Tp. HCM đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 lần thứ 5. Bên cạnh việc đảm bảo quá trình chữa trị, đội ngũ y bác sĩ, các tình nguyện viên đang gắng sức đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong cộng đồng. Kèm theo đó, những thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến quá trình tiêm ngừa cũng cần được giải đáp một cách thấu đáp.
Mới đây, chia sẻ của một người trong cuộc – là quản lý tiêm chủng của Bệnh viện quận 11 đã giải đáp hầu hết các thắc mắc này. Từ những giải đáp trên, nhiều người mới nhận thấy hoá ra câu chuyện Việt Nam nhận được loại vaccine không chỉ đơn giản phụ thuộc vào nguồn quỹ sẵn có, và chuẩn bị tâm lý để tiêm chủng sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của đội ngũ y tế.
Nguyên văn chia sẻ:
“Từ khi bắt đầu triển khai tiêm chủng miễn phí trong cộng đồng, mình thấy có nhiều câu hỏi như thế này:
Vì hiện tại chúng ta chỉ có thể mua/được viện trợ AstraZeneca. Tuy nhiên, trong các thông báo, Bộ Y tế đã phát biểu sau này sẽ có vaccine Moderna, Pfizer, Sputnik…. Và thực tế, Pfizer đã cam kết sẽ cung ứng cho Việt Nam 47 triệu liều vaccine, trong đó có 20 triệu liều dành riêng cho trẻ từ 12-18 tuổi. Thiết nghĩ mua được vaccine đã là một nỗ lực to lớn của ngành y tế rồi.
Thực tế, tỉ lệ tử vong do Astra rất thấp (5 người tử vong/3,78 triệu mũi tiêm ở Việt Nam), còn thấp hơn cả tỉ lệ gặp tai nạn giao thông trên đường. Vaccine nào cũng có tỉ lệ tử vong, nếu không muốn dùng AstraZeneca, bạn có thể đợi đợt tiêm vaccine khác sau này.
Tình trạng bị vaccine “vật”, gây ra hiện tượng mệt mỏi như sốt, ớn lạnh, cảm cúm, đau nhức người… là hết sức bình thường. Tuy nhiên khi tiêm xong, bạn cần lưu ý những triệu chứng nặng và báo ngay với cơ quan y tế như xuất huyết, đau đầu nhiều, khó thở, yếu liệt…
Công ty, tổ chức bạn đang làm việc sẽ lập danh sách những người được đi tiêm. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, tối thiểu 75% dân số phải được tiêm, vì vậy bạn yên tâm rằng ai cũng sẽ được tiêm, không cần chen lấn.
Đêm trước ngày đi tiêm, bạn nên nghỉ ngơi, ngủ sớm, ăn sáng đầy đủ, không rượu trà cà phê hoặc các chất kích thích.
Khi đến gặp đội tiêm, hãy cười một cái, vì đội tiêm đang stress và nóng lắm. Bạn sẽ được đo mạch, huyết áp, các chỉ số ổn thì vào gặp bác sĩ, không ổn thì bạn sẽ được ngồi nghỉ một chút rồi vô đo lại. Vào gặp bác sĩ, bạn cần khai báo mọi bệnh tình, không giấu giếm, nếu đang điều trị bệnh, bạn nên mang theo toa thuốc, giấy xét nghiệm,… trước đó. Dò hết bảng khai báo, nếu tình trạng sức khoẻ của bạn đều tốt thì sẽ được tiêm. Nếu bạn đang mắc các bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường,… thì sẽ được trì hoãn, chuyển về bệnh viện tiêm để đảm bảo an toàn.
Vào gặp điều dưỡng tiêm: vạch sẵn tay trái ra rồi nhìn chỗ khác, nhanh lắm không đau đâu. Bàn theo dõi sau tiêm: sẽ có một bác sĩ, một điều dưỡng ngồi chăm lo ngó chừng kỹ lưỡng bạn trong 30 phút, đo mạch huyết áp lần nữa, nếu ổn thì bạn sẽ được về. Đội cấp cứu luôn túc trực phía sau đầy đủ người và thiết bị, thuốc… Bạn yên tâm rằng mỗi điểm tiêm đều có bác sĩ và đội ngũ cấp cứu túc trực.
Cả chiến dịch cực vô cùng nhưng mà lại vui vì mong một ngày những vùng dịch sẽ nhộn nhịp trở lại. Nếu vaccine về thêm thì đội tiêm dạo chúng mình sẽ hoạt động đến Tết luôn. Tuy nhiên, các đội lại đang hạn hẹp về đồ phòng hộ và khẩu trang N95. Mấy ngày qua chúng mình nhờ viện trợ của mạnh thường quân mới có đồ phòng hộ, đồ ăn, thức uống… Vì là tiêm miễn phí cộng đồng nên cũng ko hề có lương, làm vì đam mê thôi”.
Hiện nay, Tp.HCM đang kêu gọi những người đã, đang và công tác trong ngành Y nói chung tham gia vào chiến dịch đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài việc chấp hành đúng chỉ thị do chính quyền đưa ra, hãy cùng tuân thủ những quy định để quá trình tiêm chủng diễn ra thuận tiện, giảm tải áp lực cho những người đang gồng mình xây dựng lá chắn an toàn cho xã hội. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch.