách nhiệm mình sẽ phải thực hiện kèm theo mức lương cao hơn. Hãy tự hỏi bản thân 5 câu hỏi sau để xem liệu bạn có đáp ứng được một số những tiêu chí chính để được tăng lương hay không nhé!

“Mình có đảm nhận được thêm nhiều trách nhiệm hơn không?”

Nếu bạn đã đảm nhận thêm phần việc khác hoặc khối lượng công việc của bạn đã nhiều lên đáng kể, thì bạn có thể đề xuất tăng lương. Trên thực tế, nếu sếp đã yêu cầu nhiều hơn ở bạn, thì họ nên thưởng cho những nỗ lực của bạn. Hãy trình bày rõ những yêu cầu công việc của bạn với mức lương hiện tại, so sánh và chỉ ra những phần việc mình đã phải làm thêm để có thể dễ dàng yêu cầu một mức lương thỏa đáng hơn.

Mặt khác, khi đề nghị điều này, bạn cũng cần cân nhắc những trách nhiệm đi kèm. Bạn có thể sẽ phải nhận thêm nhiều đầu việc hơn hiện tại, KPI cao hơn, đồng nghĩa với việc thời gian dành cho công việc sẽ phải tăng lên. Bạn cần xem xét đến khả năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc của bản thân, cũng như chuẩn bị sẵn tinh thần phải làm việc ngoài giờ, về nhà muộn, thậm chí là hi sinh cả những ngày cuối tuần nghỉ ngơi để theo sát công việc.

“Mình có đóng góp vào thành công của công ty không?”

Các ý tưởng của bạn có đang giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả hoặc tăng doanh thu không? Bạn có giúp công ty “giành” được khách hàng mới không? Hoặc bạn đã đóng góp hữu hình vào thành công của công ty theo một cách nào đó chưa? Nếu câu trả lời là “Có”, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu được tăng lươn. Để củng cố cơ hội thành công, hãy đưa ra những số liệu cụ thể và những phản hồi tích cực bạn nhận được từ sếp, đồng nghiệp, hay khách hàng. Ví dụ như: “Trong sáu tháng qua, tôi đã mang về ba hợp đồng mới, tạo ra thêm X doanh thu hàng năm…” Đừng chỉ đưa ra những nhận định chung như “Tôi cảm thấy mình đã hoàn thành tốt công việc.”

Ngược lại, nếu bạn thấy bản thân chưa thực sự đóng góp được gì quá nhiều cho công ty, hãy bình tĩnh và cẩn thận lên kế hoạch ngay từ bây giờ. Tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, mở rộng và chủ động hơn trong các mối quan hệ xã hội để tạo “nguồn” khách hàng tiềm năng, tập trung tìm hiểu những vấn đề mà công ty đang gặp phải cũng như tìm cách đưa ra giải pháp ổn thoả nhất,… Hãy nhớ rằng, để được xem xét tăng lương, những đóng góp của bạn phải thật nổi bật, hữu hình và có thể đo đếm được bằng số liệu cụ thể.

“Mình có đang bị trả lương quá thấp không, và mình có thể chứng minh được điều đó không?

Trong trường hợp bạn cảm thấy mình đang bị trả lương dưới mức lương thị trường, bạn có quyền thỏa thuận một mức lương mới xứng đáng hơn, nhưng hãy xem xét thật kỹ các quy định và yêu cầu công việc trước đã. Bạn cần nghiên cứu mức lương trung bình cho vai trò và thâm niên của mình (bằng cách sử dụng PayScale hoặc Glassdoor), nói chuyện với chuyên viên tuyển dụng hoặc tham khảo các báo cáo so sánh lương và phúc lợi độc lập để xem những người khác trong ngành cũng như khu vực của bạn có thể kiếm được bao nhiêu.

Đúng là sẽ rất khó xử khi đề cập với cấp trên việc mức lương hiện tại quá thấp hay không tương xứng với năng lực cá nhân. Tuy nhiên, nếu bạn đã tìm hiểu kỹ và chuẩn bị đầy đủ thông tin, số liệu, có dẫn chứng vững vàng thì hãy cứ tự tin đưa ra yêu cầu của mình. Và hãy sử dụng tông giọng mềm mỏng, ôn hoà nhưng vẫn phải thật kiên định khi nói chuyện với sếp, để họ cảm nhận được tính chính đáng trong yêu cầu của bạn chứ không phải chỉ là sự “yêu sách”.

“Mình có cống hiến nhiều hơn những người cùng vị trí không?”

Nếu bạn là một nhân viên xuất sắc, luôn đáp ứng hoặc vượt chỉ tiêu công việc của mình, bạn hoàn toàn có thể tự tin yêu cầu sếp tăng lương. Bạn cũng có thể tìm hiểu về công việc và khoảng lương của các đồng nghiệp, những người ở cùng vị trí và chức vụ với bạn. Họ có đang làm được nhiều việc, đem về cho công ty nhiều hợp đồng hơn bạn hay không? Năng suất của có họ thấp hơn bạn nhưng mức lương thì ngang bằng hay không? Đặc biệt, bạn cần phải phân tích cũng như chỉ ra được chính xác sự vượt trội của mình so với những người khác, những nỗ lực bạn bỏ ra và thành tựu đem lại phải có đóng góp nhiều hơn mọi người thì yêu cầu tăng lương của bạn mới thực sự có giá trị.

“Mình đã đạt được những kỹ năng mới giúp hoàn thành công việc tốt hơn chưa?”

Trong quá trình làm việc bạn đã không ngừng học hỏi và đạt được một bằng cấp mới, hoặc có được một kỹ năng mới làm tăng giá trị của bạn đối với công ty, thì bạn có thể phù hợp với các tiêu chí để được tăng lương. Bạn có thể đã hoàn thành một khóa học kỹ năng nghiệp vụ mới, chẳng hạn như về thiết kế hoặc sản xuất podcast, và những kỹ năng này sẽ giúp bạn đảm nhiệm các công việc mà công ty từng phải thuê ngoài, góp phần giúp công ty tiết kiệm đáng kể tiền bạc.

Tuy nhiên, bạn cũng không thể chỉ đơn giản là đưa đến trước mặt sếp một tờ giấy xác nhận hoàn thành khoá học kỹ năng hay nói một cách vu vơ về điều đó. Bạn cần phải thể hiện những kỹ năng đó ra, bằng cách xin đảm nhận phần công việc liên quan hoặc sử dụng kỹ năng đó vào công việc hiện tại một cách thông minh và linh hoạt hơn. Bạn cũng phải đảm bảo mình hoàn toàn thành thạo những kỹ năng này và có thể đem lại lợi ích cụ thể cho công ty nhờ vào những gì mình đã học được.


From the same category