Băn khoăn tóc rụng quá nhiều - Tạp chí Đẹp

Băn khoăn tóc rụng quá nhiều

Sức Khỏe

“Trung bình mỗi người bị mất từ 50 – 100 sợi tóc một ngày”, theo Francesca Fusco, bác sĩ da liễu chuyên nghiên cứu về hiện tượng rụng tóc tại New York cho biết: “Rụng tóc và tóc mới sẽ mọc nhanh chóng để thay thế là một chu kỳ bình thường. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành bất thường nếu tóc bạn bị rụng quá nhiều và bất kể khi nào. Đó có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nào đó mà bạn cần lưu ý”.

Triệu chứng rụng tóc (Telogen Effluvium – TE)

Telogen effluvium là hiện tượng xảy ra trong thời gian phụ nữ mang thai, trải qua các phẫu thuật lớn, chế độ ăn kiêng, phẫu thuật lớn với cơ thể, thành phần chỉ định trong một số thuốc chống/ trị trầm cảm, thuốc chống viêm, do căng thẳng quá mức…, nó khiến tóc bạn bị rụng bất kì khi nào: khi gội đầu, chải tóc, ngủ, làm tóc…

Triệu chứng rụng tóc (TE) xuất hiện ở một vùng của da đầu, thông thường có thể nhận biết tóc ở phần đỉnh đầu sẽ mỏng và ít hơn ở hai bên và mặt sau da đầu. Phụ nữ gặp chứng bệnh này nhận thấy sự rụng tóc từ sáu tuần đến ba tháng và thường xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi. Nếu nghiêm trọng, nó khiến hói, dần dần rụng toàn bộ tóc và lan xuống vùng khác như lông mày.

Không có bất kì xét nghiệm nào xác minh được triệu chứng này, nhưng Telogen effluvium liên quan đến chu kỳ sinh trưởng của tóc, có thể được điều trị phụ thuộc vào những gì đã kích hoạt nó. Nghĩa là xác định được nguyên nhân khiến bạn rụng tóc, các bác sĩ sẽ can thiệp nhằm điều trình chu kỳ rụng tóc và kích thích sự mọc tóc trở lại.

Nếu bạn bị stress quá nhiều dẫn đến rụng tóc, nên tìm hiểu các phương pháp lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Nếu thuốc đặc trị là thủ phạm chính, bạn cần nói chuyện với bác sĩ điều trị để giảm liều lượng hoặc chuyển sang thuốc khác tương ứng nhằm cải thiện tình hình.

 

Do di truyền

Theo Viện da liễu Mỹ, androgenetic (rụng tóc do yếu tố di truyền) là nguyên nhân phổ biến nhất, gen này có thể được di truyền từ mẹ hoặc bố trong gia đình.

Androgenetic ảnh hưởng đến khoảng 50% nam giới (là nguyên nhân chính của hiện tượng hói đầu ở đàn ông tuổi trung niên) và xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi sau 40. Theo nghiên cứu cho biết 13% phụ nữ mắc chứng rụng tóc này trước thời kì mãn kinh, và khoảng 75% phụ nữ ở độ tuổi 65 gặp phải.

Nguyên nhân rụng tóc do di truyền androgenetic  là một loại hóa chất dihydrotestosterone, hoặc DHT, được hình thành từ nội tiết tố androgen, tác động của enzyme có tên 5 – alpha reductase. Những người có nhiều enzyme này gây dư thừa, khiến các nang tóc mỏng đi, mỏng dần và cuối cùng rụng hoàn toàn.

Điều trị chứng rụng tóc do androgenetic, bạn nên gặp các bác sĩ da  liễu để kiểm tra, làm các xét nghiệm xác định nguyên nhân chính gây rụng tóc do di truyền, trong máu hay các yếu tố khác. Minoxidil (hay các loại Rogaine, Regaine, Vanarex, Mintop và Loniten…) là thuốc có tác dụng làm chậm hoặc ngừng rụng tóc và thúc đẩy tóc mọc trở lại. Phụ nữ không nên dùng thuốc này khi đang mang thai hoặc cho con bú. Tốt nhất, bạn nên có hướng dẫn sử dụng của bác sĩ phù hợp với chứng rụng tóc của mình.

