Cô ấy gọi điện cầu cứu tôi, có cách nào cho con bé thích đi học hay không. Vì cứ nghe nói đến trường là con bé tỏ ra rất ghét. Con bé còn nói, nó chẳng thích đi học, vì nó học dốt, có học cũng chẳng ích gì.
Bạn tôi đã động viên con rất nhiều, kể cả dùng đòn roi sau khi nói ngọt bé không nghe. Nhưng bé vẫn cương quyết trả lời rằng mình không muốn đi học.
Vì sao bé không thích đi học?
Chúng tôi đã bỏ ra đến 3 ngày, cho bé đi chơi, cho ăn kem và kể đủ thứ chuyện để tìm hiểu nguyên nhân bé chán học. “Cô giáo nói con, sao mà dốt vậy, mỗi lúc con làm toán sai. Con buồn lắm, con nghĩ con dốt vậy mai mốt chắc chẳng làm được gì. Với lại con quê với bạn Hòa ngồi cạnh lắm. Con không muốn đi học nữa”, con bé tâm sự.
Bây giờ thì chúng tôi đã tìm ra lý do vì sao bé chán học. Bạn tôi đã đến gặp cô giáo, yêu cầu chấm dứt tình trạng chê bé dốt nhưng con bé vẫn rụt rè. Cuối cùng, cô ấy phải chuyển trường cho con, sau khi đã cố gắng giúp con lấy lại sự tự tin mãi không được, để bé tách biệt hẳn với môi trường cũ. Và bạn tôi cũng sắp xếp thời gian để ở gần con nhiều hơn.
Mẹ học cùng con
Để bé quên rằng đã từng bị chê dốt và để cơn chán học của con không có cơ hội bùng phát, bạn tôi phải học cùng bé. Đêm nào cũng vậy, cô ấy sắp xếp thời gian và học toán cùng con, rồi cùng con tập viết nữa. Chưa kể, trong ngày và bất cứ lúc nào, cô cũng giúp con vận động đầu óc bằng những bài toán cộng. Chẳng hạn ngồi ăn cơm, mẹ chỉ chén đĩa trên bàn, đố bé có bao nhiêu cái; rồi lúc hai mẹ con đi ăn kem, đi chơi, mẹ cũng hay đặt cho bé những câu hỏi về phép tính cộng trừ. Sau mỗi lần trả lời đúng và được khen, bé rất vui. Bé đòi mẹ tiếp tục. Còn mẹ thì dù lúc con sai cũng khéo léo động viên bé suy nghĩ rồi trả lời lại. Cô ấy không bao giờ chê con dốt, hay nói “con sai rồi”. Giờ thì con bé tự tin hẳn, nó không còn chán học mà rất thích đến trường.
Khi con chán học
– Đi tìm nguyên nhân và giải quyết tận gốc rễ.
– Đừng bao giờ vì bé sai một cái gì đó hay thật sự bé không thông minh mà cha mẹ lại nói bé dốt và không hy vọng gì về tương lai của bé.
– Đừng ép bé học mà hãy cùng bé học hoặc biến trò chơi thành bài học, bé sẽ thấy thú vị và tự giác với việc học.
– Khi bé sai, đừng nói “con sai rồi” mà hãy khéo léo “chưa đúng con à, mình làm lại nhé”. Như vậy bé sẽ thấy bản thân được tôn trọng.