Tôi nản nhất là dù có bỏ công nấu nướng hay mua đồ ăn ngon về dụ dỗ thế nào con cũng không ăn. Vậy mà chàng ta lại có thể ăn món đó ở nhà… hàng xóm một cách ngon lành. Tôi bực nhất là có lần mua trái dưa hấu thật to về cho con ăn, năn nỉ thế nào con cũng ngoảnh mặt đi. Vậy mà ngay chiều hôm đó, mẹ đang loay hoay trong nhà thì lúc bước ra cửa lại thấy chàng ta đang cầm miếng dưa hấu ăn ngon lành. Thì ra chàng ta qua nhà hàng xóm và… xin ăn.
Mẹ không thích con đi ăn chực
Tôi nói với con rất nhiều lần, rằng không được ăn bất cứ thứ gì của ai khi chưa được mẹ cho phép. Vậy mà đến lúc bé ăn chực nhà hàng xóm, bị mẹ la “vì sao con ăn đồ của nhà bác/ cô/ chú mà không xin mẹ” thì chàng thản nhiên: “Đó là người quen mà, đâu phải người lạ đâu mà sợ ăn đồ của người ta xong thì bị bắt cóc”. “Nhưng mà không được, mẹ không có thích”. “Con thấy nó ngon mà, với lại… bác cho con chớ không phải con xin”. Vì điều này, với tất cả những người quen biết tôi đều dặn họ không được cho bé đồ ăn. Lúc này thì chàng chuyển qua xin hoặc nói rất có lý. Chẳng hạn: “Bác ơi, ăn kẹo là bị sâu răng đó, bởi vậy bác đừng ăn nha, bác để… con ăn giùm cho”. Đến nước này thì tôi quá… mất mặt rồi, đành phải cố gắng dạy chàng lại vậy.
Vì sao đồ nhà hàng xóm ngon?
Tôi đã phải mất nhiều đêm nằm cùng con, kể chuyện cho bé trước khi ngủ. Tôi kể cho con những câu chuyện về những em bé nhỏ, vì nhận đồ ăn của người lạ mà bị bắt cóc. Rồi những em bé khác lại ăn đồ của người quen, tuy không bị bắt đi nhưng vì thức ăn không hợp, nên bị đau bụng, phải đi bác sĩ. Lần nào con tôi cũng lo lắng, nói rằng không ăn thứ gì của ai nữa. Nhưng sợ chàng “ngựa quen đường cũ”, tôi vẫn theo dõi con sát sao. Mỗi lúc đi cùng mẹ, ai cho thứ gì, chàng lại nhìn mẹ như muốn hỏi “con có được ăn không”, tôi đều cười và trả lời với người kia: “Cám ơn cô, bé đã ăn ở nhà rồi”. Tôi còn khéo léo xem con thích ăn gì với những món xét thấy được thì tôi gợi ý sẽ làm cho bé ăn và cần sự giúp đỡ của bé như đi bưng nước, lấy đường… Bé thấy mình quan trọng hẳn. Sau khi ăn, bé còn khoe với mọi người rằng “con và mẹ làm/ nấu món đó, ngon lắm”.
Với những món xét thấy không được thì tôi giải thích cho con là bé ăn sẽ không tốt. Mẹ không làm hay không mua cho bé ăn là sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và trí thông minh của bé. Bởi vậy, nếu ai cho những món tương tự, bé cũng đừng ăn. Tôi dạy con mỗi ngày về một số hiểm họa trong các món ăn, khi mình không biết nguồn gốc của chúng. “Vậy thì con chỉ ăn món mẹ làm thôi, vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe”.
Khi con thích ăn chực – Hỏi bé những món bé yêu thích; nếu món đó không ảnh hưởng gì đến bé, mẹ có thể mua cho bé hoặc mẹ tự làm và gợi ý bé giúp. – Nếu bé lỡ ăn thứ gì của ai thì đừng la bé, như vậy bé sẽ xấu hổ như mình vừa gây ra một điều xấu xa. – Giải thích cho bé hiểu rằng nếu nhận đồ ăn của ai đó thì rất có thể lúc nào đó sẽ bị kẻ xấu lợi dụng bằng cách cho đồ ăn và… bắt đi. |
Theo Mẹ yêu bé