Độc giả quan tâm đến giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 sẽ tìm thấy trong cuốn sách này rất nhiều điều hấp dẫn. Đây là câu chuyện kể của một ông quan, con nhà gia giáo, có thể coi là thần đồng khi còn nhỏ, kinh qua rất nhiều sự kiện lớn của đất nước với tư cách chứng nhân, lại được nghe kể lại nhiều câu chuyện từ những chứng nhân đáng tin cậy khác, liên quan đến phong trào Nghĩa Hội chống thực dân Pháp. Ta sẽ thấy một số đánh giá không mấy giống với dư luận gần đây về các nhân vật như Tôn Thất Thuyết hay Nguyễn Văn Tường.
Đặc biệt, những ai quan tâm tới chế độ giáo dục của giai đoạn “giáp ranh” sẽ đọc được những chi tiết hết sức bổ ích, giúp ta phân biệt những khác biệt nho nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa giữa trường thi miền Trung và trường thi các nơi khác, nhất là miền Bắc. Sự học hành hồi nhỏ được tác giả miêu tả hết sức cặn kẽ, có thể bổ sung hữu hiệu cho những câu chuyện cùng đề tài đã xuất hiện trước đây, như “Tuấn, chàng trai đất Việt” của Nguyễn Vỹ hay “Thằng Thuộc con nhà nông” của Hồ Hữu Tường.
Không nghi ngờ gì nữa, Coetzee là một trong những nhà văn lớn nhất thế giới hiện nay, và điều đó không chỉ bởi những giải thưởng danh giá ông từng nhận (Nobel Văn chương và Man Booker, đấy là mới kể những giải thưởng nổi tiếng nhất). Coetzee là một nhà cách mạng trong văn chương, một người thổi luồng sinh khí mới đầy mạnh mẽ vào “dòng văn học hậu thuộc địa” tưởng chừng đã quá cũ mòn, không thể khai thác thêm được khía cạnh nào độc đáo. Giọng văn của Coetzee trong cuốn tiểu thuyết này (gần giống một câu chuyện ngụ ngôn với nhiều ẩn dụ về viên quan tòa tại một đế quốc) làm ta nhớ đến những tác phẩm trước đây của ông, cũng đều một màu sắc nhất quán lạnh lẽo như đá tảng: “Ruồng bỏ”, “Người chậm”, “Cuộc đời và thời đại của Michael K”, “Cha và con”…
Tác phẩm trinh thám đầu tay của Tom Rob Smith mở ra series về Leo Demidov, một viên sĩ quan tưởng chừng rất bình thường trong hệ thống an ninh của Liên Xô. Nhưng ở Demidov có một điểm đặc biệt: anh thực sự quan tâm và sẵn sàng lao vào điều tra tìm ra thủ phạm giết chết rất nhiều đứa trẻ một cách hết sức bí ẩn, khaông có dấu vết, ở khắp mọi nơi, và thường xuyên là trên nền tuyết trắng xóa. Ở hoàn cảnh như lúc đó (dưới “triều đại” của Stalin), một việc tưởng chừng đơn giản như thế lại hết sức nguy hiểm. Demidov đã phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách mới có thể thực hiện được công việc của mình, cái công việc mà anh cho là đúng đắn (nhưng những người xung quanh anh, nhất là thượng cấp, không nghĩ vậy). Điều anh không ngờ nhất, cũng là điều khiến độc giả bất ngờ, là hóa ra những câu chuyện giết người bi thảm này lại có chút liên hệ với kỷ niệm thời thơ bé của chính anh, liên quan đến mấy đứa trẻ, nạn đói và một con mèo.
Bài: Nhị Linh
>>> Có thể bạn quan tâm: câu hỏi nào sẽ hợp lý hơn: Có nên đọc ngôn tình hay không? Hay:Làm thế nào để chọn một quyển ngôn tình hay? Tôi thích câu hỏi thứ hai hơn. Bởi nếu biết cách chọn ngôn tình, nhiều khả năng bạn cũng sẽ chọn được một người tình hay ho và đảm bảo chất lượng.