Hãy lướt qua một vài dấu hiệu của bệnh cuồng ăn để xem liệu bạn đang có vấn đề không nhé!
Ăn theo cảm xúc
“Cứ mỗi lần bực bội chuyện công ty hoặc gặp áp lực, tôi đều mua một hũ kem thật to ngồi ăn đến khi nào căng bụng thì thôi. Biết là nó phá dáng nhưng tôi không thể dừng lại được…”, chị Đào Phương (Biên Hòa) chán nản kể lại.
Câu chuyện của chị Phương là ví dụ cụ thể nhất của căn bệnh cuồng ăn. Những người ăn theo cảm xúc và thường là cảm xúc tiêu cực, thường trở nên nghiện ăn và không thể dừng được. Nhưng nếu ăn quá nhiều, họ lại sinh ra cảm giác tội lỗi về cân nặng và hậu quả là càng lo lắng, họ càng phải ăn nữa. Triệu chứng này cứ tiếp tục tạo thành một vòng luẩn quẩn không dừng.
Sợ thức ăn
Những người cuồng ăn lúc nào cũng trang bị tinh thần để tránh xa thức ăn được chừng nào tốt chừng đó. Đối với họ, thức ăn là thứ cám dỗ nguy hại nhất. Nếu bạn cảm thấy mình hay kiếm cớ để tránh bữa ăn hoặc từ chối ăn cùng mọi người vì những lí do vô cùng ngớ ngẩn thì hãy nghĩ lại về thói quen ăn uống của mình đi nhé!
Ám ảnh cân nặng
Cân nặng là nỗi lo của rất nhiều cô nàng nhưng nếu chúng là nỗi ám ảnh thường trực của bạn thì thật đáng báo động. Những nạn nhân của bệnh cuồng ăn luôn phải chịu nỗi lo lắng về cơ thể và muốn giảm cân cấp tốc. Chị Minh Trang (Quảng Bình) kể: “Có dạo cứ nhìn thấy thức ăn là chạy xa. Ở chỗ làm lại toàn các nàng chân dài, nhìn ai cũng đẹp khiến mình thêm tự ti. Thế là lên kế hoạch giảm cân cấp tốc nhưng càng nhịn thì tối đến càng ăn nhiều…”
Lạm dụng chất kích thích
Những cô nàng cuồng ăn nặng có thể vướng vào các loại thuốc để hỗ trợ tinh thần và sức khỏe như thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc các thuốc kích thích khác và họ sử dụng chúng một cách vô tội vạ. Không chỉ thế, một số nàng còn có thói quen móc họng nôn sau khi ăn, nhịn ăn thường xuyên và hoạt động mạnh.
Nghiện thức ăn
Không chỉ sợ thức ăn, tâm lý nghiện thức ăn cũng là một trong những triệu chứng tiêu biểu của căn bệnh cuồng ăn. Liệu bạn có thường xuyên nghĩ đến thức ăn và lượng thức ăn mà mình nạp mỗi ngày?
Xử lý căn bệnh cuồng ăn
– Tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
– Tìm ra thức ăn “gây nghiện” là bước đầu tiên để bạn giải quyết vấn đề của mình.
– Giảm lượng thức ăn “gây nghiện” và hãy thay bằng những thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe.
– Tập thể dục như chạy bộ mỗi sáng sớm hàng ngày hoặc những bài tập đơn giản cũng giúp rất nhiều cho cơ thể bạn.