Năm 2004 khép lại với một loạt các vì sao mới le lói. Trội nhất là Kasim Hoàng Vũ và Hồ Quỳnh Hương. Bên cạnh họ là loạt Tùng Dương, Lê Hiếu, Khánh Linh, Khánh Ngọc… Bước qua mọi kỳ vọng từ khán giả, sự thừa nhận của giới chuyên môn, sự tâng bốc đôi khi quá liều của thông tin đại chúng, họ đang và sẽ phải làm một cuộc thập tự chinh đầy thương khó nơi làng V-pop biến ảo không ngừng và khó lường. Sẽ chẳng có câu thần chú “Vừng ơi” nào để các ca sĩ trẻ của chúng ta dễ dàng mở cửa được kho báu – kho báu của sáng tạo, của niềm đam mê âm nhạc, của sự sinh tồn sống chết với nghiệp dĩ ca hát trót mang vào thân. Muốn thành công, những niềm hy vọng V-pop’05 sẽ dấn thân với tinh thần đột phá.
Ca sĩ trẻ 2004, để trút bỏ được lớp áo khi chật và vươn mình Hercules phải mang màu sắc tươi mới để thích ứng với các dòng dịch chuyển của âm nhạc. Phải nắm vững mọi tính năng, kỹ thuật về âm nhạc chứ không thể luyện thanh dăm ngày, vung tay múa nhịp đôi ba bữa là có thể nhảy phóc lên sàn diễn. Và rồi đây, họ còn trở thành người càng đa năng càng tốt trước khi đi vào khuôn mẫu nhất mực nào đó. Chẳng có hại gì nếu mỗi ca sĩ đảm đương phong cách một nhà hoạt động giải trí (entertainer). Tại sao không nhỉ khi hôm nay công chúng thưởng ngoạn một entertainer hát trong liveshow, ngày mai lại lũ lượt vào rạp xem anh ấy/cô ấy thể hiện trên màn bạc, cuối tuần lại thấy ngôi sao lịnh lãm làm MC vui nhộn trong một gameshow truyền hình… Những giọng hát trẻ với trình độ và kiến thức ngày càng mở rộng trong một không gian âm nhạc, một môi trường giải trí thoáng, ngày một đa dạng hơn, có quyền mơ đến điều ấy…
Năm 2004 tạo ra một tiền đề vững chắc cho một loạt những gương mặt mới thăng hạng. Đoán vậy, vì rằng những Tùng Dương, Ngọc Khuê, Lê Hiếu, Khánh Linh đã cho thấy họ có bản lĩnh trước tuổi khi chọn đi theo những dòng nhạc họ thích như thế nào. Đoán vậy, vì âm nhạc trở thành công nghệ như một xu hướng không gì cưỡng nổi. Ở công nghệ đó, mọi chiến lược đào tạo, PR, xây dựng hình tượng và duy trì tuổi thọ thành công của một tên tuổi đã được hoạch định nghiêm túc từ ban đầu. Thậm chí, như lời nhạc sĩ Nguyễn Hà, từ khi tìm kiếm thành viên cho một nhóm hát, ông bầu đã hướng đến sau này “gà” mình sẽ là đại sứ cho sản phẩm quảng cáo nào đó rồi! Ở công nghệ, người ca sĩ không phải đội nắng dầm mưa đến các nhạc sĩ, xin bài, góp từng đồng cát-sê đi hát hàng đêm để trả tiền thu âm, in bìa… Tất cả được nhà đầu tư bỏ ra và tính toán sinh lợi. Cũng ở công nghệ, một êkíp làm việc hoàn hảo trở thành các vệ tinh xoay quanh ca sĩ và cứ thế đẩy lên theo kiểu xoắn ốc. Trên cơ sở này, những Hồ Quỳnh Hương, Khánh Ngọc… đang có sự hậu thuẫn lớn lao từ êkíp riêng, nhem nhúm những thành công từ trong năm. Và dĩ nhiên họ có nhiều cơ may tỏa sáng. Và những dòng nhạc dân gian đương đại, jazz, world music, kể cả hip hop nữa… đang được nhiều nhân tố mới nhiệt tình khai thác, cũng rất đáng trân trọng và xứng đáng được chờ đợi.
Khi mọi việc dần đi vào chuyên nghiệp, cái độc đáo, sáng tạo song hành cùng cái hay, sự tươi mới được thừa nhận ở cấp độ cao nhất thì làng nhạc Việt sẽ thăng hoa với những đợt sóng mới không ngừng. Từ thời điểm nhạc Việt 1996 đến nay đã chứng kiến nhiều cuộc lên ngôi, xiết bao sự bền bỉ hoạt động, như Thanh Lam, Mỹ Linh, Lam Trường, Phương Thanh, Trần Thu Hà… Sau bao năm tháng, họ là những tấm gương. Dù rằng cuộc thập tự chinh của họ và của thế hệ ca sĩ trẻ bây giờ đã khác nhau rất nhiều./.
(Trung Nghĩa – Báo Tuổi trẻ)
Chia sẻ bài viết này