Suy giáp và cường giáp

Tuyến giáp hoạt động kém là biểu hiện của suy giáp. Khi nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp,các hormone chịu trách nhiệm cho quá trình trao đổi chất, điều hòa nhịp tim, tâm trạng hoạt động kém. Lúc này, bạn thường xuyên gặp phải cảm giác mệt mỏi, mái tóc, làn da, móng tay bắt đầu thay đổi.

Theo tiến sĩ Theodore C.Friedman, giám đốc khoa nội tiết, trao đổi chất và nghiên cứu y học phân tử tại đại học Charles Drew, Los Angeles, đồng tác giả cuốn sách “Mọi điều cần biết về căn bênh tuyến giáp (2007) cho biết: “Triệu chứng suy giáp thường gây ra các triệu chứng như tăng cân đột ngột, mệt mỏi, táo bón, trầm cảm, khó tập trung, tóc, móng tay giòn và dễ đứt/ gãy, da khô, thiếu sức sống… Phụ nữ có nguy cơ gặp phải cao gấp 10 lần và thường ở độ tuổi trên 50, thêm vào đó, căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 5% dân số Hoa Kỳ”.

Cường giáp được gọi khi tuyến giáp hoạt động quá mức và sản sinh lượng quá nhiều hormone tuyến giáp. Đối ngược với suy giảm, cường giáp gây các triệu chứng giảm cân đột ngột, tim đập nhanh, hay bồn chồn, giật mình, khó chịu, tiêu chảy, da ẩm ướt, cơ bắp yếu, thay đổi về thị giác… Quá trình trao đổi chất và hormone tăng đột ngột cũng làm bạn rụng tóc. Cường giáp ít gặp hơn suy giáp và ảnh hưởng đến 1% dân số Hoa Kỳ.

Bạn có thể phát hiện kịp thời suy giáp hoặc cường giáp bằng các xét nghiệm thường xuyên kiểm tra máu đo hormone trong tuyến giáp và các bác sĩ có thể can thiệp bằng các toa thuốc để khôi phục chúng trở về mức độ bình thường.

 

Lupus

Lupus là bệnh tự miễn dịch mãn tính của các mô liên kết, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô. Theo Quỹ Lupus Mỹ (LFA), căn bệnh này ảnh hưởng đến cả hai giới, phụ nữ có nguy cơ cao gấp 9 lần nam giới, thường gặp phải trong độ tuổi 15 – 45.

Lupus gây mệt mỏi, đau đầu, loét miệng, đau, sưng khớp. Một số người có phát ban hoặc da nhạy cảm. Các triệu chứng thường gặp: sốt, sưng ở bàn tay, chân và xung quanh mắt, đau ngực, thiếu máu. Rụng tóc trong khi gội đầu hoặc chảy máu chân răng có thể đi kèm.

Với các triệu chứng đa dạng và không giống nhau của từng người, rất khó khăn trong việc xét nghiệm để chuẩn đoán bệnh Lupus. Trường đại học chuyên nghiên cứu về Thấp khớp tại Mỹ (ACR) áp dụng chuẩn đoán bệnh Lupus dựa trên 4/11 triệu chứng phổ biến của người bệnh: viêm màng quanh phổi (tim) (serositis), loét niêm mạc, viêm khớp, phát ban, rối loạn máu, thận, rối loạn thần kinh…

Hiện tại Lupus chưa có thuốc đặc trị hoàn toàn, tuy nhiên, dựa vào mức độ ảnh hưởng đến từng người, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp kiểm soát bệnh, các triệu chứng và giúp duy trì chức năng bình thường, ngăn các biến chứng.

Thiếu sắt

Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt không bổ sung đủ các thực phẩm nhiều sắt có thể dẫn đến thiếu máu, các hồng cầu vận chuyển oxy cung cấp cho toàn bộ cơ thể.

Thiếu máu (thiếu sắt) gây mệt mỏi, thể trạng yếu, da xanh xao, kèm các triệu chứng nhức đầu, khó tập trung, bàn tay, bàn chân lạnh và rụng tóc. Đôi lúc, bạn cảm thấy khó thở.

