Cứ mỗi độ thu về, dân đi lại, nhiếp ảnh gia, những người yêu du lịch lại rộn ràng hỏi nhau xem lúa vùng cao đã chín chưa, chỗ nào đang xanh, chỗ nào đã gặt để vội vã lên đường cho đúng độ. Khắp các nẻo đường lên miền Đông Tây Bắc lại rộn ràng từng đoàn xe, dòng người nối đuôi nhau đi để cảm nhận sự hùng vĩ của đất trời cũng như sự tài tình của bà con dân tộc đã làm nên những sắc màu của núi đồi.
Giữa những cái tên như Sapa, Mù Cang Chải, Y Tý,… mảnh đất nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh với cái tên Hoàng Su Phì là một nơi rất đặc biệt. Mùa lúa ở đây chỉ trồng một năm một lần tùy theo nước trời, thông thường cấy lúa đổ nước vào tháng 5 và gặt vào tháng 10. Những thửa ruộng trải dài khắp thung lũng từ thấp lên cao tạo nên vòng xoáy vàng rực rỡ, dưới ánh nắng chiều, mọi thứ dường như đều được nhuộm một màu vàng no ấm.
Chúng tôi men theo con đường tỉnh lộ từ ngã ba Tân Quang nhằm hướng Hoàng Su Phì. Con đường nhựa nhỏ bé nằm cheo leo nơi vách núi, phía dưới kia là dòng suối chảy quanh co qua cả thửa ruộng đang chín vàng. Vượt đèo Cổng trời cũng là lúc chỉ còn lại màu vàng của lúa và màu xanh của trời. Những mái nhà nép mình bé nhỏ dường như lọt thỏm giữa triền núi đầy ruộng bậc thang. Thật khéo khen cho bàn tay những người dân nơi đây, qua bao đời đã làm nên những kỳ quan tuyệt sắc.
Từng bờ ruộng như những nét chấm phá uốn lượn, chở trên mình là bụi lúa nặng trĩu bông. Thêm sắc cho bức tranh đó có dăm cô gái Mông váy áo đỏ rực đang cúi mình gặt. Không khí nhộn nhịp của mùa gặt hiện rõ nơi đây, tất cả đều được làm thủ công. Từ gặt lúa, rồi đập, rồi phơi, rồi chà xát tạo thành gạo, tất cả những công đoạn ấy đều từ bàn tay những con người nhỏ bé sống giữa lưng trời này làm nên. Tôi ngồi lại bên triền đồi, một buổi chiều đầy nắng, nắng càng làm đẹp hơn phong cảnh nơi đây. Khói bếp nhà ai đã lên bảng lảng, hối hả những bó lúa cuối cùng, cả thửa ruộng giờ đây được nhuốm thêm màu vàng càng làm cho nổi bật hơn.
Chúng tôi xuống tận nương, gặp từng con người chân thật đang thoăn thoắt gặt. Để được nghe câu chuyện về ruộng, về những nhọc nhằn ngày khi đắp bờ giữ nước. Tiếng Kinh còn chưa rõ, những ông bố, bà mẹ cả những đứa trẻ mà chúng tôi gặp trên đường đều hiếu khách một cách rất tự nhiên như bản chất thật thà của họ.
Khi chỉ cách Hoàng Su Phì chừng hơn chục cây số, chúng tôi chọn cho mình lối đi vòng qua Thông Nguyên. Con đường men theo bờ suối cứ xuống dần xuống dần đến tận thung lũng là nơi họp chợ của bà con quanh đây. Khu trung tâm hành chính của xã nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa bốn bên là núi là rừng. Đứng ở giữa chiếc cầu nối hai bờ suối nhìn lên bốn hướng đều là màu vàng của lúa. Bà con người Mông cứ làm ruộng gần bờ suối làm lên, làm cho đến khi tới tận “đỉnh trời” thì dừng lại.
