Bạn đời mùa cách ly: Ai lại đi chia tay vì được ở bên nhau chứ? - Tạp chí Đẹp

Bạn đời mùa cách ly: Ai lại đi chia tay vì được ở bên nhau chứ?

Sống

Tôi kể cho chồng nghe về những mối quan hệ đổ vỡ sau đại dịch ở Trung Quốc, chồng tôi cười bảo: “Chúng mình nhất định sẽ không như thế, ai lại đi chia tay vì được ở bên nhau chứ. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để chậm rãi nhìn tỏ lòng nhau và thương nhau nhiều hơn”.

Tôi và chồng đã lái xe về vùng nông thôn để tự cách ly ngay trong buổi tối chính phủ Đan Mạch tuyên bố phong tỏa toàn quốc. Đất nước nhỏ bé vùng Bắc Âu yên bình và hạnh phúc này rồi cũng đã đến lúc được đặt trong tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19, trong một nỗ lực để không lặp lại cái kịch bản khủng khiếp đang diễn ra ở nước Ý.Xe chúng tôi chạy băng qua những cánh đồng và rừng cây dưới bầu trời rộng rãi của một đêm cuối đông yên tĩnh. Tôi hỏi chồng liệu đây có phải là sự yên lặng đáng sợ trước một cơn bão lớn hay không? Anh nở một nụ cười điềm tĩnh, như bao lần: “Em nên nghĩ rằng đây là sự yên lặng của giao mùa. Mùa đông sắp kết thúc và mùa xuân sắp về. Nhiệm vụ của chúng ta là phải yên lành cho đến mùa xuân”.

Hai hôm trước, chồng tôi bị sốt 38 độ. Dù bác sĩ của gia đình cho rằng đó chỉ là biểu hiện cảm thông thường, nhưng giữa thời điểm những ca nhiễm Covid-19 ở Đan Mạch đã nhảy lên con số hơn 1.000 chỉ sau hơn hai tuần, điều khiến chúng tôi sợ hãi hơn cả là nếu mình mang virus trong người rồi lại vô tình lây cho những người già đang sống một mình trong chung cư, họ chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt dịch bệnh nguy hiểm này. Cứ nhìn hàng trăm cụ ông cụ bà không qua khỏi mỗi ngày ở Ý, đất nước có tỉ lệ dân số già nhất nhì thế giới, tim tôi nghẹn lại. Thông điệp của chính phủ đã nói rất rõ ràng: “Nếu yêu thương nhau, xin hãy tạm xa nhau”, nhất là hãy tạm không gặp gỡ hay gần gũi người lớn tuổi.


Vậy nên vợ chồng tôi quyết định dọn về ngôi nhà mùa hè ở vùng biển phía Tây. Đó là một ngôi nhà gỗ nằm lẻ loi giữa thiên nhiên, trước mặt là biển, sau lưng là một dải rừng nhỏ, gần đó là những cánh đồng điện gió bao la và một vài nông trại trồng táo. “Một nơi lý tưởng để tự cách ly cùng nhau!”, chúng tôi hào hứng vui vẻ bảo nhau thế trong đêm đầu tiên ngủ ở đây. Tuy nhiên, sự hào hứng đó vơi dần đi vào những ngày tiếp theo, khi chúng tôi ở cùng nhau 24/24, nhìn thấy nhau cả ngày lẫn đêm. Chuyện này thật sự mới, bởi trước đây chồng tôi đi làm từ sáng đến chiều, vợ chồng chỉ gặp nhau vào buổi tối để ăn cơm và trò chuyện về những buồn vui trong ngày. Giờ thì cả hai đều làm việc tại nhà, ăn ba bữa cùng nhau, đi siêu thị cùng nhau, tập thể dục cùng nhau, dọn nhà cùng nhau, đi dạo biển cùng nhau, xem phim cùng nhau, bên nhau không rời từ bình minh cho đến nửa đêm, rồi lại đi ngủ cùng nhau. Cũng không còn mấy chuyện để kể cho nhau, ngoài việc cập nhật tình hình “cô Vy” cổ lượn tới đâu rồi.


Gần đây tôi đọc thấy một tin tức thế này: “Tỉ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng ở Trung Quốc tăng đột biến sau mùa dịch vì ở nhà cùng nhau quá nhiều”. Ái chà, ly hôn là chuyện lớn rồi, mới đầu tôi cứ tưởng đùa, nhưng nghĩ lại thì thấy chuyện này nghiêm trọng thật! Vợ chồng tôi mới cưới chưa bao lâu, vẫn trong giai đoạn trăng mật khi tình yêu và sự đam mê hãy còn nồng nhiệt, ấy vậy mà cũng có những khoảnh khắc chúng tôi thấy ngột ngạt khi phải ở bên nhau suốt, không có lấy một phút riêng tư, trừ lúc đi tắm. Thế thì những cặp đôi cưới nhau đã lâu, với trách nhiệm, con cái, nỗi lo toan, gánh nặng cơm áo, và có lẽ cả sự nhàm chán lẫn nhau, hẳn sẽ có những lúc cảm thấy mệt mỏi, chán chường.

