Cô đơn là một thuộc tính của con người. Nhìn ở vẻ đáng yêu, cô đơn giúp ta neo giữ những cảm xúc tưởng luôn sẵn sàng tuột đi giữa cuộc sống hối hả.
Khúc dạo đầu
Có một bài hát giờ không biết nên gọi là “kinh điển” hay là gì đó trái nghĩa, nhưng về mức độ phổ biến, phổ cập thì không nghi ngờ gì vào tính “kinh điển” của nó, bài hát bắt đầu bằng những câu, đã trở thành cửa miệng của nhiều thế hệ.
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành
Rất nhiều người thuộc lòng bài hát này nhưng không phải ai cũng biết tên bài ấy và tác giả. “Người yêu cô đơn” của Đài Phương Trang, tác giả rất nhiều bản tình ca lâm li. “Người yêu cô đơn”, thường gọi “Đời tôi cô đơn”, khó có thể là một bài hát hay bởi cấu trúc giai điệu tầm thường, lời ca thất tình lê thê sáo rỗng, nhưng nó phổ biến hơn bất kỳ bài hát “cô đơn” nào khác, và dù không phải ai cũng sến như trong bài hát (nếu có). Tuy thế, ngâm nga một vài câu của bài này cũng là một cách với nhiều người để cho đỡ buồn những lúc… cô đơn!
Soạn khúc dạo đầu cho Bài tình ca cô đơn bằng bản nhạc sướt mướt này sẽ có người trách người viết sao mà… sến. Phàm cô đơn, ai không sến mới lạ. Có người cố tỏ ra cô đơn để được thể hiện dáng vẻ lãng mạn nhân tạo của mình. Cô đơn, đôi khi còn như một mốt của những người mang (hoặc tự dán) mác nghệ sĩ…
Chương 1 – Tình yêu cô đơn
Nhạc sĩ, dương cầm thủ Nguyễn Ánh 9 có hẳn một “tuyển tập mini” khúc tình ca cô đơn. Có bài đủ khiến người ta buồn nẫu ruột, như “Buồn ơi xin chào mi!”: Buồn ơi ta đang lẻ loi /Buồn hỡi ta đang đơn côi /Buồn ơi hãy đến với ta / Để quên chuyện tình xót xa…
“Cô đơn” của Nguyễn Ánh 9 là kết quả của những mối tình tan vỡ. Tình tan thì buồn. Buồn và tuyệt vọng, chẳng thiết gì nữa. Ngồi một mình than vãn nỗi đau tình ái. Kể ra, đàn ông như thế thì yếu đuối thật. Mà người yếu đuối thì dễ thấy cô đơn, dễ lên “đỉnh” cô đơn lắm. “Đỉnh” được miêu tả thế này: Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi/Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài…(Cô Đơn)
Đời trở về đâu? Tình trở về đâu?/ Một mình bơ vơ với nỗi đau (Bơ vơ).
Gợi được nỗi cô đơn lên thành ám ảnh, chính là những giai điệu của Nguyễn Ánh 9, dai dẳng, nhức buốt. Không chau truốt, không êm mượt, mà như một chuỗi tiếng than thở tiếc nuối, trách móc tình yêu đẩy mình đến tâm trạng cô đơn não nề này…
Chương 2 – Một mình
Một ca khúc hay của Trịnh Công Sơn nhưng ít người hát, Chỉ có ta trong một đời. Một lần nghe Thiên Phượng hát, ca sĩ có giọng hát mãi mãi học trò, trong sáng kỳ lạ này cho ta cảm tưởng là đôi khi cô đơn cũng rất… có lý. Đành rằng không phải cứ “một mình” thì có nghĩa “cô đơn” hay ngược lại. Có khi giữa đám đông người ta vẫn thấy cảm giác cô đơn tột cùng. Khi tự tạo cho mình một trạng thái cô đơn để nhìn được tách mình khỏi những “nguy cơ” gây tuyệt vọng. Một trạng thái cô đơn chủ động. Nó vừa khác vừa giống kiểu cô đơn trong một bài “một mình” khác của Trịnh Công Sơn, minh chứng rõ nhất cho nỗi cô đơn giữa đông người: Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em.Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím / Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em. Gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên.
