Bên cạnh chỉ số SPF và PA, bạn có thể bắt gặp trên mỗi sản phẩm chống nắng những thuật ngữ về đặc tính, công dụng… Đâu là cụm từ thật sự phản ánh hiệu quả sản phẩm, đâu chỉ là ngôn ngữ marketing? Hãy tỉnh táo để nhận biết nhé!
Non Comedogenic (không gây mụn)
Không một tiêu chuẩn nhất định nào có thể đảm bảo chắc chắn rằng một sản phẩm dịu nhẹ trên da người này thì sẽ không gây mụn trên da người khác. Tuy nhiên, nếu da bạn dễ nổi mụn, hãy chọn các loại kem chống nắng chứa salicylic acid và zinc oxide, tránh các loại chứa dầu dừa hay bơ ca cao…
Oil-free
Cụm từ “oil-free” có nghĩa là sản phẩm này hoàn toàn không chứa dầu nhưng không đảm bảo rằng nó không chứa silicone – một thành phần cũng có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông chẳng kém gì dầu. Để đảm bảo da không nổi mụn do kích ứng với hai thành phần này, bạn nên kiểm tra xem sản phẩm có chứa các thành phần có đuôi “-siloxane” hoặc “-thicone” hay không và bao bì có ghi dòng chữ “oil-free” hay không.
Organic
“Hữu cơ” trong trường hợp này có nghĩa là các thành phần thực vật trong kem chống nắng được trồng hữu cơ. Tuy nhiên, không có loại kem chống nắng nào “organic” 100%. Kem chống nắng hóa học được tạo ra các hợp chất hóa học, các thành phần vật lý như titanium dioxide và zinc dioxide phải trải qua giai đoạn tổng hợp (thành phần nguyên chất không được phép sử dụng vì chúng là kim loại nặng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe).
Reef-friendly, reef-safe (thân thiện với san hô)
Cả hai thuật ngữ này đều có nghĩa là sản phẩm kem chống nắng này hoàn toàn không chứa oxybenzone, octinoxate, octocrylene, 4-methylbenzylidene và butyl-paraben – những thành phần được chứng minh là gây hại đến khả năng sinh sản của san hô bằng cách tiêu diệt ấu trùng san hô đồng thời giảm tuổi thọ và khả năng miễn dịch của chúng.
Tuy nhiên, cụm từ này lại chưa được công nhận bởi bất cứ cơ quan chức năng nào, do đó, nếu bạn thật sự quan tâm đến sự phát triển của san hô, hãy kiểm tra bảng thành phần của kem chống nắng xem có 5 thành phần bên trên không. Ngoài ra, các loại kem chống nắng an toàn cho san hô cũng thường được dán nhãn “biodegradable”.
Sand-resistant
Sản phẩm in thuật ngữ “chống cát” nghĩa là khi kem chống nắng tiếp xúc với nhiều loại cát khác nhau, chỉ số SPF không hề thay đổi. Điều này là do kết cấu sản phẩm được thiết kế mịn hơn, mềm hơn, không cho phép cát bám trên da.
Water-resistant
FDA Hoa Kỳ quy định tất các sản phẩm được gắn nhãn “water-resistant” đều phải trải qua một thử nghiệm: làn da được thay đổi xen kẽ giữa ướt và khô nhiều lần, sau đó kiểm tra xem khả năng chống nắng có còn hiệu quả không. Nếu một sản phẩm được dán nhãn chống nước, điều này có nghĩa là nó hoàn toàn thích hợp để sử dụng khi đi bơi.
Sport
Thật ra thì bất kỳ loại kem chống nắng nào đủ tiêu chuẩn chống nước trong 80 phút cũng sẽ phù hợp để sử dụng khi chơi thể thao.
Gluten-free
Gluten là một loại protein có trong bột mì, lúa mạch, lúa mạch đen và luôn hiện diện trong bánh mì, các loại mì, pasta… Chất này được sử dụng để tạo độ kết dính khi bạn trộn nước với các loại bột.
Gluten cũng thường có mặt trong các sản phẩm dầu gội, mascara, sản phẩm tạo kiểu… như một chất giúp làm tăng độ phồng, dày cho mi và tóc. Một vài trường hợp ghi nhận người dùng bị rối loạn tiêu hóa do sử dụng mỹ phẩm chứa gluten.
Các loại mỹ phẩm sẽ được dán nhãn GFCO (Gluten-Free Certification Organization) hoặc “gluten-free” trên bao bì nếu nó chỉ chứa 10/1.000.000 gluten hoặc ít hơn.
Tinosorb
Là một loại kem chống nắng pha trộn giữa hóa học và vật lý, vừa giúp che chắn lại vừa hấp thụ và khuếch tán các tia UV gây hại. Ưu điểm của dòng kem chống nắng Tinosorb là phổ chống nắng cao giúp bảo vệ da khỏi cả hai loại tia UVA và UVB. Ngoài ra, nó không gây màng trắng trên da, đồng thời giúp sản phẩm bền vững, không phải bôi lại liên tục. Có thể nói, Tinosorb là thế hệ kem chống nắng mới sở hữu tính nắng vượt trội hơn so với các dòng kem chống nắng chống nắng vật lý hay hóa học.
Thuật ngữ “Tinosorb” sẽ được nhà sản xuất ghi rõ trên bao bì hoặc bạn có thể tìm thành phần Bis-ethylhexyloxyphenol methoxyphenyl triazine và Methylene bis-benzotriazolyl tetramethylbutylphenol trong bảng thành phần.
Powder sunscreen
Phấn chống nắng sử dụng thành phần bột khoáng kết hợp với titanium dioxide, kẽm oxide để tạo ra khả năng chống lại các tia UV. Các loại oxide này đều là thành phần quen thuộc trong các loại kem chống nắng vật lý, tạo thành một lớp màng chắn, ngăn không cho các tia tử ngoại tác động vào da.
So với kem chống nắng thì phấn chống nắng tạo cảm giác ráo mịn, dễ chịu và dễ dặm lại hơn. Nó không làm xê dịch lớp nền, ngược lại kết cấu dạng bột khiến sản phẩm dễ hòa vào nền da, giúp lớp nền bền màu, lâu trôi.
Talc-free
Talc (hay Talcum) là một loại khoáng chất có khả năng hút ẩm cực kỳ tốt, thường được dùng trong mỹ phẩm để giữ da khô thoáng. Talc có chứa Abestos – một chất có khả năng chịu nhiệt cao rất nguy hiểm với sức khỏe con người. Nếu hít phải Abestos, bạn sẽ có nguy cơ bị viêm nhiễm phổi, dẫn đến ung thư. Từ khi phát hiện ra nguy cơ này, các nhà sản xuất đã tìm cách khử Abestos trong Talc. Tuy nhiên, Abestos có được loại bỏ hoàn toàn hay không vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
Bột Talc trong những sản phẩm gắn nhãn “Talc-free” thường được thay thế bằng bột ngô, bột đất sét hay bột khoáng.