Ruộng bậc thang có ở khắp nơi tại Hoàng Su Phì, từ ven những con đường đến dòng sông con suối, từ dưới sâu thung lũng lên tận đỉnh núi. Chấm phá vào bức tranh mùa gặt đầy no ấm đó là những mái nhà của người Dao, người Mông, La Chí,… nằm lưng chừng núi làm tăng thêm vẻ đẹp cho miền đất này. Những âm thanh rộn ràng của mùa gặt, những váy áo xúng xính đầy sắc màu của bà con dân tộc, nụ cười cô gái hay ánh mắt của lũ trẻ ven đường dường như đều mang trong mình sự tươi vui. Nếu đi vào đầu vụ gặt (cuối tháng 9), bạn sẽ gặp những mảng màu xanh vàng xen lẫn của những nương lúa, còn đi vào đúng độ (khoảng giữa tháng 10) cả mảnh đất ấy chỉ là một màu vàng óng của lúa và nắng.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ mang những giá trị về vật chất mà còn mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa. Bà con các dân tộc ở đây từ cả trăm năm nay chỉ dùng cuốc, cào, trâu bò và thậm chí là cả xương máu để làm nên những thửa ruộng kỳ vĩ uốn lượn theo từng thế núi, thế sông. Hai địa điểm được xem là đẹp nhất về ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là bản Luốc và bản Phùng, đây thực sự là một công trình nhân tạo khó nơi nào có được. Những thửa ruộng nhìn từ trên xuống như những đồng bạc vàng được xếp tầng xếp lớp. Xen vào tầng tầng lớp lớp ấy là bà con người Nùng, Dao, La Chí, Mông… sinh sống giữa sườn núi. So với nhiều nơi khác, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có nhiều cái hơn. Cái hơn thứ nhất là có cánh “đồng” ruộng rộng tới gần 200ha ở bản Luốc, cái hơn thứ hai là tổng diện tích ruộng bậc thang lớn tới 764ha với thời gian hình thành đã hơn 300 năm, cái hơn thứ ba là độ cao xếp tầng của những thửa ruộng (có những đoạn cao đến 1,5m giữa hai bậc) và có tới hàng ngàn bậc thang như thế.
Từ trung tâm xã bản Phùng có thể phóng tầm mắt khắp mọi hướng, đâu đâu cũng tầng tầng lớp lớp một màu vàng óng của những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín. Nếu ai đó đã đi miền cao nhiều, đã biết về văn hóa cũng như phong tục tập quán của bà con dân tộc ở đây thì có thể nhìn ruộng là biết được của đồng bảo dân tộc nào. Người Dao, người Nùng và người Mông thường làm ruộng xen kẽ với những cánh rừng, thậm chí là mỗi nơi một ít và cách xa nhà. Còn người La Chí thường làm ruộng quanh nhà và tập trung hơn. Người Dao ở bản Luốc, Sán Sả Hồ thường bắt đầu vụ mới từ ngay sau khi ăn Tết xong, còn người La Chí ở bản Phùng lại khai ruộng muộn hơn một chút. Chính vì thế, khi đi trên những con đường lớn, bạn có thể thấy những đốm xanh đốm vàng xen kẽ nhau hoặc là cả mảng núi là ruộng tạo nên phong cảnh đẹp mắt.
Nếu bạn là người thích mạo hiểm và phiêu lưu cũng như thích chinh phục những cung đường off-road thì trung tâm huyện đi ngược lên Pố Lồ, từ đó đi tiếp lên Thèn Chu Phìn và có thể vượt dãy Tây Côn Lĩnh để sang Thanh Thủy (Hà Giang). Vẫn là những thửa ruộng bậc thang nhưng rất sát đường đi, ruộng được làm kiểu như vòng tròn xoáy ốc ở các quả đồi, xen lẫn là trường học, suối và những mái nhà nhỏ. Những người dân tộc hiếu khách sẵn sàng mời bạn vào nhà của họ chơi và dùng cơm cũng như uống rượu.
Bạn cũng có thể hòa mình vào phiên chợ Hoàng Su Phì chỉ họp vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Phiên chợ vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của bà con dân tộc ở đây. Từ sáng sớm, trên các triền núi, từ mỗi mái nhà ai cũng váy áo với sản vật nhà mình cùng đi về một nơi – chợ phiên. Phiên chợ không hẳn chỉ là mua bán trao đổi những đồ dùng hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ của những chàng trai cô gái, là nơi bạn bè người thân cả tuần xa cách gặp mặt. Nếu may mắn, bạn cũng sẽ được tham dự nhiều lễ hội của bà con dân tộc ở đây như lễ cúng ma khô của người Mông, lễ Lùng Tùng của người Tày, lễ mừng cơm mới của người La Chí…
Hoàng Su Phì nằm cách Hà Nội hơn 300km và có hai con đường để lên đây. Đường dễ nhất và cũng được nhiều người lựa chọn là từ thủ đô theo quốc lộ 2 lên Tuyên Quang rồi đến ngã ba Tân Quang thì rẽ phải vượt đèo cổng trời và đi thêm chừng 60km nữa thì đến trung tâm Hoàng Su Phì. Cung đường này dễ đi phù hợp với cả xe máy và ôtô, có thể tham quan được nhiều nơi trên đường như Nậm Ty, Thông Nguyên,… Con đường thứ hai là lên Yên Bái, Bắc Hà (Lào Cai) rồi từ đó đi lên ngã ba Lũng Phình thì rẽ phải đi Xín Mần và Hoàng Su Phì. Cung đường này xa hơn nhưng lại có nhiều điểm khám phá hơn như chợ Bắc Hà, Lũng Phình, Xín Mần…. Nếu đi vào các vùng biên giới (có cắm biển khu vực biên giới) bạn cần trình báo với chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng. |
Hoàng Su Phì, 07/09/2017.