Bán khống, làm giá lại nhấn chìm chứng khoán

Lan tràn sai phạm

Một trong những biểu hiện của tình trạng trên đây là việc công bố thông tin không đúng quy định, không chính xác gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán (UBCK) ngày 21/1 đã xử phạt Công ty Chứng khoán Golden Brigde Việt Nam (GBS) do có nhiều hành vi vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK.

Theo đó, GBS bị phạt 320 triệu đồng vì cho khách hàng bán khống, mua khống chứng khoán và không không thực hiện nghĩa vụ báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính (CTCK), cũng như thiết lập trang thông tin điện tử chưa tuân thủ đúng quy định.

Đây là mức phạt khá lớn so với các vụ xử phạt tương tự gần đây tại HSC, Chứng khoán Đại Nam hay Quản lý quỹ Lộc Việt. Bên cạnh đó, UBCK đang phối hợp với cơ quan chức năng để xem xét xử lý GBS đối với một số vi phạm khác về hoạt động môi giới và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Vụ ông Lê Hồ Khôi, tổng giám đốc Chứng khoán Tràng An (TAS) bị khởi tố và bắt tạm giam trong vài ngày qua cũng làm lộ ra một loạt các sai phạm tại công ty này. Theo đó, TAS đã cho NĐT mua chứng khoán khi không đủ tiền và đã bị Trung tâm lưu ký ngưng cung cấp các dịch vụ liên quan, HOSE ngừng giao dịch, đưa TAS vào diện chấm dứt tư cách thành viên bắt buộc.

Hiện tượng, mua bán khống chứng khoán được UBCK cho biết đã giảm nhiều về cường độ cũng như giá trị nhưng đang xuất hiện trở lại gần đây khi thị trường tăng điểm và thanh khoản được cải thiện.

Trong khi đó, hiện tượng mua chui bán lén, chậm công bố thông tin vẫn diễn ra khá phổ biến, bị xử phạt liên tục nhưng vẫn lan tràn. Gần nhất, cuối tuần qua, là trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng Nga, con ông Nguyễn Duy Khuyến – thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hóa chất Lâm Thao (mã LAS – HNX) bị phạt 40 triệu đồng do chậm báo cáo lý do không thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu.

Trước đó 3 – 4 ngày, UBCK cũng đã xử phạt đối với người có liên quan tới bà Trịnh Thị Thu – Giám đốc Tài chính Công ty NTACO (ATA), xử phạt Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 do sai phạm khi thực hiện mua bán cổ phiếu…

Đặc biệt, hiện tượng DN niêm yết chậm công bố kết quả kinh doanh vẫn đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Tính cho tới cuối tuần qua, cũng là thời hạn cuối cùng để các DN niêm yết công bố báo cáo tài chính quý IV/2012 nhưng số lượng DN công bố chỉ khoảng 70 DN, so với hơn 700 đơn vị đang có cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Xử phạt mạnh tay?

GBS là trường hợp tiếp theo bị xử lý chính thức về vi phạm mua bán khống. Trong nỗ lực đẩy lui vấn nạn được cho là gây nguy hại cho chứng khoán, UBCK dự kiến sẽ áp dụng biện pháp nặng là đình chỉ hoạt động môi giới CTCK cho dù vi phạm ở mức độ nào. Các CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm về nhân viên môi giới của mình nếu nhân viên đó vi phạm hoạt động bán khống.

Với những hình phạt tiền đã áp dụng cho một số CTCK gần đây như HSC, Đại Nam, công ty quản lý quỹ Lộc Việt, hay một số cá nhân liên quan… và cảnh báo xử lý mạnh tay hơn, hoạt động bán khống dường như đã được hạn chế rất nhiều các hiện tượng trên. Tuy nhiên, ở đâu đó, nhiều mã cổ phiếu của một số DN làm ăn kém hiệu quả, có thể dựa hơi thị trường và hoạt động bán khống có thể vẫn đang diễn ra, mà biểu hiện là giá cổ phiếu tăng bất thường, không phản ánh thực trạng DN.

Hơn thế, nhiều NĐT còn cho rằng, hoạt động thanh tra, xử lý của các cơ quan chức năng dường như chưa đủ mạnh. Các vụ mua chui bán lén ở một số ngân hàng, CTCK lớn trong năm 2012 vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.

Quyết định xử phạt GBS trên thực tế không bất ngờ bởi giới đầu tư đều hình dung được rằng hoạt động mua bán khống vẫn đang diễn ra, nhất là trong vài tuần gần đây khi mà cổ phiếu ồ ạt tăng giá, bất kể tốt xấu. Các hình thức vi phạm có thể được thực hiện tinh vi hơn nhờ sự hỗ trợ của các thành viên thị trường.

Cho dù, GBS là một CTCK nhỏ yếu trên thị trường đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt (từ 5/12/2012 đến 5/4/2013) và đã gặp khá nhiều tai tiếng trong năm 2012 với 3 lần bị đình chỉ hoạt động giao dịch do vi phạm thanh toán với Trung Tâm lưu ký và 2 lần bị hủy giao dịch với các bên liên quan; cổ phiếu GBS thuộc diện điều tra về hành vi thao túng giá.

Cũng liên quan tới công bố thông tin, giới đầu tư đã ngã ngửa với cổ phiếu SHN của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội tăng hàng chục phiên trần. Tuy nhiên, đến sáng 22/1, SHN bất ngờ công bố tiếp tục thua lỗ hơn 17,4 tỷ đồng trong quý IV và tính chung trong năm 2012 lỗ hơn 127 tỷ đồng. Lũy kế thua lỗ của SHN là 252 tỷ đồng, bằng khoảng 77% vốn chủ sở hữu. Với diễn biến này, nhiều nhà đầu tư đã hớ nặng khi mua cổ phiếu này trong thời gian qua.

Những thông tin tưởng lỗ mà thành lãi khủng như trường hợp Nhiệt điện Bà Rịa BTP do NHNN điều chỉnh cho áp dụng tỷ giá mới, rồi những tuyên bố bán tháo cổ phiếu của các đại gia rồi không thực hiện, hoặc chưa thực hiện như trường hợp ông Trầm Trọng Ngân (STB)… là những ví dụ cho thấy TTCK còn nhiều lỗ hổng trong công bố thông tin, mà hậu quả của nó thường là NĐT nhỏ lẻ chịu thiệt. Điều đó khiến cho nhà đầu tư mất niềm tin và chứng khoán lại bị nhấn chìm.

Theo Vietnamnet

From the same category