Những chất liệu xanh nào có khả năng thay thế lâu dài cho nguồn nguyên liệu tổng hợp? Câu trả lời vẫn còn khá mơ hồ đối với ngành công nghiệp thời trang.
Polyester, một loại sợi tổng hợp nhân tạo ra đời từ năm 1951, cũng là nguồn chất liệu chính được yêu chuộng trong ngành công nghiệp thời trang hiện đại bởi các đặc tính rẻ, bền, đa dụng. Polyester chiếm tới 52% tỉ trọng chất liệu sản phẩm bên cạnh các loại sợi tổng hợp khác như elastane, nylon và acrylic… Khác với các loại sợi có nguồn gốc thiên nhiên như cotton, vải lanh, da thú, polyester (cùng các loại sợi tổng hợp nhân tạo khác) không tốn thời gian chờ đợi để gieo trồng và thu hoạch, chi phí sản xuất thích hợp với sức ép khổng lồ của thị trường thời trang phổ thông. Việc sử dụng polyester trong sản xuất thời trang được dự báo có mức tăng trưởng là 4,1% một năm và cho tới năm 2030, polyester sẽ chiếm khoảng 63% tổng sản phẩm của thị trường. Điều này tất lẽ dẫn đến những hệ lụy trực tiếp tới môi trường: sự gia tăng khí thải CO2 và CH4 (methane), tràn dầu, ô nhiễm bầu khí quyển và nguồn nước, phá hủy sự cân bằng sinh thái, tuyệt chủng một số loài sinh vật tại vùng sản xuất…
Với viễn cảnh như vậy, thời trang đã và đang phải đối mặt với sức ép thay đổi quyết liệt. Và việc tìm kiếm chất liệu xanh thay thế cho polyester là một trong những hướng đi mang tính sống còn của các thương hiệu. Chúng ta đều hiểu rằng, để thay đổi hoặc cải tổ cả một hệ sinh thái cồng kềnh như thời trang cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Những thay đổi đầu tiên đã đến từ những ông lớn có sức nặng trong cả lời nói và sản phẩm của mình. Năm 2017, tập đoàn Kering, nơi sở hữu các thương hiệu như Gucci, Balenciaga, Saint Laurent… đã cam kết rằng cho tới năm 2025, họ sẽ cắt giảm được 40% ảnh hưởng tạo ra cho môi trường trong quá trình sản xuất.
“Chúng tôi hiểu rằng, nếu chỉ dựa vào các nguồn nguyên liệu sẵn có trên thị trường như cotton hữu cơ, len hữu cơ, cashmere được sản xuất theo chỉ tiêu bền vững… thì mục tiêu cắt giảm của chúng tôi chỉ đạt được cùng lắm 20%. Muốn vươn tới con số 40%, chúng tôi cần tìm ra những giải pháp mới bất ngờ hơn, hiệu quả cao và rộng hơn”, Marie Claire Daveu, giám đốc phụ trách phát triển bền vững tại Kering cho biết. Từ năm 2013, tập đoàn này đã thành lập chuỗi phòng nghiên cứu và phát triển nguyên liệu cách tân – nơi lưu trữ những mẫu nguyên liệu bền vững từ khắp nơi trên thế giới. Cho đến thời điểm này, chuỗi phòng nghiên cứu của Kering đã sở hữu tới 2.800 mẫu nguyên liệu khác nhau.
Một thực tế khó khăn dành cho tất cả các thương hiệu khi muốn hướng mình tới con đường xanh là sự cân bằng giữa tính nhân đạo và chi phí đầu vào của sản xuất. Việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng các chất liệu xanh bền vững không phải là một bài toán mà bất cứ thương hiệu nào cũng giải được như cách mà tập đoàn khổng lồ Kering đang làm.
Đối với thị trường phổ thông, ngay cả các thương hiệu lớn như Nike, Zara, H&M, GAP… cũng không thể chống lại sức ép về cầu khủng khiếp từ khách hàng. Họ lựa chọn những giải pháp mang tính giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình sản xuất: thay cho polyester nguyên bản (virgin polyester), họ gia tăng việc sử dụng polyester tái chế (recycled polyester). Theo đánh giá, việc sử dụng polyester tái chế có thể giảm tới 32% khối lượng CO2 thải ra so với việc sử dụng polyester nguyên bản. Nike hiện nay đang là thương hiệu đi đầu trong việc này. Trung bình một năm, Nike đã chuyển đổi tới một tấn rác thải thành nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm của mình. H&M, GAP, J Crew… cũng nằm trong danh sách hơn 70 thương hiệu cam kết sử dụng 45-60% polyester tái chế vào năm 2025. Dù chưa thể giải quyết 100% vấn đề mà ngành công nghiệp thời trang đang phải đương đầu, nhưng không thể phủ nhận polyester tái chế đang là một trong những phương án đáp ứng tốt nhất việc giảm thiểu tác hại lên môi trường nhưng vẫn thỏa mãn mức chi phí, tốc độ sản xuất thông thường.
Cùng với sự giúp sức của công nghệ, việc tìm kiếm các nguồn chất liệu thay thế polyester không còn quá khó khăn. Có thể kể đến mycelium, chất liệu được tạo ra từ bộ rễ của một loại nấm trồng trong phòng thí nghiệm kết hợp cùng các chất thải nông nghiệp. Chất liệu này có thể được thuộc và nhuộm như những miếng da động vật. Nó được nghiên cứu và phát triển bởi MycoWorks (một start-up tại California). Mycelium đang được đưa vào thiết kế và sử dụng tại một số thương hiệu lớn. Hermès đã ra thông báo sẽ sản xuất mẫu túi Birkin trứ danh bằng mycelium thay vì da động vật. adidas công bố sử dụng mylo (một biến thể da của mycelium) cho mẫu giày Stan Smith được yêu thích của họ. Stella McCartney cũng đã có những thiết kế áo corset, quần ống bóng bằng chất liệu này.
Chất thải từ thức ăn cũng là một trong những nguồn nguyên liệu dồi dào để thời trang tận dụng trong bối cảnh hiện nay. Paul Smith và Hugo Boss đã ra mắt các mẫu giày sneaker làm bằng pinatex – chất liệu từ lá dứa. Salvatore Ferragamo và H&M giới thiệu các BST “Capsule” sử dụng sợi cam, một chất liệu gần giống lụa được làm từ phần thừa của quá trình sản xuất nước ép cam quýt. Tommy Hilfiger làm giày bằng frumat – một chất liệu tận dụng từ phần còn lại của quả táo trong quá trình chế biến công nghiệp. Tất nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể được nhân lên ở diện rộng bởi sự ràng buộc liên quan tới chi phí thử nghiệm, sản xuất và giá bán lẻ đối với khách hàng cuối cùng. Dẫu sao đó cũng là những nỗ lực sáng tạo đáng được ghi nhận của ngành thời trang trong quá trình hồi phục môi trường thế giới.
Thẳng thắn nhìn nhận thì thời trang là ngành công nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên hệ sinh thái, nguồn nước sạch, khí quyển, nhân sinh… Sự giằng co giữa hai đối trọng môi trường và thời trang đã trở thành chủ đề nóng được quan tâm bởi truyền thông và nhân loại. Dù chưa thể có hướng giải quyết triệt để nhưng vấn đề này cũng đang dần được tháo gỡ bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ, phần nào mang tới niềm hy vọng xanh cho trái đất.Đọc thêm:
– Nỗ lực xanh hóa của ngành công nghiệp tội lỗi
– Bài toán đau đầu về chất liệu
– Xu hướng bền vững ở thời trang Việt