Dựa vào các triệu chứng, ngoài ra, bạn có thể thực hiện các xét nghiệm đo nồng độ ferritin, protein, lượng sắt cần thiết trong cơ thể. Chú ý bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, cá, thịt lợn, rau xanh, ngũ cốc, họ hàng đậu, cùng các thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt. Phụ nữ cần 18 mg sắt mỗi ngày và 8 mg sau khi mãn kinh. Bạn có thể bổ sung các chất ngoài sắt nhằm ngăn ngừa rụng tóc do thiếu máu như biotin, silica, L-cysteine.

Hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS)

Trung bình ở Mỹ, mỗi năm có năm triệu phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng. PCOS thường gây vô sinh, gây ra bởi sự mất cân bằng nội tiết tố trong buồng trứng và sản sinh quá nhiều các nội tiết tố nam.

Lông phát triển mạnh trên cơ thể, kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá, u nang buồng trứng kèm theo hiện tượng rụng tóc là triệu chứng đáng chú ý của hội chứng đa nang buồng trứng. Trong hầu hết các trường hợp, xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ testosterone hay DHEAS (dehydroepiandrosterone) và điều trị bằng thuốc tránh thai Yasmin trong đó chứa thành phần anti-androgen phá vỡ testosterone. Nếu không phù hợp với thuốc tránh thai, các bác sĩ có thể cân nhắc giúp bạn spironolactone (Aldactone) có tác dụng ngăn chặn các hormone nam phát triển.

 

Vấn đề về da đầu

Các vấn đề về da đầu như gàu, bệnh vảy nến, nhiễm trùng nấm, các bệnh nấm ngoài da gây khó khăn cho tóc phát triển. Gàu là bệnh ngoài da, việc tróc/ bóc các lớp vảy trắng dưới da đầu do nấm men có tên Malassezia, hệ quả của việc thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Bệnh vảy nến xuất hiện trên da đầu bởi các mảng trắng có thể chảy máu nếu gãi. Tương tự các trường hợp nấm ngoài da trên da đầu cũng là nguyên nhân gây tóc rụng nhiều.

Bạn cần phát hiện kịp thời các triệu chứng lạ xuất hiện trên da đầu để có thuốc điều trị cho các bệnh nấm, viêm da thích hợp.

Rụng tóc theo từng vùng 

Giống như theo các yếu tố di truyền, rụng tóc từng vùng biểu hiện rối loạn các cơ quan trong cơ thể, khi hệ thống miễn dịch tấn công các nang tóc. 4,7 triệu người tại Hoa Kỳ gặp phải tình hình này và ở cả hai giới.

Kiểm tra ANA, nồng độ hormone, hay lượng sắt trong cơ thể để xác định nguyên nhân cụ thể cho trường hợp rụng tóc. Corticosteroid intralesional hoặc minoxidil (Rogaine) là phương thuốc có thể giúp giảm tóc rụng  và theo các chuyên gia, giữ cơ thể khỏi căng thẳng, stress là cách tốt nhất hạn chế rụng tóc.

Lạm dụng tạo kiểu tóc

Gội đầu nhiều, tạo kiểu tóc, làm tóc, uốn, nhuộm… dùng nhiều nhiệt độ, hóa chất có thể làm tóc suy yếu và gây tổn hại đến mái tóc. Tóc sẽ bị khô, xơ, chẻ ngọn và mất dần sức sống cho đến khi rụng.

Khi làm tóc, bạn nên tránh sử dụng các thiết bị nhiệt độ cao với tóc, nếu dùng máy sấy, chế độ thấp và mát được khuyến khích, lưu ý là hạn chế là/ ép tóc. Nhuộm tóc với nhiều hơn một hoặc hai màu sắc với các hóa chất có thể khiến tóc yếu và gãy rụng. Gel tóc hay keo xịt tóc, bạn nên chú ý chải tóc khi còn ẩm (không ướt), bởi chải tóc khi khô và cứng sẽ làm tóc nhanh gãy rụng.

Sức khỏe tóc không chỉ thể hiện sức sống vẻ bề ngoài, mà còn báo hiệu sức khỏe bên trong cơ thể bạn. Nếu bạn bị rụng tóc nhiều và thường xuyên, nên tìm hiểu nguyên nhân hoặc đến gặp bác sĩ da liễu.

Phí Minh Tân (Theo Msn).

Thực hiện: depweb

27/03/2012, 13:54