Và người mẹ đôi lúc bực bội đến nỗi đánh con nhưng vẫn chẳng giải quyết được gì. Cô bé luôn thích làm những điều trái khoáy như: mang dép xong rồi mới mặc quần áo. Nếu mẹ có hỏi “Sao con lại mang dép trước, con phải mặc quần áo xong đã chứ?” thì cô bé bướng bỉnh: “Như vậy thì đã sao hả mẹ, con thích như vậy”. “Làm sao mà làm vậy được, sao con không biết nghe lời. Nhanh lên!”. Con bé vùng vằng giận dữ, sau đó khóc, miễn cưỡng làm theo ý mẹ.
Ý thích của con
Không những chuyện quần áo mà trong cả chuyện ăn uống hay đánh răng, đi ngủ, Cà Rốt đều chỉ thích làm theo ý mình. Mỗi lần như vậy, cô bé hoặc sẽ bị đòn, vừa khóc vừa làm theo ý mẹ hoặc sẽ giận dữ ném tất cả đồ đạc trong phòng còn mẹ thì mệt mỏi. Mẹ Cà Rốt tâm sự rằng cô đã hết sức mềm mỏng với con, chỉ muốn con làm mọi việc một cách bình thường nhưng không hiểu sao bé lại có những ý thích ngược đời. Sau khi dạo quanh một diễn đàn cho các bà mẹ, cô phát hiện ra có vài người mẹ có con gái “khó dạy” như mình. Nhưng cách họ làm lại khác hẳn với cô.
Tập cho con suy nghĩ
Một bà mẹ cho biết chị có một cậu con trai 5 tuổi luôn thích làm theo ý của mình, mà toàn những ý thích kỳ quái. Chẳng hạn những hôm trời lạnh thì thằng bé kiên quyết không mặc áo ấm còn những hôm nóng thì lại đòi mặc áo ấm. Mẹ hỏi thì bé nói bé thích vậy. Chị xác định mình không thể nóng nảy, đánh đòn hay la mắng mà phải tập cho con suy nghĩ nhiều hơn. Một hôm trời nóng nhưng bé đòi mặc áo ấm và kiên quyết không cởi ra, chị nhẹ nhàng hỏi: “Con thích chiếc áo này lắm đúng không?” “Dạ, đúng”. “Trời lạnh mặc nó ấm thật con nhỉ”. “Dạ”. “Nhưng hôm nay mẹ thấy trời nóng”. “Kệ, con thích mặc nó”. “Nhưng lúc con chơi đùa với các bạn mà lại đổ mồ hôi thì sao? Thì sẽ bệnh. Mà con ghét uống thuốc lắm, đúng không?”. Cậu bé im lặng… Cứ như thế, trong mỗi việc, mẹ cậu bé đều gợi ý cho con suy nghĩ, để xem bé có nên làm điều đó hay không. Mất một thời gian dài, cậu bé đã bắt đầu biết suy nghĩ trước những hành động của mình và đương nhiên là không còn những ý thích kỳ quái.
Mẹ Cà Rốt cũng áp dụng chiêu này với con gái và cô khoe rằng nó rất hiệu quả. Chẳng hạn, khi Cà Rốt bỗng dưng đòi ôm con mèo đi học, vì “con thích vậy”, cô đã đưa ra cho con một số câu hỏi “Các bạn con có chọc nó không con?” “Không đâu mẹ”. “Con đảm bảo sẽ không để các bạn làm đau nó, và cô giáo cho phép con đem nó vào lớp chứ?”. “Dạ có, mẹ à!”. “Vậy khi nó làm bậy thì sao?”. Cà Rốt im lặng và để con mèo ở nhà.
Làm gì khi con luôn làm theo ý bé?
– Tập cho bé suy nghĩ xem hành động của bé có đúng không.
– Đùng đánh đòn con hay ép bé làm theo ý mình mà hãy để bé tự nhận ra rằng bé đang có những ý thích ngược đời và tự sửa đổi.
– Đôi khi hãy để bé trải nghiệm với những ý thích của mình, để bé rút kinh nghiệm, còn bạn cũng nhẹ nhàng hơn với suy nghĩ “Như vậy thì đã sao?”.