Lúc trước bận rộn chỉ muốn được ngồi lại cùng nhau thảnh thơi uống trà, giờ có cả ngày bên nhau thì lại như hai kẻ mang tâm hồn chật chội trong một cuộc cưỡng chế.

Có những ông chồng trước đây chưa bao giờ về nhà trước 9 giờ tối vì bận công việc và những cuộc nhậu với đối tác, nay bỗng nhiên phải ở nhà cả ngày nhìn vợ con với tâm trạng bứt rứt. Ngược lại, có những cô vợ trước đây chấp nhận một mình quán xuyến gia đình để chồng lo sự nghiệp, nay bỗng nhiên thấy chồng rảnh rỗi cả ngày nhưng vẫn không chia sẻ việc nhà với mình, đâm ra bất mãn… Rồi giữa mùa dịch bệnh, những tin tức xấu (cả thật lẫn giả) cứ liên tục tràn ra mỗi ngày như một cuộc bao vây, sự sợ hãi khiến ta dễ trở nên kích động, hoảng loạn, rồi từ đó lại nói những lời khiến nhau đau lòng. Lúc trước bận rộn chỉ muốn được ngồi lại cùng nhau thảnh thơi uống trà, giờ có cả ngày bên nhau thì lại như hai kẻ mang tâm hồn chật chội trong một cuộc cưỡng chế. Và có lẽ từ đó, người ta bắt đầu cảm nhận rõ được sự cô đơn trong hôn nhân, và nỗi sợ rằng mình sẽ già đi từng ngày bên người khiến mình cô đơn. Vậy nên người ta quyết định bỏ nhau, có phải không?


Tuy nhiên, đó là chuyện của người ta, những người dễ bị hoàn cảnh tác động, mất đi cái tôi trong một mối quan hệ, không tôn trọng đối phương hoặc luôn ép người khác sống theo ý mình. Ý tôi là, cả tôi và bạn, và những tình yêu hay cuộc hôn nhân của chúng ta, tất cả vẫn còn đang ở đây, yên lành và bình tĩnh. Hay ít ra, tôi hy vọng chúng ta sẽ biết cách để bảo vệ những mối quan hệ quý giá của mình bằng sự nhẫn nại, bao dung, thấu hiểu, cố gắng cùng nhau.

Những ngày cách ly kì lạ này lại là dịp để chúng ta học cách hiểu hơn về nửa kia, học cách quan tâm, khen ngợi, ủng hộ, tôn trọng nhau. Học cách nói lời cảm ơn nhau.

Tôi kể cho chồng nghe về những mối quan hệ đổ vỡ sau đại dịch ở Trung Quốc, chồng tôi cười bảo: “Chúng mình nhất định sẽ không như thế, ai lại đi chia tay vì được ở bên nhau chứ. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để chậm rãi nhìn tỏ lòng nhau và thương nhau nhiều hơn”. Câu nói của anh khiến tôi giật mình, phải rồi, tôi đâu có biết anh làm việc chăm chỉ và mẫn cán thế nào nếu như không tận mắt nhìn thấy anh điều hành công việc tại nhà đầy trách nhiệm. Anh cũng không biết là tôi có thói quen uống trà gừng mật ong vào buổi sáng vì ngày thường anh thường ra khỏi nhà khi tôi vẫn còn đang ngái ngủ. Tôi không biết anh thường ăn trưa rất đơn giản ở công ty trong khi anh không biết tôi hay tụng kinh hướng Phật vào cuối buổi chiều. Anh không biết là tôi chưa bao giờ dùng máy cắt cỏ. Tôi không biết là anh biết đan len.

Tóm lại, những ngày cách ly kì lạ này lại là dịp để chúng ta học cách hiểu hơn về nửa kia, học cách quan tâm, khen ngợi, ủng hộ, tôn trọng nhau. Học cách nói lời cảm ơn nhau. Một cuộc đại dịch buộc ta phải chậm lại và thương nhau đủ nhiều để có thể cùng người bạn đời đi đến cuối hành trình dài nhiều thập kỷ.

Tác giả: Candy Thị

03/04/2020, 10:07