Bàn luận xôn xao về ‘án tử ung thư’

“Án tử” treo trên đầu

Căn bệnh ung thư giai đoạn cuối không chỉ là “án tử” đối với anh Nguyễn Hữu H. (Nghệ An) mà còn là “án tử” với những người thân của anh.

Con trai anh H. chia sẻ: “Từ ngày biết bố mắc bệnh cho đến lúc bố mất gia đình tôi không thể ăn được một bữa cơm nào trọn vẹn, không được giấc ngủ trọn giấc. Tôi cứ chợp mắt là sợ bố đi …”.

Chị Nguyễn Hiền (Hà Tĩnh) cũng chia sẻ trên trang cá nhân về nỗi đau có người thân mắc căn bệnh quái ác này.

Chị viết: “Bố mình mất 3 năm rồi, cũng vì căn bệnh ung thư. Nỗi buồn đó chưa bao giờ nguôi trong tim mình. Những năm sau ngày bố mất, mình tham gia vào nhiều diễn đàn, nhiều trang web để chia sẻ với nỗi đau của những người đang mắc căn bệnh quái ác này hoặc có người thân đang mắc bệnh cũng là một cách để vơi bớt nỗi đau về sự mất mát trong lòng mình”.

Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện K.

Trên một diễn đàn khác với topic “Cùng chia sẻ những kinh nghiệm chống lại căn bệnh ung thư”, thành viên có nickname Leed chia sẻ: “Đây là căn bệnh ai cũng khiếp sợ. Mình đã chứng kiến bạn mình vật vã trong cơn đau vì bệnh ung thư lưỡi lúc cuối đời, mình ám ảnh vô cùng. Giờ ăn uống cái gì, mình cũng sợ…”.

Nhiều bạn đọc cũng chia sẻ họ thật sự tuyệt vọng khi nghe tin người thân mắc căn bệnh này. Bởi bên cạnh nỗi đau về thể xác mà người bệnh phải gánh chịu, người thân của họ cũng phải đối mặt với vấn đề là chi phí chữa bệnh rất cao.

“Bạn mình có con gái bị bệnh ung thư. Hoàn cảnh khó khăn vợ chồng bạn mình đã phải vay mượn rất nhiều để cứu con. Nhưng sau đó, cháu cũng mất mà bố mẹ cũng phải đối mặt với một số nợ không nhỏ…”, một độc giả đã chia sẻ trên diễn đàn.

Căn bệnh ung thư có xu hướng gia tăng, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới khiến dư luận lo lắng.

Tuy nhiên, nhiều độc giả VietNamNet đã cho rằng: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi ô nhiễm môi trường ở các đô thị ngày càng trầm trọng và thực phẩm bẩn đang được bày bán tràn lan”.

Hệ quả tất yếu?

Bên cạnh chia sẻ nỗi lo lắng về sự phát triển đáng sợ của căn bệnh ung thư, nhiều độc giả cũng đã phân tích nguyên nhân của thực trạng trên. Hầu hết các ý kiến khác của bạn đọc đều cho rằng thực trạng đáng buồn trên một phần lớn là do thực phẩm bẩn.

Bạn đọc Nguyễn Chung phân tích vấn đề khá cụ thể: “Bệnh nhân ung thư tăng nhanh không có nguyên nhân nào khác là do ô nhiễm môi trường sống và ô nhiễm thực phẩm”.

Cũng tương đồng với ý kiến trên, bạn đọc Hoàng Giang khẳng định: “Nguyên nhân của căn bệnh ung thư ngày càng gia tăng là do môi trường (không khí, nguồn nước…) và thực phẩm bị ô nhiễm. Ngoài ra, việc xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp ồ ạt khiến cho rừng đầu nguồn bị phá hủy, sông suối, ao, hồ bị lấp trong khi bệnh viện quá tải, cơ sở vật chất còn thiếu thốn cũng là một nguyên nhân”.

Độc giả ở địa chỉ Nguyenhuong…@yahoo.com cũng nhấn mạnh: “Không kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoa quả, rau xanh.. chứa hóa chất độc hại tràn lan. Thêm vào đó là ô nhiễm môi trường, các dòng sông, những cánh rừng bị mấy công ty công nghiệp “bức tử” thì không chỉ ung thư mà còn nhiều căn bệnh đáng sợ nữa phát triển”.

Một bạn đọc khác cũng cho rằng: “Từ các loại rau, củ, quả cho đến quần áo, đồ gia dụng trên thị trường hiện nay đa phần là hàng hóa Trung Quốc. Nhà tôi ở Cầu Giấy (Hà Nội) ngày nào cũng thấy hàng loạt xe hoa quả bán Táo, quýt, cam, nho…đội mác là hàng Đà Lạt, Sơn La, Thái Lan bán giá rẻ nhưng thực chất là hàng Trung Quốc, ai mà biết được những thứ hoa quả ấy đã tẩm bao nhiêu hóa chất độc hại?”.

Một độc giả khác khẳng định “Chuyện không có gì là sửng sốt”. Độc giả trên cũng lý giải ý kiến của mình: “Hóa chất, thuốc tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc bảo quản thực phẩm, rau quả không rõ nguồn gốc được bán tràn lan. Nhiều nhà máy, xi nghiệp xả thải chất độc hại trực tiếp ra môi trường làm ô nhiễm môi trường thì tỷ lệ người bị ưng thư tăng lên là hệ quả tất yếu thôi”.

“Theo tôi, lối sống của mỗi con người cũng là nguyên nhân của căn bệnh ung thư. Tôi có quen 4 trường hợp bị ung thư thì trong đó có 3 người là nghiện bia rượu hoặc thuốc lá. Giới trẻ ngày nay cũng không biết quý trọng sức khỏe của mình”, độc giả ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.

Theo độc giả này, đa phần người trẻ ngày nay có thói quen ăn uống không khoa học như ăn nhiều chất đạm, chất béo trong khi lười ăn rau, hoa quả và lười tập thể dục.

Một độc giả khác cũng đồng quan điểm: “Khoảng 6, 7 giờ tối dọc các con đường như Nguyễn Phong Sắc, Kim Mã… rất nhiều thanh niên, công chức nhậu nhẹt bia rượu đến tận đêm khuya. Đừng nói là ung thư chứ nhiều căn bệnh khác cũng gia tăng nếu không sinh hoạt, ăn uống khoa học”.

Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác khiến tỷ lệ tử vong vì bệnh ung thư tăng nhanh cũng được người đọc liệt kê. Theo độc giả Hà Thanh thì: “Căn bệnh này có hy vọng chữa trị nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tuy nhiên do người dân nước mình ít đi khám bệnh định kì. Lúc phát hiện thì đã muộn”.

Thay đổi lối sống lười vận động. Thay đổi chế độ dinh dưỡng bằng cách uống ít rượu bia, đồ uống có ga và ăn nhiều rau, quả sạch…

Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để không chỉ chủ động phòng tránh ung thư mà còn đảm bảo sức khỏe tốt. Đó là những lời khuyên mà nhiều độc giả gửi về báo VietNamNet trước sự gia tăng đáng lo ngại của căn bệnh này.

Theo Vietnamnet

From the same category