Nỗi cô đơn không đáng sợ. Nhìn ở vẻ đáng yêu, cô đơn giúp ta neo giữ những cảm xúc tưởng luôn sẵn sàng tuột đi giữa cuộc sống hối hả. Chỉ khi cô đơn nhất người ta mới suy nghĩ nhiều nhất về bản thân, về những kỷ niệm đã qua hay hình dung những gì sẽ tới. Và có khi đó là một cơ may cho ta nhìn thấy những gì, khi hạnh phúc vui vầy chẳng nhìn được ra mà lỡ bỏ qua rồi đầy luyến tiếc.
Nhưng diễn tả được tâm trạng cô đơn cùng cực khi chỉ có một mình phải kể đến bài “Chiều vàng” của Nguyễn Văn Khánh, người đã có một Nỗi lòng để đời. Chuyện kể rằng (đại loại là thế) Nguyễn Văn Khánh đã yêu một cô gái rất đẹp ở Thái Nguyên. Sau thời gian xa cách, trở lại thì nàng đã qua đời. Ngồi một mình bên nấm mộ người đoản mệnh, giữa chiều vàng hiu hắt, nghệ sĩ tài hoa ngấm nỗi đau khôn xiết, đã thốt lên những lời ca của “Chiều vàng”: Trên đồi xanh chiều đã xuống dần. Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng.Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn. Buồn xa vắng buồn lòng thầm nhớ tới người / Chiều xưa cũng trên đồi cùng ta. Người đã ước nguyền rằng đời riêng có ta. Lời đó còn đâu?
Chương 3 – Mùa cô đơn
Mùa cô đơn có thể hiểu là nỗi cô đơn trong bốn mùa. Cũng có thể là cô đơn tràn ngập, như một mùa tràn đến, không gì khác xung quanh mình ngoài một sắc màu của cô đơn.
Bài “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương, nên được nghe ít nhất theo cả hai cách hiểu ấy. Đêm đông là lúc những con người, những tâm hồn đều cô đơn gặp nhau. Người lữ khách tưởng như tuyệt vọng khi thấy mây xám giăng mắc giữa thời gian như ngừng trôi, cánh chim rã rời giữa mưa mù rét buốt… Bỗng thấy xung quanh mình còn rất nhiều những tâm hồn cùng cảnh khác, đây chinh phu vọng cố hương, kia thiếu phụ ngóng chồng, chỗ nọ thi nhân cô độc ngẩn ngơ và trước mắt lữ khách là ca nhi ôm sầu nhìn ngày tháng trôi qua trên chính gương mặt mình. Nỗi cô đơn không vì thế mà vơi đi, nhưng nó đem lại cho lữ khách một tâm trạng được an ủi, vì mình đã chia sẻ và được sẻ chia.
Bài “Đêm đông” còn một lời 2 rất ít được hát, có lẽ là những tiếng than, tiếng thốt lên của lữ khách khi đã chạm đến giới hạn của nỗi cô đơn: Đời như vô tình ta ngao ngán. Non nước thê thảm mang cảnh tang. Thân lãng du cô liêu chán chường. Về đâu giữa trời đông đêm trường / Sầu lên khơi hồn quê lai láng.Ta van gió nhân mưa ngừng than.Cho ta lắng tiếng vang muôn lòng. Rên rỉ qua không gian buồn mong.
Một ca khúc Văn Cao, nghe tên thì rất gợi buồn, nhưng lại như một khúc hoan ca nhỏ bé từ sâu trong lòng về nỗi cô đơn: Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi. Một mùa thu, một mùa thu lá rơi, rơi rụng buồn chi lá vàng. (Thu cô liêu).
Đoạn kết
Những thanh âm cuối cùng của Bài tình ca cô đơn xin được “mượn” điệu valse đắm say của Cung Tiến trong “Thu vàng”. Nỗi cô đơn không gợi cảm giác buồn bã, mà chỉ thoáng bâng khuâng, bảng lảng: Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng. Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương…/Chiều hôm nay trời nhiều mây vương. Có mùa Thu vàng bao nhiêu là hương.
Nỗi cô đơn không đáng sợ. Và như Văn Cao, có khi cô đơn lại là một cơ may cho ta nhìn thấy những gì, khi hạnh phúc vui vầy chẳng nhìn được ra mà lỡ bỏ qua rồi đầy luyến tiếc.
(Nguyễn Minh)